Mở lối du lịch xanh

Từ ngày 27 – 30.3.2019, Hội chợ Du lịch quốc tế – VITM Hà Nội 2019 diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, với chủ đề “Du lịch xanh”. Quảng Nam phối hợp cùng Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng tổ chức gian hàng quảng bá nội dung chính “Điểm đến của thiên đường biển đảo và di sản thế giới”.

Xu thế chung

Nếu chủ đề năm ngoái hướng đến du lịch trực tuyến thì tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM – Hà Nội 2019 lần này chủ đề chính là “Du lịch xanh”. “Diễn đàn du lịch xanh” được tổ chức bên lề hội chợ một lần nữa đánh dấu cơ hội và sự quan trọng của loại hình du lịch này đối với ngành du lịch nước ta trong tương lai gần. Hiện nay, nhiều đơn vị đã thực hiện chuyển đổi theo hướng du lịch xanh như mô hình tiết kiệm điện, nước tại cơ sở lưu trú, hướng dẫn khách bảo vệ môi trường khi trải nghiệm tour tại một số địa điểm như: Quảng Bình, Đà Nẵng, Hội An…

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Quang Tùng cho rằng, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp cần sử dụng nhiều tài nguyên gồm cả tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cho đất nước.

Theo khảo sát TripAdvisor (đơn vị chuyên cung cấp các đánh giá liên quan đến du lịch) cho thấy, 34% du khách sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để ở những khách sạn thân thiện với môi trường và các hoạt động du lịch bền vững; trong khi 50% du khách chi thêm cho những công ty mang lại lợi ích đối với cộng đồng địa phương và hoạt động bảo tồn. Ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên, việc phát triển du lịch xanh tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đang được xúc tiến mạnh mẽ và đạt nhiều tín hiệu tích cực với hệ sinh thái trên cạn, dưới nước được bảo tồn khá đa dạng. Tại hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên” được tổ chức tại TP.Đà Nẵng năm ngoái, ông Bùi Xuân Trường – Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đề xuất, tùy theo tiềm năng và điều kiện thực tế mỗi vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên cần nghiên cứu phát triển và xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù phù hợp như các tour xem chim, xem thú, tham quan hệ sinh thái và các hoạt động tình nguyện gắn với công tác bảo tồn.

Khai phóng tiềm năng địa phương

Sở hữu nhiều lợi thế về tự nhiên, văn hóa, Quảng Nam cũng đứng trước cơ hội lớn để triển khai các mô hình du lịch xanh nhằm thu hút thêm du khách và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế VITM – Hà Nội 2019, Quảng Nam đã phối hợp với Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng tổ chức gian hàng quảng bá với nội dung chính “Điểm đến của thiên đường biển đảo và di sản thế giới” với một số doanh nghiệp của địa phương tham dự như: Công ty CP Đầu tư du lịch Hùng Cường, Khách sạn Almanity… Ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho hay: “Vùng tây Quảng Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch xanh với các sản phẩm đặc trưng bản địa nhưng hiện vẫn chưa được khai thác nhiều nên các đơn vị lữ hành cần cố gắng nghiên cứu kết nối để giảm tải áp lực cho hai di sản Hội An và Mỹ Sơn”.

Tại Hội An, thời gian gần đây du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đã trở thành một sản phẩm quen thuộc để níu chân du khách lưu trú dài ngày. Dư địa để phát triển “du lịch xanh” tại đô thị cổ Hội An vẫn còn rộng mở nhất là tại vùng ngoại ô và biển, đảo. Ông Lê Ngọc Thuận – Chủ tịch Hội Homestay Quảng Nam nhận định: “Cẩm Kim hiện là khu vực giàu tiềm năng nhất ở Hội An để phát triển du lịch xanh bởi vẫn giữ được gần như nguyên vẹn cảnh quan nguyên sơ. Nếu phát triển bài bản ngay từ bây giờ thì du lịch xanh của Cẩm Kim trong 5 năm tới sẽ rất hứa hẹn”. Cũng theo ông Thuận, để Cẩm Kim cũng như các khu vực giàu tiềm năng khác phát triển du lịch bền vững, cần hạn chế thấp nhất việc bê tông hóa, tác động tiêu cực đến môi trường.

QUỐC TUẤN

N8: báo quang nam.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *