Khám phá vùng Nong

Lần đầu tôi biết đến làng Nong cũng đã nghót nghét 40 năm rồi. Cơ duyên là trong nhóm bạn học ở Huế có một bạn thân ở Nong, tên Võ Đại Dần.

1. Hơn nửa thế kỷ trước, cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương viết: “Ai từng vô sông Hương, từng nương Linh Mụ, từng ngụ Đập Đá, Văn Xá, Truồi, Nong…”. Đó là ca từ trong bài hát nổi tiếng “Bình Trị Thiên khói lửa” một thời oanh liệt kháng Pháp. Sông Hương và Linh  Mụ (Thiên Mụ) là biểu tượng của xứ Huế. Đập Đá cũng vậy. Văn Xá là làng của nhà họ Văn xưa. Vùng Truồi nổi tiếng với chè Truồi, núi Truồi… Còn lại là cái tên Nong dung dị và mộc mạc. Xuôi theo con đường thiên lý, qua Nong rồi mới đến Truồi. Và tôi đã cố tìm ở cái làng này, xem thử người dân nơi đây có đan lát nong nia chi đó là những dụng cụ làm nông như tên gọi. Làng Nong không có nghề đan nong. Thế nhưng, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai thì lần tìm dấu vết trong tiếng Pa Cô thấy có từ “Tnoong”, nghĩa là cái cót thóc, cái vựa, cái lẫm đựng thóc. Phải chăng, có địa danh Nong do đây là một vùng quê xưa có nghề trồng lúa phát đạt?

Thì ra cũng như Truồi, cái tên Nong chỉ là cách gọi của dân gian. Tên gọi đầu tiên của làng là Minh Nông, một trong 67 làng (xã) của huyện Tư Vinh thuộc đất Thừa Thiên có từ thời Lê – Mạc, được ghi lại rõ ràng trong sách cổ “Ô châu cận lục”. Qua đến thời sách “Phủ biên tạp lục” của cụ Lê Quý Đôn (thế kỷ 18) Minh Nông đã thành An Nông. Đến cuối thời nhà Nguyễn, có làng An Nông và cũng có luôn cả tổng An Nông, bao gồm vùng Nong – Truồi hiện nay. Sau Cách mạng Tháng Tám, 1945, xã Đại Nông ra đời, rồi gộp với Đại Hồng thành Hưng Lộc anh hùng. Cùng từ xứ Nong này, các xã Lộc Sơn, Lộc Bổn và Xuân Lộc hình thành. Cũng đã bao đổi thay rồi kể từ cái ngày khai canh lập làng, thế nhưng mỗi lần có dịp ngang qua tôi vẫn thích khẽ gọi, tới Nong rồi. Tên gọi Nong đã thấm vào máu thịt của bao người. Bên cạnh cái tên Nong dân dã, những cái tên Minh Nông hay An Nông (Nong) đều mang nghĩa một vùng quê làm nông yên bình và giàu có.

2. Lần đầu tôi biết đến làng Nong cũng đã nghót nghét 40 năm rồi. Cơ duyên là trong nhóm bạn học ở Huế có một bạn thân ở Nong, tên Võ Đại Dần. Vào dịp hè hay Tết, cả nhóm chúng tôi thường ghé thăm nhau, ra sông Bồ – Bao La, dừng lại làng Dạ Lê quê tôi, về tận Tư Hiền và không quên ghé Nong thăm Dần. Nhà Dần ở sát chợ, nằm dọc theo bờ sông Nong. Nhớ lần đầu tiên mừng bạn về thăm, Dần đã bảo ngay “sẽ chiêu đãi đặc sản Nong”. Thế rồi, chỉ thoáng chốc chạy ra chợ, Dần đã bưng lên cho cả nhóm một mâm đầy, với nào là bánh lọc, bánh nậm và cả bánh cuốn nữa. Cái thời buổi được ăn đã quý, thế mà bất ngờ lại được ăn ngon nữa chứ. Lần đầu tiên trong đời, tôi được biết thế nào là mùi vị của bánh cuốn Nong thơm ngon với loại nước chấm có hương vị đặc biệt, nhớ mãi đến tận bây giờ, ui chao!

Hơn cả đêm ngày ở Nong là cả sự khám phá thú vị. Cả bọn kéo nhau đi chợ, lang thang trên những con đường làng rợp bóng cây xanh, ghé thăm đình làng, trường học và cả những nhà người thân của Dần… Đặc biệt ấn tượng hơn cả là được “tắm tiên” trên sông Nong. Không như bây giờ, 40 năm trước dòng sông Nong bé nhỏ và trong vắt. Buổi tối Dần bảo, sáng sớm ngủ dậy đi tắm. Mới chập choạng, bạn đã kêu toáng lên, dậy nhanh lên… Cả mấy thằng gật gờ đi ra phía bờ sông. Theo “lệnh” của Dần, cả mấy đưa đều tồng ngồng nhảy xuống sông… Hàng chục năm rồi trôi qua, thằng bạn thân của tôi cũng bạc phước mất rồi, thế nhưng mỗi lần đi ngang qua chợ Nong, tôi lại nhớ tới bánh cuốn, buổi sáng tắm truồng nơi sông Nong và cái tên Võ Đại Dần. Không phải là dòng họ khai canh nhưng họ Võ Đại như một “đặc sản” của làng An Nông. Chỉ nghe giới thiệu là biết ngay gốc làng Nong.

Chợ Nong. Ảnh: Đức Quang

3. Lại bàn về con sông Nong. Quốc sử quán triều Nguyễn chép ngắn gọn:  “sông An Nông nằm ở phía bắc huyện Phú Lộc một dặm. Đầu nguồn từ phía bắc núi La Sơn, chảy theo hướng đông bắc 15 dặm, đến cầu Dịch Lộ, lại chảy 8 dặm đến sông Lợi Nông”. Tôi đã có dịp đi dọc theo đôi bờ sông Nong. Chính chiều dài khiêm tốn của những con sông ở phía nam Huế mà An Nông là con sông tiêu biểu đã khiến cho cảnh quan, địa hình nơi đây thay đổi đa dạng, từ đồi núi sang đồng bằng rồi ven đầm phá. Con người cũng thế, hết làm đồng lại lên đồi làm rẫy, ra sông, ra phá đánh bắt tôm cá, mùa nào việc nấy, thạo mọi ngành nghề.

Chuyện xưa kể rằng, khai canh của làng vốn là một vị tướng của triều đình họ Nguyễn, tên Đà. Ngài từng được giao chỉ huy đạo quân biên viễn phương Nam, khi đến đây đã dừng binh, lập nên làng Minh Nông xưa. Trong một cuộc chiến ở chân đèo Hải Vân, ngài đã thọ nạn và chính con chiến mã, từng rong ruổi với ngài trong suốt cuộc trường chinh, đã vượt núi băng sông, đưa ngài về với đất lành Minh Nông. Sau khi tận mắt nhìn thấy dân làng an táng chủ tướng, con ngựa đã nhảy xuống sông Nong mà chết. Câu chuyện chỉ truyền khẩu. Thế nhưng, trong thực tế vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840), ngài khai canh của làng An Nông đã được sắc phong “Dực bảo trung hưng linh phò chi thần” và được lập miếu thờ làm thành hoàng của làng, trong đó có tượng thờ ngựa chiến trung nghĩa ở thôn Bình An, làng An Nông.

Tôi nghe kể, mô típ câu chuyện quen quen, như từng bắt gặp ở nhiều làng quê khác nơi vùng đất Thừa Thiên này. Thế nhưng, trào dâng trong tôi lại là một cảm giác khó tả, những mường tượng hào hùng về những ngày đầu mở cõi, dũng cảm, trung nghĩa và khí phách của cha ông đã giúp cho Tổ quốc có được hình hài như hôm nay, trong đó có cả cái làng An Nông mà tôi vẫn thường qua lại, nằm ngay trên tuyến đường thiên lý bắc – nam.

ĐAN DUY

Nguồn: Báo TT Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *