Lãnh đạo Sở Du lịch cho rằng, “land tour” là một trong những biểu hiện thể hiện sự phát triển, năng động của mỗi điểm đến. Thời gian qua, để thúc đẩy “land tour”, ngành khuyến khích triển khai, tuy nhiên chưa như kỳ vọng.
Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài sắp được nâng cấp giúp tăng chuyến bay, khách đến Huế sẽ nhiều hơn
Bị động
Theo Hội Lữ hành, “land tour” là hình thức mà các đối tác đưa khách đến Huế và doanh nghiệp (DN) tại Huế sẽ thiết kế tour, trực tiếp cung cấp các dịch vụ cho du khách. Xây dựng và khai thác tốt “land tour” giúp DN tại mỗi điểm đến nói chung và Huế nói riêng có nguồn khách ổn định; về phía các đối tác gửi khách về Huế cũng giảm được một phần trong khoản kinh phí về hướng dẫn viên, vận chuyển…
Đại diện Hội Lữ hành cho hay, hiện các địa phương trong cả nước khai thác “land tour” rất mạnh, nhưng riêng đối với Huế, lại rất bị động, có xu hướng giảm so với trước đây. Số lượng “land tour” mà DN ở Huế tổ chức lại cho các đối tác chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Điều này phần nào lý giải, trong tổng số 4,3 triệu lượt khách đến Huế trong năm 2018 thì DN Huế trực tiếp đưa khách về chỉ khoảng 200 ngàn lượt.
Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam – Huế phân tích, không khó để tìm ra nguyên nhân của sự bị động trong việc xây dựng và phát triển “land tour” ở Huế. Trước tiên là do Huế không phải là điểm trung chuyển khách của miền Trung và cả nước. Khó khăn về vận chuyển, các đối tác sẽ chọn điểm đến thuận lợi hơn để làm “land tour”. Khi đã bị động về nguồn khách, không trực tiếp đón khách thì DN Huế không thể tổ chức “land tour” để phục vụ khách, dù vẫn có xây dựng tour.
Lãnh đạo Sở Du lịch cho rằng, “land tour” là một trong những biểu hiện thể hiện sự phát triển, năng động của mỗi điểm đến. Thời gian qua, để thúc đẩy “land tour”, ngành khuyến khích DN triển khai, tuy nhiên chưa như kỳ vọng. Ngoài lý do chủ quan vì năng lực khai thác khách trực tiếp của DN Huế từ các đối tác chưa nhiều, lý do về vận chuyển, sự nổi lên của Đà Nẵng được cho là chiếm đến 70% của việc bị động về nguồn khách của Huế.
Sự bị động về nguồn khách nảy sinh thêm một thực trạng khác, đó là DN Huế có xây dựng “land tour”, sau một thời gian tìm kiếm đối tác và nguồn khách, nhưng các tour vẫn không thể “chạy” ổn định, lâu dần khiến các DN chuyển hướng không phát triển “land tour” mà chuyển sang dịch vụ khác.
Trước đây, tour “Con đường di sản miền Trung” được rất nhiều DN Huế trực tiếp khai thác, nhiều đối tác nước ngoài gửi khách về cho Huế vì lúc này điểm đến của Huế còn “hot”. Khi nhiều điểm đến cùng phát triển, các đối tác sẽ lựa chọn những DN ở bất kỳ mọi vị trí mà có thể giảm kinh phí xuống mức tối thiểu.
Tìm kiếm nguồn khách
Chủ động xây dựng “land tour”, hay quan trọng hơn là chủ động tìm kiếm nguồn khách ổn định chính là giải pháp để giúp Huế chủ động có nhiều “land tour” mới; qua đó, góp phần thúc đẩy DN xây dựng thêm những sản phẩm mới, nhất là trong việc quyết định về lịch trình tour và tăng thời gian ở Huế của khách lâu hơn. Ông Phan Trọng Minh, Giám đốc Điều hành Khách sạn Azerai La Residence chia sẻ, đối với khách đi tour, tất cả lịch trình, sử dụng dịch vụ điều do các lữ hành quyết định. Điểm đến nào có mối quan hệ tốt với các đối tác sẽ chiếm lợi thế trong cạnh tranh, Huế cần tính đến phương án này.
Theo cơ chế thị trường, DN mong muốn có nhiều đối tác chọn Huế là điểm đến đầu tiên trong các “land tour” xuyên Việt hoặc miền Trung. Nhưng với nguồn lực đang có, DN Huế chỉ có thể đảm nhiệm đơn vị nối tour ở cấp 3, cấp 4, từ DN hai đầu đất nước và Đà Nẵng. Ông Vũ Văn Chương cho rằng, trước mắt, làm việc và nối tour ở hai đầu hay Đà Nẵng thời gian qua vẫn cần được duy trì. Về lâu dài, giải pháp kích cầu, trực tiếp làm tour cho các đối tác nước ngoài cần được làm tốt hơn. Cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cần có kế hoạch và hỗ trợ cho DN trong các khâu kết nối và quảng bá.
Một số DN cũng cho hay, hợp tác và tăng cường quảng bá với các kênh bán hàng online quốc tế cũng là giải pháp hiệu quả. Xu hướng đặt tour qua mạng internet sẽ phát triển hơn trong cách mạng 4.0. Song song đó, điểm đến của Huế cần có sức hút, hoàn thiện dịch vụ. Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội – Chi nhánh Huế góp ý, ngành du lịch cần định hướng để các DN Huế hình thành những liên minh, với những DN cùng khai thác những thị trường khách chung. Khi nhiều DN cùng khai thác, chắc chắn sẽ tốt hơn và có nguồn khách ổn định hơn, để các “land tour” có thể duy trì lâu dài.
Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, tổ chức các đoàn DN Huế đi khảo sát và kết nối sẽ được ngành tổ chức nhiều trong hai năm trở lại và sẽ được tổ chức nhiều hơn; đặc biệt, sẽ dồn lực để có những chuyến đi nước ngoài. Bên cạnh đó, mời các đoàn DN các nơi về Huế để kết nối cũng được thúc đẩy nhiều hơn.
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn: Báo TT Huế