Về Quảng Nam khám phá làng Lò Nổi Quế Sơn

Chúng tôi về thăm làng gốm Thắng Trà, xã Quế An, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) vào một ngày đầu trung tuần tháng 10/2019. Trời miền Trung mùa này, chập chững những ngày bắt đầu vào mưa lác đác lẫn trong cái nắng hanh hao. Đây là một làng nghề truyền thống ở miền trung du Quế Sơn có không biết bao đời gắn bó với việc quanh năm nhào đất, nặn nồi…


Bà Châu Thị Nhí người duy nhất còn giữ lửa cho làng gốm Thắng Trà, xã Quế An, huyện Quế Sơn (Quảng Nam)

Trong mái che của nhà dưới, bà Châu Thị Nhí (78 tuổi), người thợ gốm ở làng Thắng Trà, xã Quế An, huyện Quế Sơn (Quảng Nam) vẫn hì hục với công việc của mình để đưa những sản phẩm vừa làm xong cách đây hơn 3 ngày vào lò. Lau vội những giọt mồ hôi, bà Nhí quay lại cho chúng tôi biết: Chẳng ai trong xã Quế An, còn nhớ nghề làm nồi đất ở Thắng Trà có tự bao giờ. Khi tôi lớn lên, đã nghe các cụ cao niên trong làng truyền lại, cách đây gần hai trăm năm, người dân đã làm nồi đất đem đi khắp nơi trong vùng để bán kiếm kế sinh nhai.

Dẫn chúng tôi đi thăm lò gốm của gia đình mình, duy nhất còn lại ở làng gốm Thắng Trà này, bà Nhí tâm sự: Tôi cố làm sớm để có đủ sản phẩm cho vô lò nung về sợ trời xứ Quảng hay mưa dông về chiều. Rồi bà Nhí bảo, một tháng mà không đốt lò là tôi thấy buồn lắm chú ơi. Thường sau thời gian khoảng 10 ngày, gia đình bà sẽ cho ra lò một mẻ nồi. Nghề này vất vả, thu nhập ít lắm. Làm cật lực mỗi ngày cũng chỉ thu về khoảng 140 đến 150 ngàn đồng/lao động tính đến thời điểm hiện nay (tháng 10/2019). Trung bình mỗi lò gốm, khi đốt xong hoàn chỉnh thì bán được khoảng từ 3 triệu đến 4 triệu đồng cho 10 sản phẩm với hơn 20 loại như: nồi kho cá, nồi nấu cơm, niêu, tách, trả, xoong, chảo đúc bánh xèo, ấm nấu nước, đến lu đựng gạo, lu đựng nước uống, bồng binh đựng tiền, ống nhổ trầu, thau rửa chén…, với số lượng từ 200 đến 250 cái. Trừ hết các khoản chi phí tính ra còn khoảng 2 triệu đồng. Đặc biệt, là tháng Chạp và gần Tết Nguyên đán, hàng bán chạy. Hiện tại một niêu kho cá, niêu nấu cơm, ấm nấu nước, lò nấu, lu đựng gạo, lu đựng nước, ống nhổ trầu…có giá tiền từ 15.000 – 100.000 đồng.


Bà Châu Thị Nhí (bên trái), với mẻ lò vừa đốt xong

Theo tìm hiểu của chúng tôi, làng gốm Quế An trước đây có tên là làng Lò Nồi. Vì nằm trong phạm vi của thôn Thắng Trà, nên người dân quen gọi là làng gốm Thắng Trà hay làng gốm Quế An là một. Làng Lò nồi cách Đô thị cổ Hội An khoảng 45km về hướng Tây Nam và cách Tam Kỳ (tỉnh lỵ Quảng Nam) khoảng 52km về hướng Tây Bắc. Nghề làm gốm ra đời từ khi những cư dân Việt đầu tiên đến đây chọn đất, khai phá lập làng. Từ lâu, người dân xứ Quảng đã nức tiếng gần xa với tay nghề làm nồi đất. Sản phẩm của gốm Lò Nồi có đủ loại: nồi kho cá, nồi nấu cơm, niêu, tách, trả, xoong, chảo đúc bánh xèo, ấm nấu nước, đến lu đựng gạo, lu đựng nước uống, bồng binh đựng tiền, ống nhổ trầu, thau rửa chén…

Để làm được cái nồi đất phải qua rất nhiều công đoạn. Người làm nồi phải cắt xắn, đâm rồi nhào trộn đất thật nhuyễn, nhặt bỏ các tạp chất. Công việc này thường được cánh đàn ông đảm nhận nhưng các công đoạn tiếp theo như vê đất, nặn nồi, gọt, làm đẹp, phơi nắng, đem vào lò đốt không thể thiếu bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Người thợ phải tỉ mẩn, cẩn thận, kiên trì, chịu khó. Tuy nhiên, công đoạn đốt nồi được xem là khó nhất bởi nếu nhiệt độ quá cao thì hầu như các sản phẩm sẽ nứt hết, tất cả coi như mất hết. Nếu đốt không đủ nhiệt độ thì các sản phẩm sẽ sống. Lò đốt nồi là lò trần lộ thiê không lợp mái, gặp phải trời mưa, lò đang cháy dở thì chỉ có bỏ vì gặp mưa các sản phẩm trở lại những khuôn màu đất sét.


Sản phẩm gốm Thắng Trà

Bà Nhí bảo, hàng nồi đất ở đây mang đậm dấu ấn hồn quê xứ Quảng đều do bàn tay khéo léo của phụ nữ làng Thắng Trà tạo ra, nên luôn được mọi người từ khắp nơi tin cậy. Ngày trước, người dân làng Thắng Trà phải gánh từng loại đi bán nhiều vùng quê trong huyện, trong tỉnh. Hiện nay, đường xá đi lại thuận lợi, người dân không còn phải gánh mà thay vào đó tư thương đến tận lấy hàng để chở đi nhiều nơi trong tỉnh Quảng Nam, nay lên Tây Nguyên, ra đến tận Quảng Bình, Quảng Trị để bán. Sản phẩm của gốm Quế An khá bền và đặc biệt rất tốt. Chính vì điều này mà nghề gốm Quế An đã ở lại trong lòng du khách khá lâu cho tới bây giờ.


Bà Châu Thị Nhí đang truyền dạy cách làm gốm cho đứa con gái út của mình

Năm nay bà Nhí đã hơn 78 tuổi, là một trong những người thợ gốm tuổi đã qua hơn 60 năm theo đuổi nghề, trong khi hàng trăm hộ của làng gốm Thắng Trà gần 200 năm tuổi này, đã không còn theo nghề của cha ông. Gian nan, vất vả, đã bao lần bà Nhí thao thức trước quyết định giữ lại nghề của làng mỗi khi đối mặt với khó khăn, túng thiếu và nhìn những người trong làng lần lượt giàu lên sau khi bỏ nghề gốm mà làm nghề khác. Thế nhưng, vì yêu nghề không chịu thua, bà Nhí bàn với gia đình vay mượn vốn của các anh chị em họ hàng tiếp tục giữ nghề. Và rồi, bà cũng đã trụ được với nghề truyền thống làng Lò Nồi của cha ông.

Gốm Lò Nồi, với tuổi đời hình thành ngót nghét hàng trăm năm, sản phẩm gốm Thắng Trà, xã Quế An sẽ tiếp tục phát triển, khẳng định vị trí với từng sản phẩm và bí quyết của một làng nghề truyền thống trong phát triển mà nó còn là địa điểm du lịch khá hấp dẫn với những du khách khi về thăm làng quê trung du Quế An, huyện Quế Sơn (Quảng Nam).

Nguyễn Văn Sơn

Nguồn: báo dulich việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *