Kỳ cuối: Mỗi hộ gia đình chính là một nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch
Homestay là loại hình lưu trú du lịch khá phổ biến, đặc biệt tại các nước mới phát triển, nhưng ở Việt Nam thì việc kinh doanh loại hình lưu trú này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và mang tính tự phát. Không nên quy định homestay chỉ đơn thuần là cơ sở lưu trú du lịch theo pháp luật hiện hành với tiêu chuẩn như các loại hình lưu trú du lịch khác mà nên xem xét homestay dưới góc độ là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh bao gồm dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm, thuyết minh, hướng dẫn, trải nghiệm…
Thứ nhất, dịch vụ homestay đang ngày càng trở nên thân quen và phổ biến đối với những người làm du lịch cũng như đối với mỗi du khách quốc tế yêu thích khám phá văn hóa tại các nước bản địa. Homestay là dịch vụ du lịch mà khách du lịch lưu trú và sinh hoạt cùng với gia đình người địa phương như một thành viên trong gia đình để được trải nghiệm cuộc sống cùng với các giá trị văn hóa của người dân địa phương.
Do vậy, không nên quy định homestay chỉ đơn thuần là cơ sở lưu trú du lịch theo pháp luật hiện hành với tiêu chuẩn như các loại hình lưu trú du lịch khác mà nên xem xét homestay dưới góc độ là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh bao gồm dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm, thuyết minh, hướng dẫn, trải nghiệm… và mỗi hộ gia đình chính là một nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ du lịch.
Ngoài những quy định về điều kiện kinh doanh, điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, kỹ thuật thì cần có những tiêu chuẩn cụ thể đối với từng loại nhà ở như nhà cổ, nhà sàn hay chung cư… phù hợp với từng vùng miền, từng địa phương.
Hiện nay, các nước ASEAN đã thống nhất xây dựng tiêu chuẩn chung của các nước ASEAN. Mặc dù tiêu chuẩn ASEAN không mang tính chất bắt buộc áp dụng thực hiện, tuy nhiên, để hội nhập trong khu vực thì phải hướng tới tiêu chuẩn chung trong khu vực, cần thiết có sự hài hòa hóa tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn của các nước trên thế giới và khu vực. Vì vậy, cần xây dựng bộ tiêu chuẩn nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê không chỉ đáp ứng về nơi ở mà còn đáp ứng các tiêu chí khác như các hoạt động cộng đồng gắn với tính nguyên bản về tài nguyên du lịch, tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn bản sắc văn hóa ở địa phương cũng như đảm bảo về trật tự an ninh, vệ sinh và an toàn thực phẩm…
Thứ hai, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức cần tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo nâng cao nhận thức, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ du lịch, kỹ năng phục vụ khách du lịch cũng như khả năng ngoại ngữ cho các hộ gia đình.
Đối với loại dịch vụ này thì cơ sở vật chất không phải vấn đề quá lớn, bởi vì du khách khi lựa chọn dịch vụ homestay tức là chấp nhận điều kiện vật chất tối thiểu. Quan trọng nhất chính là chủ nhà. Làm thế nào để người chủ nhà nhận thức sâu sắc về dịch vụ mà mình đang cung cấp, lợi ích mà nó mang lại cho bản thân và giá trị đối với xã hội. Việc lựa chọn hộ gia đình làm dịch vụ homestay dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng cũng phải chọn lọc.
Dịch vụ homestay có sự tác động rất mạnh đến hình ảnh tổng thể của một điểm đến, nên người làm dịch vụ này không chỉ có kiến thức về du lịch mà còn phải có phẩm chất tốt, có hiểu biết sâu sắc về văn hóa bản địa để giới thiệu cho khách, có tầm nhìn xa và phải biết vì lợi ích của cả cộng đồng chứ không như phần lớn người dân hiện nay cho rằng homestay là một dạng lưu trú du lịch giá rẻ.
Cần hiểu đúng về homestay là 1 sản phẩm hoàn chỉnh
Thứ ba, cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các ngành liên quan trong việc kinh doanh, quảng cáo tiếp thị, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kịp thời hỗ trợ khi cần thiết; đồng thời cần nghiên cứu, rà soát quy hoạch để xây dựng chiến lược phát triển loại hình lưu trú du lịch homestay, ban hành quy chế quản lý để quản lý việc kinh doanh cũng như đảm bảo quyền lợi của du khách.
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; thì homestay là một trong những dịch vụ chủ đạo của loại hình du lịch cộng đồng.
Đây là dịch vụ du lịch đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội đảm bảo các yếu tố về phát triển bền vững, thân thiện với môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và giao thoa văn hóa. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật kinh doanh loại hình lưu trú du lịch homestay là cần thiết.
Vai trò của chính quyền địa phương đối với loại hình lưu trú du lịch homestay còn hạn chế, chưa có chiến lược, định hướng để phát triển du lịch bền vững của địa phương dẫn đến tình trạng phát triển ồ ạt, rầm rộ như hiện nay; chưa có sự hỗ trợ về thủ tục cũng như kinh tế để các hộ gia đình ở những vùng khó khăn có điều kiện kinh doanh. |
Th.s Trần Thị Khánh Chi – Khoa Luật, Trường Đại học Đà Lạt