Xây dựng “Huế – Kinh đô áo dài”: Còn nhiều việc phải làm

Để Huế trở thành “Kinh đô áo dài”, có nhiều tiêu chí cần thực hiện; trong đó, Huế phải là trung tâm may áo dài của cả nước và có nhiều hơn các cơ sở kinh doanh đáp ứng được các nhu cầu may, mua sắm của du khách.

Áo dài dần đi vào đời sống ở Huế một cách sâu rộng hơn

Xây dựng Huế thành “Kinh đô áo dài” là điều vô cùng cần thiết. Bởi lẽ một điều ai cũng có thể nhận thấy, đó là cơ sở để một di sản văn hóa truyền thống như áo dài đi vào cuộc sống đương đại một cách sâu rộng. Còn hơn thế, việc phát huy các khía cạnh từ nghệ thuật trình diễn, phục vụ đời sống, kinh doanh may áo dài, khai thác du lịch… còn hướng đến phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Tại các diễn đàn, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần nhấn mạnh, việc triển khai và thực hiện có hiệu quả “Huế – Kinh đô áo dài” là bước đi phù hợp với xu hướng, có tính điển hình về việc đóng góp của “công nghiệp văn hóa” cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Điều này cũng phù hợp với chủ trương phát triển dựa trên nền tảng của di sản, văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa Huế mà Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ cho Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thời gian qua, đã có rất nhiều hoạt động để Huế trở thành “Kinh đô áo dài”. Đó là việc nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu áo dài Huế; tổ chức các sự kiện, lễ hội về áo dài; quảng bá, truyền thông về áo dài Huế; tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế – Kinh đô áo dài”. Tháng 10/2022 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu kết quả thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Áo dài Huế” cho sản phẩm áo dài. Ngành giáo dục tỉnh cũng có nhiều giải pháp để phổ biến áo dài vào học đường và đang thử nghiệm đưa áo dài nam…

Du khách trải nghiệm mặc cổ phục và tham quan TP. Huế xinh đẹp

Riêng với hoạt động du lịch, khoảng 2 năm trở lại đây, mặc áo dài nói chung và mặc cổ phục nói riêng đi tham quan, chụp ảnh trong không gian di sản, hay tìm về những nét xưa cũ trở thành sản phẩm thu hút khách, nhất là dòng khách trẻ tuổi. Những hình ảnh đó đang trở thành nét đặc trưng của du lịch Cố đô. Nhiều đoàn tìm hiểu du lịch đến Huế cũng lựa chọn những bộ cổ phục để tham quan TP. Huế, điều này tăng tính lan tỏa và thêm phần khẳng định Huế là Kinh đô của áo dài.

Đó là những gì mà áo dài đã góp phần thu hút khách cho Huế thời gian qua. Nhưng ở góc độ phát huy, “làm” kinh tế từ việc may và bán áo dài cho du khách đang còn nhiều hạn chế. Khảo sát tại các nhà may truyền thống, có thương hiệu ở Huế, việc phục vụ du khách chưa được triển khai, thậm chí là họ không mấy quan tâm thị trường tiềm năng, được xác định là trọng điểm khi du lịch ngày càng phát triển.

Như tại nhà may Đoan Trang, một trong nhà may áo dài nổi tiếng của Huế hiện nay, lượng khách du lịch tìm đến sau khi được bạn bè, người thân giới thiệu chỉ chiếm gần 20%. Chủ nhà may cho biết, khả năng tự quảng bá của nhà may còn hạn chế, khách du lịch chưa biết nhiều.

Hay như nhà may Minh Tân – cửa hàng đã có lịch sử hơn 60 năm, thì gần như chưa phục vụ khách du lịch. Lý do là không thể đáp ứng được nhu cầu may lấy liền của khách, dù nhà may liên tục đón khách đến hỏi may. Chủ nhà may thông tin, với du khách, họ sẽ đặt may vào bữa sáng, yêu cầu chiều đã có sản phẩm hoàn thiện. Điều này nhà may không đáp ứng được. Người chủ đã lớn tuổi, không muốn thay đổi mô hình kinh doanh dù ông biết nhu cầu của khách du lịch đang rất lớn. Trên địa bàn TP. Huế, không chỉ nhà may Minh Tân, mà nhiều nhà may truyền thống khác vẫn chưa, hoặc không muốn chuyển dịch sang phục vụ khách du lịch.

Hiện có một số nhà may mới được mở chuyên phục vụ nhu cầu thuê và may áo dài cho khách du lịch. Đây là tín hiệu vui, nhưng theo nhiều du khách họ vẫn muốn may áo dài ở những nhà may truyền thống, đã có thương hiệu ở Huế.

Trong các nhà may nổi tiếng ở Huế hiện nay, nhà may Thẩm là có sự chuyển dịch mô hình kinh doanh tốt nhất. Số lượng áo dài phục vụ khách du lịch của nhà may chiếm khoảng 50% tổng khách. Nhà may này hiện có số lượng nhân công lớn, khách du lịch đặt buổi sáng, chiều đã có thể giao hàng.

Cùng với những tiêu chí phục dựng, quảng bá hình ảnh, tạo lập thương hiệu… việc “làm” kinh tế từ áo dài cần được chú trọng hơn. Khách đến Huế không chỉ thuê áo dài để mặc chụp ảnh, mà cần hướng đến may áo dài, mua áo dài để mang về. Vì vậy, đây là vấn đề đặt ra cho những nhà quản lý trong việc phát huy, định hướng và có giải pháp để chuyển dịch dần, phát huy hơn nữa yếu tố kinh tế của áo dài, hướng đến xây dựng Huế thành trung tâm may áo dài của cả nước.

Để ai cũng muốn đến Huế may áo dài vì sẽ là đẹp nhất, chuẩn mực nhất, cần có một cuộc khảo sát, đánh giá toàn diện về khía cạnh khai thác du lịch của áo dài. Kỹ nghệ phục vụ du lịch của các cơ sở cần được làm tốt hơn. Điều này không chỉ đưa áo dài thành sản phẩm lưu niệm chủ lực cho Huế, mà thể hiện tính chuyên nghiệp của du lịch, nâng chất lượng điểm đến.

Bài, ảnh: QUANG SANG

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *