TTH – Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) Thừa Thiên Huế vừa cho ra mắt cuốn sách “Văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế” dày gần 400 trang, do TS. Phan Tiến Dũng chủ biên, NXB Thuận Hóa ấn hành.
Tháp Phú Diên lúc mới khai quật năm 2001 |
Văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế với hệ thống các di tích và hiện vật còn lại đã phản ánh rõ nét về một giai đoạn lịch sử phát triển lâu đời, những giá trị đó là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên một diện mạo vùng văn hóa đa dạng, đặc sắc. Cuốn sách gồm 20 bài của 23 tác giả, tập trung vào 3 phần: Những dấu ấn văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế; Quan hệ Đại Việt – Champa trong lịch sử; Phát huy giá trị hệ thống di tích Champa tại Thừa Thiên Huế.
Từ năm 1306, vùng đất châu Ô, châu Lý được nhập vào lãnh thổ Đại Việt, sự có mặt của người Việt ở vùng đất này đã tạo tiền đề cho văn hóa Đại Việt ảnh hưởng mạnh hơn về phương Nam. Người Việt khi đến sinh sống, định cư ở vùng đất mới đã có lối sống ứng xử khôn khéo, tôn trọng, kế thừa và phát huy các thành tựu văn hóa mà cư dân Champa để lại.
Theo TS. Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội KHLS Thừa Thiên Huế, từ giữa thế kỷ XVI trở đi, khi các chúa Nguyễn tiến hành công cuộc Nam tiến, sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt – Chăm bước sang một giai đoạn mới. Nguyễn Hoàng và những người kế nghiệp ông đã từng bước biến Thuận Hóa trở thành một vùng đất độc lập về chính trị, quân sự, lãnh thổ lẫn kinh tế, văn hóa, xã hội để tạo nên một Đàng Trong phân biệt với Đàng Ngoài. Từ vùng đất biên viễn thuở ban đầu, Thuận Hóa – Phú Xuân lại trở thành thủ phủ của các chúa Nguyễn ở vùng đất mới Đàng Trong, là tiền đề để người Việt tiếp tục mở cõi về vùng đất rộng lớn tận phương Nam. Từ khi vua Quang Trung, rồi vua Gia Long thiết lập Kinh đô Phú Xuân – Thuận Hóa, xứ Huế trở thành Kinh đô của nước Việt Nam thống nhất, nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa một thời của đất nước”.
Trong quá trình chung sống, giữa 2 dân tộc Việt – Chăm đã có sự cộng cư và giao lưu văn hóa, và dần dần người Việt đã tiếp nhận những nét đặc sắc văn hóa của người Chăm để tạo dựng nên một nền văn hóa riêng của mình tại vùng đất vừa mới làm chủ. Với vị trí “bản lề”, nơi tiếp giáp của Việt – Chăm trong lịch sử nên Thừa Thiên Huế là một vùng đất bảo lưu nhiều dấu tích văn hóa Chăm khá độc đáo về nghệ thuật, đa dạng về thể loại, giá trị về mặt mỹ thuật quá trình “Nam tiến” của cư dân Đại Việt, về sự cộng cư và giao thoa văn hóa Việt – Chăm.
Trong văn hóa Huế, di sản văn hóa Champa là một lớp trầm tích văn hóa rất sâu, là một trong những thành tố có vị trí khá đặc biệt, góp phần cấu thành bản sắc văn hóa Huế. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Thừa Thiên Huế, trong quá trình cộng cư giữa người Việt và người Chăm thuộc họ ngôn ngữ Mã Lai Đa Đảo đã tạo nên nét đặc thù của thổ ngữ Huế. Tuy người Huế vay mượn tiếng Chăm không nhiều như việc vay mượn từ Hán – Việt, nhưng các yếu tố ngôn ngữ gốc Chăm lại tạo nên những nét riêng cho tiếng Huế. Có khi người Huế cũng bất ngờ khi nghe các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học cho biết mình đang nói tiếng Chăm lơ lớ, chẳng hạn như: Nớ: ấy (tiếng Chăm: nu); Ri: thế nầy (tiếng Chăm: rey); Tê: kia, nọ (tiếng Chăm: têh); Úi: úi chà! (tiếng Chăm: uy); Eo ôi (tiếng Chăm: eh ooh); Bông: hoa (tiếng Chăm: ponga); Ghe: thuyền nhỏ (tiếng Chăm: gai); – Bụi: lùm (tiếng Chăm: bul)”.
Thừa Thiên Huế là một trong những vùng đất còn lưu giữ, bảo quản nhiều di tích, hiện vật có giá trị độc đáo liên quan đến di sản văn hóa Champa. Hầu hết các hiện vật này đều có giá trị nghệ thuật cao và loại hình phong phú với xuất xứ cụ thể, góp phần minh chứng cho sự tồn tại của những ngôi đền tháp của đạo Bà la môn ở miền Trung trong quá trình tiếp thu văn hóa đa dạng của vương quốc Champa, trong đó ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ là đặc điểm nổi bật của giai đoạn này.