Du lịch khám, chữa bệnh ở Huế có nhiều điều kiện để phát triển, nhưng việc khai thác đến nay chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Du khách tham quan di sản Huế
Chưa có tour tuyến riêng
Ngoài tiềm năng về du lịch văn hóa, di sản, theo nhận định của các doanh nghiệp lữ hành và chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, Huế có rất nhiều tiềm năng, thuận lợi để khai thác lĩnh vực du lịch khám chữa bệnh. Đây là một lĩnh vực không còn mới, đã phát triển mạnh ở một số nước trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore… Những dòng khách “đổ” về các đất nước có nền y học tiên tiến để khám chữa bệnh, kết hợp với nghỉ dưỡng hầu hết là khách có mức chi tiêu cao.
Ở Huế có y học cổ truyền lâu đời với nhiều lương y, lương dược danh tiếng góp phần củng cố, phát triển ngành y học cổ truyền nước nhà. Trong đó, liệu pháp chữa bệnh bằng thuốc Nam, thuốc Bắc và bấm huyệt châm cứu đang được du khách trong, ngoài nước biết đến. Ngoài ra, trong lĩnh vực y học cổ truyền, Thái y viện triều Nguyễn là một di sản độc đáo đang từng bước được phục hồi và phát huy giá trị. Nhiều chuyên gia, các nhà quản lý xem Thái y viện như là một địa chỉ, một sản phẩm văn hóa tinh thần riêng có ở Huế rất phù hợp với mô hình gắn kết du lịch với khám chữa bệnh.
Riêng với khoa học y tế hiện đại, ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho rằng, lợi thế trong cạnh tranh của Huế chính là chi phi để khám chữa bệnh chỉ bằng một nửa so với các quốc gia trong khu vực, trong khi đó, về chất lượng khám chữa bệnh, đội ngũ y bác sĩ ở Huế tương đương, không hề thua kém. Điểm yếu chỉ là thương hiệu du lịch khám chữa bệnh này chưa được quảng bá nhiều.
Du khách trải nghiệm khám bệnh tại Đại Nam thái y viện
Du lịch khám, chữa bệnh kết hợp với nghỉ dưỡng cũng được xem là lợi thế cạnh tranh, Huế có nhiều suối nước nóng để nghỉ dưỡng, tăng cường sức khỏe hiệu quả, như khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Tân (Phong Điền), nước khoáng nóng A Roàng (A Lưới), nước khoáng bùn Mỹ An (Phú Vang)…
Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, tiềm năng nhiều, nhưng trên thực tế khai thác tiềm năng này để thành tour du lịch chuyên nghiệp còn rất hạn chế. Bệnh viện Trung ương Huế đang thu hút một số thị trường khách, nhưng cũng đi với hình thức tự tìm hiểu và khách tự tìm đến chứ chưa có sự kết hợp giữa doanh nghiệp và bệnh viện. Sự kết nối để xây dựng tour tuyến du lịch khám chữa bệnh giữa các bên liên quan chưa tốt.
Cần sự phối hợp
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa thông tin, vào Bệnh viện Quốc tế – Trung ương Huế và quan sát thấy đa số là người ngoại tỉnh. Không chỉ có người bệnh, mà người thân đi cùng cần được nhìn nhận đó là khách du lịch và cần những giải pháp chủ động để khai thác, kết hợp với lưu trú, dịch vụ kèm theo.
Huế từng lên kế hoạch và đặt mục tiêu trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với khám chữa bệnh của khách Nhật Bản, nhưng đến nay, sản phẩm này vẫn chưa được phát triển như kỳ vọng. Hay các ý tưởng về tour du lịch khám phá kết hợp với nghỉ dưỡng, hành hương, thiền, tâm linh, nhưng qua nhiều năm vẫn chưa hình thành được sản phẩm.
Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam – Huế phân tích, tiêu chuẩn của dịch vụ khám chữa bệnh ở Huế được đánh giá cao, nhưng chưa áp dụng quy chuẩn nào trong khai thác, phục vụ khách du lịch. Thời gian đến, Huế cần quảng bá tốt hơn về thương hiệu khám chữa bệnh, nhất là về y học cổ truyền và hình thức Thái y viện dưới triều Nguyễn mới có thể thu hút khách.
Theo ông Trương Thành Minh, thời gian qua, ngành du lịch và Bệnh viện Trung ương Huế đã có sự phối hợp tốt hơn trong việc để quảng bá, kết hợp các dịch vụ, kỹ thuật khám chữa bệnh, các thành tựu của y tế tại các hội chợ, sự kiện du lịch… Dù vậy, phía ngành y tế cũng cần có sự chủ động phối hợp hơn, hình thành những dịch vụ điển hình, riêng biệt để kết hợp hình thành tour du lịch.
Ông Lê Hữu Minh khẳng định, quan trọng vẫn phải là xây dựng được tour tuyến riêng, kết hợp với tham quan, trải nghiệm Huế ngoài khám chữa bệnh. Ngành du lịch sẽ chủ động kết nối giữa các cơ sở y tế, các điểm khám chữa bệnh với các đơn vị lữ hành để tháo gỡ khó khăn, sớm có tour tuyến đưa vào khai thác.
Với những lợi thế đã có sẵn, các bên liên quan, gồm nhà quản lý, nhà kinh doanh du lịch, đơn vị cung ứng dịch vụ y tế cần phối hợp tốt hơn để sớm khai thác sản phẩm khám chữa bệnh. Loại hình du lịch mà khai thác tốt sẽ là chủ lực trong chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế, giúp tăng thời gian lưu trú của khách.
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn: báo TT huế