Những giải pháp cần và đủ để du lịch Việt Nam bứt phá, kỳ 3

Kỳ 3: Sản phẩm du lịch – Bài toán chưa có lời giải

Điều khiến các công ty du lịch “đau đầu” không chỉ đơn thuần là thời gian, thời hạn miễn thị thực nhập cảnh hay công tác xúc tiến quảng bá ở thị trường nước ngoài mà chính việc “sản xuất” những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn cũng “khiến bao người mất ăn mất ngủ”. 

Với kiến trúc độc đáo mang đậm tính nghệ thuật, Cầu Vàng đã trở thành cây cầu đặc biệt, thu hút du khách.

Chủ yếu dựa vào lợi thế sẵn có

Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) xếp Việt Nam đứng đầu châu Á, đứng thứ 6/10 quốc gia tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới năm 2017. Việt Nam không còn là cái tên xa lạ trên bản đồ du lịch thế giới với ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên.

Điều này được minh chứng rất rõ khi Việt Nam có hệ thống tài nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn, trải dài dọc theo đất nước với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hạ Long, Sapa, Phong Nha – Kẻ Bàng, Vân Phong… là những kỳ quan của thời đại có sức hút du lịch mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, chúng ta có nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Thiên Cầm, Non Nước, Mỹ Kê, Mũi Né, Vũng Tàu… vịnh đẹp và nổi tiếng như Hạ Long, Nha Trang, Xuân Đài… cùng với các đảo như Cát Bà, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc… là thế mạnh nổi trội của Việt Nam đối với phát triển du lịch biển đảo.

Ngoài ra, với lịch sử hơn 4.000 năm dựng nước và bề dày truyền thống văn hóa của 54 dân tộc sinh sống trải dài từ Bắc tới Nam; nền văn hóa lúa nước với bản sắc đậm đà thể hiện qua lối sống, tôn giáo, văn hóa dân gian, lễ hội, ẩm thực Việt Nam và đặc biệt là các di sản văn hóa như cố đô Huế, Hội An, Hoàng Thành Thăng Long, cồng chiêng Tây Nguyên, đền tháp Mỹ Sơn… là những điểm sáng, điều kiện rất thuận lợi về tài nguyên du lịch nhân văn. Tất cả góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch để thu hút du khách.

Chia sẻ với chúng tôi, các chuyên gia du lịch thừa nhận, có hơn 90% tour du lịch được thiết kế chủ yếu dựa vào những lợi thế có sẵn từ thiên nhiên. Chẳng hạn tour tham quan biển đảo, tour du lịch tâm linh… Thậm chí, tour du lịch nghỉ dưỡng cũng đang dựa vào điều kiện tự nhiên như vùng đất, khí hậu.

Kể cả như du lịch văn hóa – khám phá và trải nghiệm, loại hình du lịch có thể xây dựng thành sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách thì cũng xuất hiện sản phẩm na ná nhau ở mỗi vùng. Ví như miền Tây thì có loại hình du lịch trải nghiệm văn hóa nghe đờn ca tài tử, tát mương bắt cá; vùng Tây Nguyên thì trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, thưởng thức thịt nướng – rượu cần… mà ở tỉnh nào cũng có sản phẩm gần như là giống nhau.

Điều này, xét ở gốc độ làm sản phẩm du lịch thì rất thuận lợi, bởi doanh nghiệp dễ dàng làm tour. Đặc biệt là tour du lịch đưa khách đến từng địa phương cụ thể có sự liên kết giữa các vùng. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng, thì rất khó cho doanh nghiệp. Bởi hiện nay, đa phần các sản phẩm du lịch được các công ty khai thác chủ yếu vẫn ở dạng viên ngọc thô, chứ chưa chú trọng đầu tư điểm đến. Chính điều này, sản phẩm du lịch dễ bị nhái.

Đó là chưa kể, việc chưa phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ khác để đáp ứng nhu cầu của khách, nên nhiều nơi, nhiều điểm đến dù hấp dẫn cũng khó triển khai sản phẩm. Đơn cử như sản phẩm du lịch Tà Đùng (Đắk Nông) là điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, dịch vụ tham quan lòng hồ lại phát triển theo hướng tự phát, không đảm bảo an toàn cho du khách. Thậm chí dịch vụ lưu trú và trải nghiệm về đêm ở đây cũng còn nhiều hạn chế. Về cơ bản là chúng ta đang tập trung khai thác triệt để sản phẩm du lịch dựa vào điều kiện có sẵn mà không chú trọng hoặc chưa chú trọng tạo thêm những giá trị khác để thu hút khách và thu hút sự chi tiêu từ khách du lịch.

Sản phẩm du lịch ở các vùng, miền vì thế mà na ná giống nhau. Ở đây, dường như “đang có sự sao chép sản phẩm trong cùng một vùng để tạo ra sản phẩm du lịch. Chứ mỗi địa phương chưa, hoặc rất hiếm “tạo ra sản phẩm” thể hiện rõ nét đặc trưng của mình.

Đó là chưa kể, để thu hút du khách, ngoài điểm đến hấp dẫn thì các yếu tố khác như giao thông, lưu trú hay dịch vụ ăn uống cũng phải phát triển đồng bộ mới tạo nên sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Khi đó, doanh nghiệp lữ hành mới dễ dàng khai thác tour để phục vụ khách hàng.

Khi sản phẩm du lịch mà cụ thể là điểm đến mới chỉ đang khai thác ở “dạng thô”, có sẵn chứ chưa có sự đầu tư đồng bộ thì việc phát triển một sản phẩm du lịch mang đậm tính đặc trưng sẽ là điều không thể. Đó là chưa nói đến, không đồng bộ trong các “mắt xích sản phẩm du lịch” thì các đơn vị lữ hành rất khó làm tour.

Hồ Tà Đùng nổi lên như một điểm đến “vàng” nhưng đang được khai thác theo “dạng thô”.

Ít sản phẩm đặc trưng

Mặc dù Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú và đa dạng nhưng cho tới nay sản phẩm du lịch chưa khai thác tương xứng với tiềm năng đó, thể hiện hệ thống sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu.Tài nguyên du lịch thì nhiều nhưng khai thác mới dừng ở bề nổi, chủ yếu khai thác cái sẵn có nên chưa phát huy giá trị của tài nguyên.

Hầu hết những sản phẩm du lịch được khai thác hiện nay đều là những sản phẩm đơn thuần. Chia sẻ với chúng tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng sản phẩm du lịch thừa nhận: “Hiện nay, chúng ta chủ yếu khai thác các sản phẩm du lịch (điểm đến – PV) ở dạng dựa vào lợi thế tự nhiên là chính. Rất ít sản phẩm được xây dựng mang đậm tính đặc trưng của địa phương để tạo nên sự khác biệt nhằm thu hút du khách”.

Bên cạnh một số dòng sản phẩm trọng điểm của du lịch Việt Nam hiện nay như lịch biển đảo hay du lịch nghỉ dưỡng thì vài năm trở lại đây, dòng sản phẩm du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa bản địa ngày càng trở thành “đặc sản” thu hút khách du lịch.

Hãy nhìn cách Hội An biến phố cổ thành di sản sống động sẽ thấy rõ. Không chỉ hấp dẫn du khách khi dạo bước trong không gian kiến trúc nhà cổ phố cổ, điều níu chân du khách và khiến họ phải trở đi trở lại nơi đây là con người, nếp sống và “trầm tích văn hóa” lâu đời của xứ Quảng.

Hay như thời gian gần đây, Cầu Vàng Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) đã được chia sẻ trên nhiều website, diễn đàn, mạng xã hội và kênh thông tấn uy tín thế giới. Theo mô tả của CNN (Mỹ): “Cầu Vàng là một cây cầu nhỏ hẹp bao quanh sườn núi, được nâng đỡ trên đôi bàn tay cũ kỹ, rêu phong. Cây cầu được thiết kế như đôi bàn tay Phật nâng dải vàng. Công trình mở lối đi trên mây, giữa lưng chừng núi cho du khách, trở thành điểm đến rất thu hút khách du lịch trong thời gian qua”. Chính vì lẽ đó, một số hãng lữ hành lớn tại Đà Nẵng cho biết, nhờ hiệu ứng Cầu Vàng, từ giữa tháng 7/2018 tới nay, cứ 3 du khách quốc tế đăng ký tour thì sẽ có 2 khách yêu cầu check-in Cầu Vàng Ba Na Hills.

Khẳng định vai trò quan trọng của “kỳ quan mới” này với ngành du lịch Đà Nẵng, ông Ngô Quang Vinh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, với kiến trúc độc đáo mang đậm tính nghệ thuật, Cầu Vàng đã trở thành cây cầu đặc biệt do Tập đoàn Sun Group kiến tạo trên đỉnh Bà Nà. Công trình đồng thời góp thêm một biểu tượng du lịch mới, đưa tên tuổi Đà Nẵng vươn tầm quốc tế.

Cũng tạo điểm nhấn và làm mới sản phẩm du lịch để thu hút du khách, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phối hợp với Công ty Du lịch Vietravel đầu tư 1.000 đèn Led bố trí bao bọc xung quanh và xuyên suốt Kỳ Đài Huế được thi công theo công nghệ hiện đại. Đây là một sự kiện không chỉ tôn vinh và bảo tồn giá trị lịch sử của Kỳ Đài mà còn góp phần tạo thêm điểm hấp dẫn về đêm cho du lịch cố đô.

Được biết, “Thắp sáng Kỳ Đài Huế” là sự kiện quan trọng thuộc chuỗi dự án “Huế – Sáng và Sống” do Công ty Vietravel đầu tư. Trong dự án này, du khách còn được trải nghiệm một cố đô rất “khác” với phố đi bộ Chu Văn An – Phạm Ngũ Lão – Võ Thị Sáu nhộn nhịp. Định hướng sắp tới Vietravel sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai nhân rộng sang các dự án khác như chiếu sáng cầu Trường Tiền, sông Hương, xây dựng không gian văn hóa…

Việc “làm mới những sản phẩm du lịch đang có” cũng là cách thu hút du khách. Tuy nhiên, dựa trên những lợi thế có sẵn, chú trọng đầu tư để tạo điểm nhấn cho sản phẩm sẽ thu hút nhiều hơn sự trở lại của du khách.

Ngoài ra, chú trọng đầu tư điểm đến sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch mang đậm tính đặc trưng, tạo sức cạnh tranh về điểm đến với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

(Còn nữa)

Nguyễn Nam

Nguồn: báo dulich. Net. Vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *