“Chiếc áo mới” cho Lăng Cô

 Hòn Bãi Kả, vẻ đẹp du lịch tiềm ẩn ở Lăng Cô. Ảnh: Tuấn Kiệt

Vui buồn gần 15 năm

Cách đây vài hôm trở lại Lăng Cô, tôi gặp người bạn là cán bộ huyện Phú Lộc có gốc gác ở xứ này. Rỗi rãi anh em cùng hàn huyên bên quán cà phê nhìn ra đầm Lập An. Quán này cũng là chỗ quen biết, bao năm rồi vẫn thế, chỉ khác bây giờ đã có khách tây ra vào thư giãn, chọn view chụp hình lưu niệm.

“Lăng Cô hiện có gì mới?”. Câu hỏi này làm bạn hứng khởi, liên tục nói bất tận về bề dày, tiềm năng của một vùng đất du lịch mà bao năm qua giới truyền thông đã tốn không ít giấy mực ngợi ca và nhiều chính sách, kế hoạch từ các cấp chính quyền, các nhà đầu tư tập trung đưa Lăng Cô trở thành thiên đường du lịch Việt Nam.

Lăng Cô vẫn cảnh quan sơn thủy hữu tình tựa vào Hải Vân quan hùng vĩ, vẫn đầm Lập An được mệnh danh hòn ngọc của Huế và bãi biển Lăng Cô cát trắng nắng vàng ít nơi đâu sánh được… Đó là tài sản đáng tự hào để ví “Lăng Cô đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh”, nhưng theo cách nhìn của bạn tôi hiện nay, vẫn chưa có nét chấm phá để vươn tầm vì có cái gì đó đang “vương vướng”.

Trải lòng chia sẻ, bạn nói ngót nghét gần 30 năm “bén rễ” ở Lăng Cô nên “rành” xứ này. “Cần ngõ ngách nào mình đưa đi”, bạn nói. Tôi ngồi sau xe bạn để cảm nhận và cùng trao đổi, được nghe bạn thuyết minh về Lăng Cô – vùng đất không ít người kỳ vọng tạo động lực cho Huế cất cánh. Thực tế mang danh thiên đường du lịch, một đô thị biển tầm quốc gia nhưng hiện nhà cửa, hạ tầng giao thông ở Lăng Cô vẫn chưa nổi trội so với nhiều phường, xã khác. Tất cả vẫn túm tụm vài tuyến ở khu vực trung tâm.

Ngay cả tuyến An Cư Đông, nối từ QL1A vào khu chợ, dài gần 1km, được xem huyết mạch giao thương sầm uất nhưng mấy thập niên qua (từ ngày Lăng Cô còn xã Lộc Hải), nay vẫn y nguyên một làn cho ô tô nhỏ qua lại. Hai bên QL1A qua Lăng Cô chưa có thay đổi gì nhiều, ở phía đông vẫn các khu du lịch nghỉ dưỡng quen thuộc, như Làng Cò, Thanh Tâm, Lăng Cô Beach… nhìn ra biển. Vẫn có nhiều quỹ đất xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng mà tôi nhận thông tin từ lãnh đạo địa phương chưa biết ngày hoàn thành. Nhìn Lăng Cô từ phía nam chân đèo Phú Gia, nhà cửa loang lổ, có những khu vực còn nhiều lăng mộ ken dày và những trảng cát đầy xương rồng hoang, mang dáng vẻ của một làng quê.

Hai bên QL1A qua Lăng Cô hôm nay chưa có gì thay đổi so với 15 năm về trước

Cái được theo tôi và người bạn cảm nhận, hiện Lăng Cô có tuyến đường chạy quanh phía đông đầm Lập An dài 3km mới hình thành tươm tất với tên gọi Nguyễn Văn. Nhờ tuyến này, đầm Lập An đẹp hơn nhưng bên đầm chỉ vài nhà hàng, như Làng Chài, Bé Thân, Vietpear, Lagoo…, những địa chỉ giúp Lăng Cô đón khách thập phương. Đối diện với đầm qua tuyến này hiện hữu các quán cà phê và một vài căn nhà mới mọc lên hơi có dáng phố.

Nhớ thời điểm Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Lăng Cô trở thành đô thị du lịch mang tầm quốc gia, thuộc Khu Kinh tế (KKT) Chân Mây – Lăng Cô (CM-LC) vào năm 2008 và tỉnh, huyện Phú Lộc tổ chức lễ đón nhận Lăng Cô lọt vào CLB Vịnh đẹp Thế giới vào năm 2009, vùng đất này không chỉ để người dân Huế tự hào.

Bao giờ Lăng Cô xứng tầm?

Nhiều năm qua, không riêng tôi mà nhiều người dân Huế vẫn dõi theo Lăng Cô và đi tìm lý do sao đến thời điểm này nó vẫn chưa trở thành đô thị du lịch biển đúng nghĩa theo quyết định của Chính phủ.

Cách đây chừng một tháng, tôi tình cờ gặp anh bạn hoạt động trong ngành bất động sản ở Huế tại nhà hàng Làng Chài trên đầm Lập An. Anh bạn cao hứng: “Mình đi nhiều nơi rồi, thiệt tình ở Việt Nam chẳng có nơi nào thuận lợi để phát triển du lịch như Lăng Cô”. “Giá như và giá như… Lăng Cô đã khác và có thể tương đồng với đô thị Đà Nẵng nằm cạnh, đêm đêm rực sáng đèn”, bạn nói.

Không ít lần diện kiến với chính quyền sở tại về “nút thắt” vùng đất có Vịnh đẹp thế giới này, anh Trần Đình Vui, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lăng Cô trải lòng, chính quyền địa phương cũng trăn trở, “sốt ruột” khi bao năm qua Lăng Cô nằm trong bản đồ du lịch thế giới. “Cán bộ ở đây ai cũng trăn trở, khát vọng nhưng để hoạch định chiến lược cho Lăng Cô đòi hỏi tầm vĩ mô”, anh Trần Đình Vui nói.

Chia sẻ của Bí thư Đảng ủy thị trấn Lăng Cô hoàn toàn có lý, vì Lăng Cô nằm trong quy hoạch KKT CM-LC, là đô thị du lịch biển hiện đại chịu ràng buộc quản lý cơ chế, chính sách của BQL KKT, công nghiệp tỉnh. Mới đây, theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như với quy hoạch chung phát triển đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, định hướng đến năm 2065, Lăng Cô vẫn được định danh đô thị du lịch biển hiện đại ở phía nam.

Tham kiến với nhiều chuyên gia ở Viện Nghiên cứu phát triển, tôi hiểu để phát triển một địa phương như Lăng Cô đòi hỏi lắm thứ; trong đó, có một cái mà tôi nhớ mãi là tầm nhìn cán bộ. Một chuyện chưa xa khi nhiều quan chức đã định hướng phát triển đô thị Lăng Cô thiếu tư duy chuyên nghiệp, khi con đường ra biển nơi đây bị chặn bởi một loạt khách sạn sang trọng. Việc ấy như một nút “khóa” tạo nốt trầm buồn mà người dân có nhu cầu phát triển du lịch biển, vốn là mảng kinh tế béo bở để tạo nghiệp khi thành thị dân. Đến thời điểm này, người dân Lăng Cô vẫn ưu tư, chịu sức ép trong phát triển kinh tế mà nguồn cơn bắt đầu từ bài toán quy hoạch.

Lăng Cô muốn phát triển phải nghĩ như nhiều đô thị khác, khi người ta tổ chức thi để tìm thiết kế quy hoạch tốt nhất cho đô thị tương lai. Muốn làm được điều này, buộc phải có sự đồng lòng, dẹp ích kỷ và dám khát vọng đổi mới. Chỉ có cách đó mới có “chiếc áo mới” khác, nhưng cái đích cần hơn là thân thể, hình hài Lăng Cô dồi dào năng lượng hơn. Không có một tiêu chí nào hơn chuyện làm ăn, sinh sống của người dân ngày một tốt hơn. Không một đô thị nào đáng sống, khi người dân ở đó cứ trăn trở từ chuyện làm ăn đến không gian sinh hoạt…

Bài, ảnh: MINH VĂN
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online “

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *