Trong những năm gần đây du lịch Thừa Thiên Huế đã và đang có sự phát triển mạnh mẽ. Nếu năm 2007, Thừa Thiên Huế mới đón hơn 1,5 triệu lượt khách, thì đến năm 2018 đã đón hơn 4,3 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch ước đạt 4.473 tỷ đồng, thu xã hội từ du lịch ước đạt 11,3 ngàn tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm nay con số khách đến Thừa Thiên Huế đạt trên 2,5 triệu, trong đó khách quốc tế đạt trên 1,1 triệu, khách lưu trú đạt trên 1,1 triệu. Thừa Thiên Huế là thành phố được du khách các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Pháp, Anh yêu thích…
Những năm gần đây Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch – dịch vụ của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đó là: “Tập trung phát triển mạnh du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phấn đấu đến năm 2020, đưa Thừa Thiên Huế trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước và khu vực; đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa thế giới”.
Để làm được điều đó, tỉnh đã xác định các mục tiêu, định hướng, cũng như đồng bộ hóa các giải pháp, nhiệm vụ phát triển du lịch trong thời gian tới, đó là:
Đồng bộ hóa các nhiệm vụ, giải pháp để du lịch bứt phá
Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt nâng cấp, mở rộng và đấu nối các con đường tiếp cận các điểm du lịch đề xuất trong quy hoạch phát triển du lịch tỉnh và các địa phương. Sớm khởi công và hoàn thành trong năm 2019 một số tuyến đường kết nối các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đối với Dự án hạ tầng du lịch sông Mê Kông mở rộng giai đoạn II; nâng cấp các bến thuyền sông Hương, đầm phá; triển khai dự án xây dựng Nhà ga hành khách T2 – Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài giai đoạn 2019-2020; nghiên cứu liên kết với các hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành để mở các đường bay mới ở nội địa và quốc tế, để khai thác các thị trường khách du lịch trong và ngoài nước…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư phát triển du lịch, với những dự án du lịch có quy mô lớn từ các nhà đầu tư chiến lược. Tập trung đẩy mạnh phát triển điểm đến, đa dạng các sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh của tỉnh để thu hút khách du lịch, cụ thể:
Đẩy mạnh phát triển các loại hình văn hóa, trình diễn nghệ thuật để hình thành sản phẩm du lịch; tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch cả ngày và đêm ở quần thể di tích Cố đô Huế, nhất là khu vực Đại Nội để phục vụ du khách. Từng bước tái hiện không gian văn hoá Cung đình; khai thác sản phẩm văn hoá qua các kỳ Festival Huế như Lễ hội áo dài, tổ chức định kỳ các lễ hội phục vụ du lịch như Lân, Diều… các sự kiện thể thao dựa trên nền tảng cơ sở hạ tầng truyền thống của Huế như đua xe lòng chảo… Phát huy và khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch ẩm thực “Huế – Kinh đô ẩm thực Việt”; Phát huy nét đặc trưng của du lịch tâm linh như đền Huyền Trân, Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã, Tượng Quán Thế Âm… nhằm đáp ứng xu hướng trải nghiệm sự thanh tịnh. Thúc đẩy phát triển các hình thức tìm hiểu và trải nghiệm tìm hiểu văn hóa, lối sống địa phương.
Nghiên cứu hình thành các trung tâm du lịch (mô hình “stop and go”) trên địa bàn TP.Huế để vừa phục vụ nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ tại chỗ, đáp ứng nhu cầu vệ sinh công cộng vừa thực hiện công tác quảng bá cho du lịch.
Thu hút và đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng các khu du lịch, đô thị du lịch cao cấp cùng các loại hình dịch vụ đẳng cấp cao ở vùng biển, đầm phá, ở Thuận An – Lăng Cô, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến đẳng cấp, độc đáo và khách biệt, tạo nên sự đối đẳng và bổ sung cho thành phố di sản Huế nhằm thu hút du khách quốc tế.
Phát huy giá trị bản sắc truyền thống của làng cổ Phước Tích, gắn với sinh hoạt văn hoá mang bản sắc truyền thống làng Việt để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng, du lịch “home stay – ở nhà dân”. Phát triển mạnh các làng nghề truyền thống để phục vụ du lịch như làng gốm Phước Tích, làng nón Phú Cam, đúc đồng Phường Đúc, điêu khắc Mỹ Xuyên, đan lát Bao La, hoa giấy Thanh Tiên… gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kết nối các điểm đến.
Phát triển các loại hình du lịch, gắn với đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh, tạo công ăn việc làm cho xã hội như du lịch golf, casino, MICE, mua sắm, vui chơi giải trí, đặc biệt phù hợp với khu vực Lăng Cô – Cảnh Dương. Đẩy mạnh việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch, các sản phẩm du lịch cao cấp và hiện đại ở vùng Chân Mây – Lăng Cô – Bạch Mã để làm đối trọng và giảm sức chứa khách du lịch cho thành phố di sản Huế.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch
Triển khai hợp phần hệ sinh thái du lịch thông minh trong Đề án thành phố thông minh nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ và phát triển du lịch hiệu quả. Trước mắt, cần tiến hành tổ chức khảo sát, kiểm kê, đánh giá các tài nguyên du lịch trên địa bàn, qua đó xây dựng hệ thống bản đồ thông tin địa lý (GIS) về cơ sở dữ liệu thông minh tài nguyên du lịch.
Bên cạnh đó, chấn chỉnh và nâng cao năng lực của các đơn vị lữ hành trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các
– Tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2025, thu hút khoảng 6,2 – 6,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 2,8 – 3 triệu lượt; Du lịch đóng góp 10-12% GRDP; Thời gian lưu trú bình quân đạt 2,2 ngày. Suất chi tiêu bình quân khoảng 1,8 triệu đồng/khách.
– Đến năm 2030, du lịch đóng góp trên 15% GRDP của tỉnh. Thu hút hơn 7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt. Doanh thu du lịch đạt 20.000 tỷ đồng. Thời gian lưu trú bình quân đạt 2,5 ngày. Suất chi tiêu bình quân trên 2 triệu đồng/khách. |
trang thông tin điện tử du lịch của tỉnh, trên các trang mạng du lịch quốc tế, mạng xã hội; tích cực tham gia các sự kiện du lịch, hội chợ du lịch trong và ngoài nước… Đồng thời, phối hợp với các địa phương, tổ chức có liên quan để tổ chức đón các đoàn Famtrip, Presstrip cho các hãng lữ hành, các hãng truyền hình và nhà báo trong và ngoài nước đến tìm hiểu, trải nghiệm, thực hiện các phóng sự để nhân rộng hình thức quảng bá.
Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác xúc tiến du lịch – phối hợp công tư hiệu quả, chú trọng việc tham gia của các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt trong việc tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch lớn ở nước ngoài; tập trung đầu tư cho hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường châu Âu, đặc biệt là các thị trường Tây Âu như tăng cường quy mô và đầu tư cho các Hội chợ du lịch quốc tế lớn tại các thị trường này như Hội chợ Du lịch WTM tại Anh và IBT tại Đức…
Cùng với đó, tổ chức định kỳ các kỳ họp, hội thảo đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với các doanh nghiệp du lịch để trao đổi, lắng nghe và tháo gỡ những vướng mắc nhằm xây dựng phát triển du lịch tỉnh nhà. Tổ chức hoạt động tôn vinh, khen thưởng các doanh nghiệp du lịch để động viên, khuyến khích sự đóng góp cho sự nghiệp phát triển du lịch.
Tăng cường hợp tác giữa 3 nhà: nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong phát triển nguồn nhân lực du lịch, đảm bảo đủ về số lượng, tốt về chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là các ngành, nghề chuyên môn cao, mới, đặc thù; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đào tạo phát triển nhân lực du lịch. Khuyến khích các cơ sở đào tạo du lịch và cơ sở nghiên cứu có đào tạo du lịch lập cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ; Phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch trong hoạt động đào tạo; Tạo điều kiện để các thành phần trong xã hội có thể tham gia phát triển nhân lực ngành du lịch; Tăng cường thu hút vốn, công nghệ tiên tiến nước ngoài phục vụ phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Tiếp tục triển khai Kế hoạch hợp tác với các đơn vị truyền thông lớn ở trong và ngoài nước, các trang mạng chuyên cung cấp dịch vụ du lịch tầm cỡ quốc tế; các đơn vị vận chuyển; các hãng lữ hành lớn có thương hiệu.
Chú trọng vào liên kết với các địa phương trong nước và quốc tế có thị trường khách lớn và ổn định, phù hợp với định hướng khai thác thị trường khách của địa phương. Duy trì có hiệu quả mối liên kết “Ba địa phương – Một điểm đến” và mở rộng liên kết với các tỉnh Bắc Trung bộ. Phối hợp với tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng dự thảo xây dựng cơ chế chính sách thí điểm đột phá phát triển du lịch 3 địa phương…
Phát triển du lịch Thừa Thiên Huế đồng bộ, bền vững, đạt chất lượng cao và thực sự chuyên nghiệp là mục tiêu tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm đạt được trong năm 2019 và các năm về sau. Hy vọng rằng với những nỗ lực trên, du lịch Thừa Thiên Huế sẽ có bước tiến mới trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực.
Lê Hữu Minh
Q, GĐ Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế