Nghiên cứu sức chịu tải môi trường hướng đến phát triển du lịch bền vững

Khái niệm sức chịu tải môi trường

Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của ngành Du lịch, Bộ VHTTDL, TCDL giao Viện NCPTDL nghiên cứu sức chịu tải môi trường của một số khu, điểm du lịch. Đây là nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa để làm căn cứ quản lý và kiểm soát sự gia tăng khách du lịch tại các khu, điểm du lịch ở Việt Nam, góp phần bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.

Hội thảo Đánh giá sức chịu tải môi trường VQG Cúc Phương và Bản Lác 

Nghiên cứu đã đưa ra khái niệm sức chịu tải môi trường đối với khu, điểm du lịch là khả năng đáp ứng lượng khách tối đa trong không gian khu điểm du lịch và trong phạm vi giới hạn chịu đựng của môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại khu, điểm đó, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế – xã hội. Quá trình đánh giá sức chịu tải môi trường dựa trên việc đánh giá sức chịu tải của các thành phần đất, nước, không khí, cảnh quan, hệ sinh thái, hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, độ hài lòng về chất lượng dịch vụ, an ninh, số lượng khách, an toàn du khách… với những chỉ số cụ thể. Trên cơ sở những chỉ số thu thập được, nhóm nghiên cứu đề xuất công thức tính cho sức chịu tải của không gian tài nguyên, sức chịu tải của nước ở sông hồ thuộc khu điểm du lịch, sức chịu tải môi trường kinh tế – xã hội, số lượt khách du lịch tối đa, số lượng khách du lịch lưu trú tối đa… và cuối cùng là sức chịu tải môi trường tổng hợp của khu, điểm du lịch.

Theo nghiên cứu, VQG Cúc Phương (thuộc địa phận 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa) có hệ sinh thái phong phú với thảm thực vật điển hình rừng mưa nhiệt đới, có nhiều động – thực vật quý hiếm như dó đất, cói túi, hoàng thảo đốm tía, pitat Cúc Phương, voọc quần đùi trắng, báo hoa mai, các loại chim… Ngoài ra còn có tài nguyên hang động, sông hồ, đời sống của người dân địa phương. Hoạt động du lịch ở VQG hiện nay được tổ chức tại 3 khu vực chính: Trung tâm Vườn quốc gia, khu dịch vụ Hồ Mạc và trung tâm Bống với loại hình tham quan sinh thái. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, VQG Cúc Phương có thể đón tối đa 1.835 khách/ngày, trong đó tối đa là 50 khách lưu trú. Nếu so với lượng khách đến hiện tại thì hoạt động du lịch tại VQG Cúc Phương chưa đến ngưỡng quá tải. Điểm du lịch bản Lác (Hòa Bình) có địa hình bị chia cắt mạnh bởi hệ thống núi cao, khe, suối; khí hậu khá mát mẻ, ôn hòa quanh năm. Sản phẩm du lịch ở Bản Lác hiện nay là du lịch sinh thái, cộng đồng. Vào những ngày bình thường, bản Lác đủ khả năng đón khách. Tuy nhiên vào dịp cuối tuần, lượng khách đến đã vượt ngưỡng chịu tải về không gian, khả năng thu gom rác, khả năng cung cấp nước sạch…

Theo TS. Trương Sỹ Vinh – Phó Viện trưởng Viện NCPTDL, để phát triển du lịch bền vững tại VQG Cúc Phương, cần tuân thủ quy định về kinh doanh du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng, khai thác theo khả năng chịu tải, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng địa phương và du khách. Đối với điểm du lịch Bản Lác, TS. Trương Sỹ Vinh đề xuất cần tăng diện tích thực tế dành cho du lịch, thu hút khách đến nhiều hơn những ngày trong tuần và mùa thấp điểm, tăng cường năng lực thu gom rác thải và cung cấp nước sạch; tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số…

Du khách đạp xe khám phá VQG Cúc Phương (ảnh xeca.vn)

Cần nghiên cứu sâu rộng hơn

Theo TS. Bùi Thanh Thủy (ĐH Văn hóa Hà Nội), sức chịu tải của môi trường tại các khu, điểm du lịch là một nội dung quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của từng khu, điểm du lịch. Do vậy cần thiết có sự nghiên cứu chuyên sâu hơn đến sức chứa, sự tác động đến môi trường, giá trị tài nguyên của điểm du lịch… Đánh giá cao kết quả nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Danh Sơn (Học viện Khoa học xã hội) cho rằng, nghiên cứu đã góp phần xác định được mô hình để tính toán điểm nghẽn về sức chịu tải môi trường đối với khu, điểm du lịch. Tuy nhiên, khi tính sức chịu tải cần đặt trong bối cảnh các văn bản quản lý đã và sắp ban hành, thực hiện đồng thời với phân vùng tác động môi trường. Nhiều ý kiến khác cũng được nêu ra, yêu cầu phân tích nội dung liên quan đến đối tượng tác động, vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường… PGS.TS. Trịnh Thị Thanh cho rằng cần phải đưa ra được giải pháp phù hợp với quy hoạch xử lý chất thải để đảm bảo phát triển du lịch không làm gia tăng chất thải tại các khu, điểm du lịch.

Công tác quản lý tại các khu, điểm du lịch sẽ quyết định đến định hướng tổ chức, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, lựa chọn giải pháp bảo vệ môi trường, xử lý chất thải… Điều này được ông Nguyễn Hữu Dũng (Hiệp hội Quốc gia Bảo vệ thiên nhiên) minh chứng bằng ví dụ về sức chịu tải môi trường của VQG Cúc Phương không phải là cố định mà phụ thuộc rất nhiều vào năng lực quản lý. “Tổ chức hoạt động quản lý nhà nước tốt thì hoạt động du lịch sẽ tốt hơn rất nhiều”, PGS. TS. Trần Thị Minh Hòa – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội chia sẻ.

TS. Từ Mạnh Lương – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Bộ VHTTDL cho rằng, nghiên cứu sức chịu tải cần đưa ra được tác động của du khách đến môi trường địa phương, điểm du lịch và khả năng chịu tải của điểm, khu du lịch để đáp ứng số lượng khách du lịch. Trong đó cần đưa ra mô hình để tính toán cho được ngưỡng tối đa tiếp nhận khách du lịch, cách thức đánh giá nhu cầu, hành vi của du khách tác động đến điểm du lịch để từ đó đưa ra giải pháp phát triển bền vững.

Phước Hà

Nguồn: báo dulich việt nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *