Vu lan, vang vọng một tiếng chuông chùa

TTH – Nhà tôi ở xóm Chùa (Thủy Phương, Hương Thủy). Đơn giản trong xóm có ngôi chùa làng nổi tiếng – Linh Sơn cổ tự. Cái tên Chùa còn được đặt cho ngọn đồi nằm phía sau (độn Chùa), đám ruộng và giếng nước ở phía trước (ruộng Chùa, giếng Chùa). Chưa nói, còn nữa trai xóm Chùa, gái xóm Chùa đầy tự hào.

Chùa Linh Sơn

Tôi nghe kể lại, cách nay hơn 300 năm, vào khoảng năm 1694 (Ất Hợi), chùa đã được tạo dựng, lúc đầu mang tên Tây Sơn. Đến năm Mậu Thìn (1748), đời vua Cảnh Thịnh, chùa được đổi tên thành Linh Sơn cho đến nay. Năm 1972, chùa được trùng tu và sau đó, tiếp tục có nhiều tu sửa hoàn chỉnh. Khoảng 200 năm sau khi dựng chùa, đến năm Gia Long thứ năm (1807), chuông chùa mới được đúc và tồn tại với niềm tự hào sâu sắc cho đến hôm nay. Vậy là tôi có thể tự hào, chùa làng tôi là cổ tự.

Tiếng chuông chùa Linh Sơn (mà dân làng tôi thường gọi một cách dân dã là chùa Dã Lê hay Dạ Lê) đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ. Tiếng chuông chùa là đồng hồ báo thức của mạ tôi và bao người. Nửa đêm ngủ say nghe tiếng chuông chùa, lần một, lần hai và rồi lần ba là mạ vùng dậy khỏi giường. Đó là lúc mạ một mình lăng xăng chuẩn bị nồi cám heo và bữa ăn sáng cho chị em tôi. Ngày hè, mọi thứ xong xuôi trước khi bình minh ló dạng để trong ngày ngổn ngang bao việc đồng áng, nương rẫy phải một tay gồng gánh.

Nằm ngay Quốc lộ 1A nhưng không như bây giờ, xóm Chùa của tôi xưa thật yên ả. Chùa là nơi tôi và anh bạn thân trú lại buổi ban trưa để vừa trốn nóng, lại vừa tranh thủ học bài ôn thi. Ruộng Chùa mùa này khô nắng là nơi diễn ra các trận cầu nóng bỏng. Nước giếng Chùa trong mát đã ngấm vào tôi qua bao năm tháng của cuộc đời. Và độn Chùa, nơi đó vào những buổi chiều tà, bọn trẻ chúng tôi săn tìm những trái sim, trái móc…, rồi mơ màng hướng nhìn ra phía cánh đồng làng mênh mông hay những xóm nhỏ thấp thoáng khói lam chiều.

Nhìn ra cổng chùa

Cùng với Phật Đản, Vu lan là lúc đáng đợi chờ nhất. Buổi tối, nhà nhà tranh thủ lên chùa, xem chùa làng mình dịp lễ năm nay có chi lạ. Xưa thắp đèn dầu, vào những dịp này, gia đình Phật tử tranh thủ mượn về chiếc máy nổ để thắp sáng, rồi biểu diễn văn nghệ, rồi làm lễ cúng Phật… Không khí làng quê rộn ràng. Ngày nay, lễ tục xưa vẫn giữ lại. Chùa làng tôi mấy năm trước vẫn sáng rực vào dịp Vu lan, con dân trong làng tấp nập rủ nhau ngày Rằm đến chùa đảnh lễ. Rồi nhà nhà đều cúng Rằm, cũng chờ nghe tiếng chuông chùa làng ngân vạng như những tấm lòng đồng vọng. Ai đó đã viết rất hay, rằng chuông chùa là âm thanh quen thuộc trong tâm thức bao người, là tiếng gọi cảnh tỉnh, thanh lọc bao tâm hồn.

Cũng như tôi, bao người dân Việt đều có một ngôi chùa làng để yêu thương và hoài niệm. Có thể ngôi chùa ấy không tiếng tăm như Từ Đàm hay Thiên Mụ, không to lớn như Bái Đính nơi xứ Bắc, nhưng đó là tình quê, là ký ức một thời yêu thương của lòng người nơi phố thị. Và có lẽ cũng như tôi, Phật Đản hay Vu lan là dịp để nhiều người bỏ lại phố hội xô bồ để trở về làng quê, thăm lại ngôi chùa xưa hiền hòa nơi xóm vắng, gặp lại người thân, tìm về một kỷ niệm xa xăm cứ mãi xao xuyến trong lòng.

Cũng bởi dịch bệnh COVID-19 lan tràn vây quanh nên năm nay đã sát đến ngày lễ trọng Vu lan mà Linh Sơn cổ tự của tôi vắng lặng. Thế nhưng từ ngoài vào trong vẫn sạch sẽ, trang nghiêm, ai đó vẫn có thể trải nghiệm và vãn cảnh với lòng mình thanh tịnh. Tôi cũng thế, ghé lại chùa rồi vô nhà với mạ. Mạ tôi năm nay đã hơn 80 tuổi, không còn nấu được xôi chè để cúng Phật nhưng vẫn còn nghe rõ tiếng chuông chùa làng tôi ngân vọng trong ngày rằm tháng Bảy.

Bài, ảnh: ĐAN DUY

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *