Cẩn trọng với di sản

TTH – Nhiều tuần nay, không chỉ giới khoa học mà dư luận chung đều đặc biệt quan tâm đến công tác khai quật khảo cổ khu vực điện Thái Hòa (Đại Nội, Huế). Trước tiên được lý giải bởi đây là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn, nơi diễn ra các đại lễ và các cuộc họp đại triều với sự tham gia của nhà vua, hoàng thân, quốc thích cùng các đại thần. Còn nữa là công việc khai quật khảo cổ có vẻ khá mới mẻ với nhiều người.

Hơn 35 năm trước, tôi tốt nghiệp Khoa Sử, Trường  đại học Tổng hợp Huế với bản luận văn về đề tài liên quan đến di chỉ khảo cổ học Cồn Nền (Quảng Bình). Để thực hiện đề tài, tôi đã cùng với các bạn sinh viên lớp dưới tham gia khai quật di chỉ dưới sự chủ trì của Viện Khảo cổ học. Một lần phát hiện mảnh gốm, có sinh viên phấn khích “đẹp quá”. Phó Tiến sĩ khảo cổ học Phạm Thị Ninh cười, bảo chỉ nên gọi là “hay” và “lạ” thôi. Rồi cô giải thích, khó có thể gọi mảnh gốm vỡ này đẹp được khi nó chỉ được làm bằng thủ công với nguyên liệu thô và hoa văn giản đơn. Thế nhưng, đôi khi chỉ là nét vẽ thôi cũng có thể phát hiện cả một vấn đề lịch sử, có ý nghĩa sâu sắc. Cô Ninh không quên nhắc nhở, cần giữ nguyên hiện trường nơi phát hiện và tránh làm gãy vỡ hiện vật.

Khảo cổ học là hoạt động khoa học gắn liền với công việc thăm dò, khai quật khảo cổ nhằm phát hiện, thu thập, nghiên cứu di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và địa điểm khảo cổ. Phát biểu tại hội nghị “Thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học Việt Nam lần thứ 53” vào năm 2018, GS.TS. Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam dẫn lời của Thủ tướng (nay là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc, rằng “cái gì cũng có thể xây dựng được, sản xuất được, sáng tạo được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Ông Đức cũng khẳng định, “tuyệt đối không thể quay lưng với di sản, không phá hủy, làm hỏng di sản vì bất cứ lý do gì…”.

Không có điều kiện theo nghề, nhiều năm nay tôi vẫn thường xuyên theo dõi những thông tin về khảo cổ học và nhớ mãi lời dặn của cô Ninh. Thừa Thiên Huế là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa. Từ thời tiền sử đã là trung điểm giao thoa giữa hai nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng, gồm Đông Sơn ở phía Bắc và Sa Huỳnh ở phía Nam. Đây cũng là nơi từng phát hiện vô số các di tích di chỉ Champa nổi tiếng, là thủ phủ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, kinh đô của hai triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn. Hàng chục năm qua, rất nhiều di chỉ khảo cổ học được khai quật cho thấy chúng ta không hề “quay lưng với di sản”. Thế nhưng, cứ mỗi di tích được “mở ra” từ lòng đất, tôi lại có một cảm giác không yên tâm, nhất là khi được biết về công tác bảo quản và gìn giữ hiện vật phát hiện, không chỉ là sự lơi lỏng gây nên những mất mát mà đáng nói hơn còn là thiếu những biện pháp khoa học cần thiết làm hư hỏng và đánh mất giá trị lịch sử.

Trở lại với khai quật khảo cổ khu vực điện Thái Hòa, cẩn thận, khoa học và trách nhiệm là vấn đề đặt ra. Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch yêu cầu, trong thời gian khai quật cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho Nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương. Những hiện vật thu được, phải được tạm lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để bảo quản, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó. Thiết nghĩ, đó được xem là “lời dặn không thừa” khi tiến hành khai quật khảo cổ này là để củng cố hồ sơ, hoàn chỉnh phương án bảo tồn, trùng tu tổng thể di tích đặc biệt quan trọng như điện Thái Hòa.

Đan Duy

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *