Đại Bình hướng đến trở thành điểm du lịch trọng tâm của huyện Nông Sơn

Có thể nói, làng Đại Bình (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) là một làng quê hiếm hoi vẫn còn giữ nét văn hóa truyền thống đặc trưng của cây đa, giếng nước, sân đình của làng quê truyền thống Việt Nam.

Đại Bình còn giữ được nét truyền thống với cây đa, giếng nước, sân đình. Ảnh internet

Khôi phục những làng nghề

Đại Bình nổi tiếng khắp vùng với nghề trồng dâu nuôi tằm, nghề mộc, trầm hương, nghề làm giá, nấu rượu, làm bánh… Tuy nhiên, như một điều hiển nhiên của sự phát triển, làng Đại Bình cũng không thể tránh khỏi việc mai một những giá trị truyền thống lâu đời. Trong đó, khẩn cấp nhất là hiện trạng làng nghề truyền thống đang dần bị mai một theo thời gian và đô thị hóa.

Trong những ngành nghề và sản phẩm trên, nghề triển vọng để khôi phục và phát triển gắn với du lịch là nghề: Trồng dâu nuôi tằm, trầm hương, nghề làm giá, làm bánh. Đây là những nghề truyền thống tại làng, có điều kiện phát triển nguyên liệu tại chỗ, tạo ra sản phẩm đặc thù.

Nghề trồng dâu nuôi tằm hình thành từ những năm 1940, năm 1960 – 1965 bị gián đoạn do chiến tranh và hiện nay còn 10 hộ trồng dâu nuôi tằm nhưng đa số nuôi tằm để lấy tằm làm thực phẩm. Bãi bồi ven sông dọc làng rất phù hợp để trồng dâu nuôi tằm, việc trồng dâu ở bãi bồi không chỉ phục vụ cho việc khôi phục nghề làm tơ mà còn tận dụng không gian nông nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng không gian sinh thái phát triển du lịch theo tuyến dọc sông.

Nghề trầm hương cũng là nghề truyền thống của làng Đại Bình, hiện tại có 3 cơ sở (ông Hải, ông Vỹ và ông Nhẫn) chế tác sản phẩm trầm hương, từ cây gió bầu mua chủ yếu ở Tiên Phước (Quảng Nam). Các nghệ nhân Đại Bình đã chế tác ra những sản phẩm: chuỗi hạt, tháp cây, hàng trưng bày… Giá sản phẩm từ 100 ngàn đến 300 triệu đồng, đây cũng sẽ là những sản phẩm phục vụ nhu cầu khách du lịch.

Nghề trồng dâu nuôi tằm hình thành ở Đại Bình từ những năm 1940. Ảnh internet

Nghề làm giá cũng là nghề truyền thống (hơn 40 năm), với yếu tố khí hậu thuận lợi kết hợp cát và nước sông Thu Bồn đã hình thành nghề làm giá và sản phẩm giá đặc trưng của làng, 1kg đậu xanh sẽ cho 8 – 10 kg giá với thời gian của quy trình là 3 – 4 ngày. Quy trình sản xuất giá hiện tại vẫn là quy trình truyền thống, nếu được cải tiến sẽ cho năng suất và hiệu quả cao hơn.

Nghề làm bánh thuận (bánh giòn) tại làng được khép kín và chủ động do việc trồng nguyên liệu (cây Ngải), sản xuất nguyên liệu (làm bột) và làm bánh được thực hiện tại làng. Các cơ sở, địa điểm sản xuất hàng hóa cũng sẽ là địa điểm du lịch trải nghiệm trong tương lai. Vì vậy, việc khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống là cấp thiết.

Sẽ là điểm đến mới của Nông Sơn

Nép mình bên dòng sông Thu Bồn êm ả, tựa lưng và chân dãy Trường Sơn hùng vĩ là ngôi làng yên bình nhất xứ Quảng. Từ lâu, Đại Bình đã nổi tiếng là nơi bình yên, không bị ảnh hưởng của bom đạn trong thời kỳ chiến tranh. Người dân tại nơi đây được hưởng sự yên bình đó nên ai cũng thân thiện, cởi mở, niềm nở với người từ nơi khác đến. Có thể nói, Đại Bình là một làng quê hiếm hoi vẫn còn giữ nét văn hóa truyền thống đặc trưng của cây đa, giếng nước, sân đình của làng quê truyền thống Việt Nam.

Với nét văn hóa truyền thống độc đáo, Đại Bình hướng đến là điểm đến hấp dẫn của huyện Nông Sơn

Qua quá trình nghiên cứu và đánh giá, đề án phát triển du lịch làng Đại Bình giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu chung trong phát triển du lịch là đưa làng Đại Bình trở thành điểm đến du lịch trọng tâm của huyện Nông Sơn; đóng vai trò là điểm nghỉ lại cho du khách để tham quan các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện; thể hiện đầy đủ các yếu tố tự nhiên, văn hóa, xã hội đặc trưng của làng Đại Bình bằng những tour du lịch, trải nghiệm về ẩm thực, nghề truyền thống, lễ hội,… Từ đó, khách du lịch mong muốn lưu trú tại làng để cảm nhận sâu hơn về văn hóa, đời sống, xã hội.

Để đạt được mục tiêu phát triển làng Đại Bình trở thành điểm du lịch trọng tâm của huyện Nông Sơn, các ban ngành, các cấp lãnh đạo phải phối hợp cùng thực hiện với doanh nghiệp và người dân. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò điều phối các nguồn lực, chính sách, truyền thông trong và ngoài huyện, tạo môi trường công bằng trong thu hút đầu tư, kinh doanh. Doanh nghiệp đóng vai trò là đầu tàu trong việc thu hút khách du lịch, sáng tạo các sản phẩm du lịch, liên kết giữa các doanh nghiệp, các nông hộ, cá nhân làm du lịch trên địa bàn làng Đại Bình. Còn người dân có vai trò giữ vững văn hóa nguyên bản, ẩm thực truyền thống, gia tăng sự đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên.

Mỗi người dân là một đại sứ du lịch của làng Đại Bình. Chỉ khi tất cả mặt trận cùng phối hợp thực hiện thì chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu phát triển du lịch làng Đại Bình trở thành điểm du lịch trọng tâm của huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Công ty TNHH Tư vấn Quản lý và Đầu tư Mastery là đơn vị tư vấn cho huyện Nông Sơn để thực hiện đề án phát triển du lịch làng Đại Bình giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, ông Phạm Thanh Tùng đóng vai trò là chủ nhiệm đề án, đề ra chiến lược và hành động cụ thể để phát triển du lịch làng Đại Bình.

Thanh Tùng

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *