Hôm rồi anh bạn từ Đồng Xoài ra Huế cùng với một nhóm người thân quen. Gặp nhau “phê pháo”, hỏi lý do nghe bạn trả lời tỉnh bơ, vừa tham quan Huế vừa tranh thủ chữa bệnh.
Thấy tôi tỏ ý ngồ ngộ, nên sau khi khoe một mớ xét nghiệm rồi cả một lịch trình khám chữa bệnh hẳn hoi, bạn bảo về Sài Gòn cũng được nhưng chầu chực mệt quá, ra Huế, dịch vụ không thiếu, vừa rẻ lại vừa nhanh và tranh thủ đi du lịch.
Dịch vụ giải trí ở Khu du lịch Suối khoáng nóng Thanh Tân. Ảnh Võ Đức Quang
Cái kiểu du lịch – chữa bệnh của bạn tôi kể ra cũng lạ, nhưng mà có lý. Thừa Thiên Huế được xem là một trong những trung tâm y tế hàng đầu của cả nước mà. Ở đây có đầy đủ các dịch vụ y tế hiện đại. Người Việt mình gần đây vẫn thường sang Singapore hay Thái Lan kết hợp du lịch và chữa bệnh. Còn trên thế giới, hình thức du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe đang ngày càng nở rộ tại Istanbul, giúp vực dậy ngành công nghiệp không khói của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nằm ở ngã ba Á – Âu.
Năm 1928, bác sĩ A. Sallet khám phá ra suối khoáng nóng Alba Thanh Tân tại chân núi Mã Yên thuộc huyện Phong Điền. Alba trong tiếng Latin có nghĩa là: Rising the sun, day break (Rạng đông, ban mai tinh khôi). Năm 1957, bác sĩ Fontaine mang mẫu sang Pháp xét nghiệm, kết quả cho thấy rằng nước khoáng tại đây có tổng lượng khoáng hòa tan (TDS) 860, được coi như cao nhất tại Việt Nam, tương đương với các mỏ nước khoáng hàng đầu tại châu Âu. Gần một thế kỷ qua, nước khoáng Thanh Tân đã trở thành điểm đến tham quan du lịch và chữa bệnh ở Thừa Thiên Huế.
Tắm khoáng nóng ở Thanh Tân. Ảnh Võ Đức Quang
Cùng với Thanh Tân được đầu tư để trở thành Khu du lịch Suối khoáng nóng Alba, Thừa Thiên Huế còn có nước khoáng nóng Mỹ An, được các nhà khoa học của Trường đại học Y dược Huế so sánh với nhiều loại nước khoáng nổi tiếng thế giới, như Koundour của Nga hoặc Paven Banis của Bungari. Cũng như Thanh Tân, Khu du lịch nước khoáng Mỹ An từ nhiều năm nay đã là điểm dừng chân lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn và cả chữa bệnh nữa. Tôi đã có dịp ghé về đây, nằm ở sát Cố đô, khu du lịch được thiết kế theo lối kiến trúc Huế đã mang lại cho du khách một cảm giác ấm cúng khi tắm khoáng nơi đây.
Kết hợp du lịch với nghỉ dưỡng và chữa bệnh được đề cập nhiều ở tỉnh ta ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 11 – NQ/TU xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực miền Trung và cả nước giai đoạn 2012 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, trong đó có chỉ tiêu hoàn thành phục hồi Thái y viện triều Nguyễn. Dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị (khóa IX) về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Bình khẳng định, phải nghiên cứu phục hồi Thái y viện triều Nguyễn, một địa chỉ khám chữa bệnh gắn kết du lịch.
Là kinh đô của triều Nguyễn, Huế có Thái y viện, cơ quan y tế cấp trung ương hình thành từ thời Gia Long và hoàn chỉnh dưới thời vua Minh Mạng. Thái y viện có tổ chức quy mô và hoạt động nghiêm cẩn. Nhiệm vụ chính của Thái y viện là chăm sóc sức khỏe cho vua, hoàng gia và nội cung. Ngoài ra, còn khám chữa bệnh cho các đại quan tại Kinh thành, những người phụng trực tại các điện miếu, lăng tẩm, binh lính, dân phu ở các công trường của triều đình, tham gia chống dịch bệnh ở các địa phương, mở trường dạy thuốc, tư vấn cho Thượng thiện sở khi chế biến thức ăn của vua cùng hoàng gia.
Phục hồi Thái y viện phục vụ cho phát triển du lịch xuất phát từ mô hình Đồng Nhân Đường ở Trung Quốc. Ra đời dưới triều Thanh vào năm 1669, đến năm 1723, Đồng Nhân Đường được giao trọng trách chữa bệnh cho vua quan triều đình, đồng thời chủ trì việc thờ cúng thủy tổ nghề y. Đồng Nhân Đường đã chăm sóc sức khỏe cho 8 hoàng đế Thanh triều trong 188 năm (1723 – 1911). Từ năm 1992, trong bối cảnh cải cách và mở cửa, Đồng Nhân Đường tuyên bố thành lập tập đoàn Bắc Kinh Đồng Nhân Đường. Hầu hết các tour du lịch đến Bắc Kinh đều được hướng dẫn viên đưa đến Đồng Nhân Đường để nghe quảng cáo, xem mạch và… mua thuốc!
Ít có địa phương như Huế với một tiềm năng dồi dào để phát triển du lịch kết hợp với y tế. Bên cạnh những mô hình kết hợp du lịch – chăm sóc sức khỏe như khu du lịch suối khoáng nóng hay Thái y viện, Thừa Thiên Huế còn có nhiều cơ sở Đông y đã trở thành điểm đến du lịch, như Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa, Tuệ Tĩnh đường Hải Đức, các phòng khám Đông y… Khám chữa bệnh ở phòng khám của Lương y Lê Quý Ngưu ở phường An Cựu (TP. Huế), tôi có dịp làm quen với nhiều người từ các nơi khác đến, trong đó có nhiều Việt kiều và du khách nước ngoài, đến Huế tham quan và tranh thủ chữa bệnh. Tiếng tăm của ông Lê Quý Ngưu đã vượt ra khỏi phạm vi Thừa Thiên Huế.
Thừa Thiên Huế có Bệnh viện Trung ương Huế là địa chỉ y tế hàng đầu quốc gia và Bạch Mã xứng đáng để trở thành trung tâm du lịch – nghỉ dưỡng mang tầm quốc tế mà cách nay hơn 100 năm người Pháp đã phát hiện và xây dựng. Thừa Thiên Huế cũng đã có đề án mang tính chiến lược và toàn diện trong việc khơi nguồn cho sự phát triển của loại hình kết hợp du lịch với chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, những gì làm được và những công việc triển khai cho tương lai xem ra chậm, ít ỏi và chưa thật xứng tầm.
Mỗi tháng có 5.000 lượt du khách quốc tế tới Thổ Nhĩ kỳ, chủ yếu là thủ đô Istanbul, để thực hiện phẫu thuật cấy tóc. Ba tháng đầu 2017, doanh thu từ hoạt động du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe của tăng 17% và Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu đạt doanh thu 7 tỷ đôla từ ngành này trong năm nay. Ở quanh ta, các nước Singapore, Thái Lan… hơn 10 năm nay trở thành điểm đến du lịch hàng đầu về chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho du khách, doanh thu hàng tỷ đôla mỗi năm. Đây được xem là những minh chứng sinh động cho thấy, nếu biết khai thác và phát huy, du lịch kết hợp với chăm sóc sức khỏe sẽ là mô hình “gà đẻ trứng vàng” cho Thừa Thiên Huế.
Đan Duy
Nguồn: báo TT huế