TTH – Festival mùa đông Huế 2022 sắp tới sẽ diễn ra một chương trình nghệ thuật giao lưu, hứa hẹn sẽ tạo thành điểm nhấn giữa loại hình múa truyền thống của Việt Nam và Hàn Quốc có tên gọi là “Vũ khúc giao hòa”. Đây là chương trình biểu diễn do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế phối hợp với Hiệp hội Múa Gyeonggi Hàn Quốc thực hiện tại sân khấu trước Ngọ Môn vào lúc 20h ngày 25/11/2022, cũng là một hoạt động nhân ngày Di sản văn hóa Việt Nam.
Hình ảnh giới thiệu “Vũ khúc giao hòa”
Chương trình có 12 tiết mục chính, mở màn là hòa tấu “Vọng Kinh kỳ” do dàn nhạc truyền thống trình tấu giai điệu, khái quát về công cuộc dựng Kinh đô một thuở.
Tiếp theo là phần giao hòa âm sắc giữa các vũ khúc truyền thống của Việt Nam và Hàn Quốc. Các vũ khúc cung đình như Phụng Vũ, Trình tường tập khánh; Lục triệt hoa mã đăng, Lục cúng hoa đăng trên nền nhã nhạc cùng với diễn xướng của vũ công sẽ tạo nên một âm sắc tươi vui, trang nhã mang tính triết lý của các vũ khúc cung đình.
Nghệ thuật múa cung đình Huế mang đậm tính triết lý và thẩm mỹ phương Đông. Trong múa cung đình, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, sự di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối làm nên đặc trưng riêng.
Điển hình như Lục cúng hoa đăng có nguồn gốc từ nghi lễ Phật giáo, được đưa vào cung đình và dàn dựng để trở thành điệu múa biểu diễn trong những dịp sinh nhật Hoàng thái hậu, Hoàng đế và Hoàng thái tử. Trong điệu múa, các vũ sinh vừa nam, vừa nữ, hóa trang thành Kim đồng, Ngọc nữ hai tay cầm hai chậu đèn hoa sen vừa múa vừa hát trong ánh liên hoa đăng lung linh, mờ ảo, tạo nên sự trang nghiêm và lộng lẫy. Điệu múa Trình tường tập khánh sử dụng trong các dịp mừng thọ tứ tuần, ngũ tuần của nhà vua. Điệu múa này có bốn vũ công hóa thân thành bốn vị tiên trang phục có màu sắc tượng trưng cho tứ phương, uy nghi lẫm liệt, vâng mệnh trời, quần tụ từ trên không rồi hạ giới mỗi người cầm một câu liễn mang lời chúc tụng nhà vua với các ý nghĩa, như Thiên tử muôn năm, Tuổi thọ vĩnh hằng, Muôn phương chúc tụng, Dâng mọi điềm lành…
Biểu diễn “Lục cúng hoa đăng” trong Nhà hát Duyệt Thị Đường
Trải qua thời gian, các giá trị nhân văn ấy được gìn giữ, trao truyền, phát huy để đưa nó trở thành một loại hình nghệ thuật truyền thống cung đình vốn từ chốn cun2g son rồi hòa vào đời sống đương đại bằng hơi thở thẩm mỹ mới. Các vũ khúc cung đình và nhã nhạc là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã có một hành trình 20 năm thực hành, phát huy giá trị tại khu di sản Cố đô và các không gian biểu diễn trong, ngoài nước.
Hòa điệu cùng múa cung đình Huế, Hiệp hội Múa Gyeonggi Hàn Quốc tham gia các tiết mục múa là các di sản phi vật thể của “xứ sở kim chi” như Múa trống Jindo, Múa sếu Tae Pyung Mu là các di sản văn hóa phi vật thể Gyeonggi-do số 27, số 34 của Hàn Quốc. Múa Hanryangmu hữu tình gắn với sân múa truyền thống của Bảo tàng Dân gian Gyeongbokgung. Nhảy Sogo cổ xưa được lưu truyền từ điệu nhảy do Sogochibae của Nongak, Gyobang có từ hằng trăm năm trước. Đặc biệt, điệu nhảy phóng khoáng (Sunsori Santaryeong) là di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt quốc gia Hàn Quốc số 92. Đây là điệu nhảy gồm nhiều nhịp điệu khác nhau, cùng những bước nhảy, bước đi nhẹ nhàng vừa phải của các bước làm nổi bật thần thái cùng kỹ năng. Múa cổ truyền Gyobangmu hình thành từ nhóm múa nữ ở triều đại Goryeo (918-1392), các vũ công được gọi là Gyobang có biệt tài vừa hát vừa nhảy múa và biểu diễn ở nhiều nơi.
“Vũ khúc giao hòa” được xem là một hoạt động nhân kỷ niệm 30 năm (22/12/1992 – 22/12/2022) thiết lập quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc. Đây là chương trình được kết nối trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế với Hiệp hội biểu diễn nghệ thuật tại Hàn Quốc.
Bài, ảnh: HẢI TRUNG
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”