Khách quốc tế đến Việt Nam đông trở lại

Bên cạnh duy trì lượng khách Âu ổn định, một số công ty lữ hành thông báo sắp đón nhiều đoàn lần đầu đến Việt Nam.

Một nhóm nữ du khách Mỹ ngồi nghỉ chân bên đài phun nước trước khách sạn Rex (quận 1, TP HCM) nhưng không mang khẩu trang, tất cả không chút lo lắng khi nói chuyện với người lạ. “Chúng tôi tìm hiểu thì virus này nguy hiểm ở nơi lạnh, với người lớn tuổi, ốm yếu. Chúng tôi mạnh khỏe và TP HCM đâu có lạnh”, các cô gái cười tươi nói.

Họ cho biết đến Việt Nam du lịch mặc những cảnh báo về nCoV phủ khắp mạng xã hội. Nhóm đã tham quan nhiều nơi trong thành phố và hành trình của họ không kết thúc ở TP HCM mà tiếp tục ở nhiều nơi khác tại Việt Nam.

Nhóm du khách Mỹ cười tươi khi được hỏi về dịch bệnh lúc đang tham quan TP HCM giữa tháng 2. Ảnh: Tâm Linh

Từ tháng 2 đến hết tháng 4 hàng năm là cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam, nhất là khách châu Âu đi tránh lạnh ở quê nhà.

Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour cho biết, trong tháng 2/2020 công ty dự kiến đón khoảng 10 đoàn (hơn 500 khách) châu Âu, trong đó phần nhiều là khách lần đầu đến Việt Nam. “Với việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch và chủ động thị trường nguồn khách quốc tế, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ tăng khoảng 15% lượng khách so với năm 2019”, ông Dũng chia sẻ.

Theo Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel, công ty ông đang chuẩn bị đón khoảng 50 tour châu Âu trong thời gian tới, trong đó 80% là khách đến từ Pháp. “Kế hoạch trong vài tháng tới, khách từ các thị trường của châu Âu vẫn ổn định”, ông Toản nói. Tuy nhiên, ông Toản thừa nhận, đa phần là các tour mua từ năm trước, các tour mua mới hạn chế.

Ông Trần Vĩnh Lộc, giám đốc một công ty lữ hành ở TP HCM cho hay, các tour từ châu Âu của công ty vẫn ổn định. “Phần lớn khách đến Việt Nam với tâm lý bình tĩnh. Nếu không ảnh hưởng bởi nCoV, lượng khách châu Âu năm nay sẽ tăng trưởng mạnh. Nhưng vì dịch, chúng tôi sụt giảm 20%. So với các thị trường khác, tỷ lệ sụt giảm này là chấp nhận được”, ông Lộc nói.

Đại diện nhiều công ty lữ hành cho hay, khách đến từ châu Âu giảm nhưng không quá mạnh. Do đó, những công ty không phụ thuộc nhiều vào khách châu Á, nhất là Bắc Á, vẫn đang vận hành tốt, trong khi các công ty phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc lao đao.

Khách mua sắm ở chợ Bến Thành, TP HCM sáng 21/2, trong khi hai tuần trước, nơi này chủ yếu là chủ ngồi coi hàng. Ảnh: Tâm Linh.

Các thị trường ngách khác, du khách cũng bắt đầu đông trở lại. Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Công ty du lịch TST, cho biết trong tháng 2 và tháng 4, đơn vị này có đoàn 305 khách từ Thái Lan du lịch Hà Nội, Hạ Long, Sa Pa. Theo ông Mẫn, trong dịch Covid-19, phản ứng của ngành du lịch “tương đối kịp thời” khi chủ động gửi thư cho đối nước ngoài trấn an điểm đến Việt Nam vẫn an toàn; không đóng cửa các điểm tham quan nên vẫn giữ được lượng khách quốc tế ngoài thị trường Trung Quốc.

Khách tàu biển cũng bắt đầu quay trở lại Việt Nam sau khi hủy bỏ nhiều chuyến. Từ ngày 18/2, hai du thuyền hạng sang Crystal Symphony và Silver Spirit với tổng sức chứa gần 1.300 hành khách đã cập cảng Chân Mây, Tiên Sa để tham quan Huế, Đà Nẵng, Hội An. Tàu MSC Splendida cập cảng Thị Vải, Bà Rịa – Vũng Tàu từ sáng sớm 22/2, mang theo 2.600 hành khách.

Tại Khánh Hòa, dù ảnh hưởng từ dịch Covid-19, lượng khách Nga vẫn duy trì ổn định, ước tính đạt 52.000 lượt trong tháng 2 so với 54.000 lượt hồi tháng 1. Hiện cảng hàng không quốc tế Cam Ranh vẫn đón 25 chuyến bay đến từ Nga. Các công ty lữ hành chuyên về khách Nga sử dụng máy bay cỡ lớn như Boieng 777, 767 để vận chuyển khách.

Đoàn du khách châu Âu đang nghe hướng dẫn viên thuyết minh ở phía trước Bưu điện TP HCM sáng ngày 21/2. Ảnh: Nguyễn Nam

Bên cạnh khách châu Âu, các doanh nghiệp du lịch cho rằng cần tập trung vào những thị trường tiềm năng có khả năng mang lại nguồn khách ngay sau hết dịch.

Ông Trần Vĩnh Lộc cho hay, khách Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ, đã hủy hết tour đến Việt Nam. Nhưng thị trường này có hơn một tỷ dân để du lịch Việt Nam khai thác sau khi cao điểm khách châu Âu không còn vào tháng 4.

“Chúng tôi đã làm thị trường Nam Á và Trung Đông từ 6 năm nay. Du khách thích tới Việt Nam vì là điểm đến mới, sau khi đi hết các nước như Thái Lan, Malaysia… Việt Nam cũng đã có đường bay thẳng tới Ấn Độ. Vấn đề phục thuộc vào việc ngành du lịch quảng bá và xúc tiến thế nào”, ông Lộc nói.

“Sau đợt khảo sát thị trường Ấn Độ, chúng tôi tin rằng lượng khách từ đây sẽ sớm tăng từ cuối năm 2020”, đại diện TST nói. Công ty này cũng đang đẩy mạnh sự hợp tác để thu hút khách Malaysia.

Nguồn: vnexpress.vn

Nguồn: Tạp chí du lịch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *