Tư liệu quý về di sản kiến trúc Huế

TTH – “Di sản kiến trúc Huế qua nét vẽ – Tư liệu Viện Bảo tồn di tích” là ấn phẩm vừa được Viện Bảo tồn di tích thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trước đây là Xưởng Bảo quản và Tu sửa di tích Trung ương, Trung tâm Thiết kế và tu bổ di tích) ra mắt độc giả. Cuốn sách đưa nguồn tư liệu quý giá về thời kỳ đầu trùng tu di sản kiến trúc Huế đến với các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo tồn và độc giả yêu mến di sản.

Không gian cảnh quan Hiển Lâm các

Ấn phẩm giới thiệu về 7 bộ hồ sơ bản vẽ, gồm các hồ sơ vẽ ghi di tích Ngọ Môn, Triệu miếu, Hiển Lâm các; hồ sơ thiết kế tu bổ di tích Tả Vu – điện Cần Chánh, Thái Bình lâu; các hồ sơ tu sửa di tích Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ thuộc lăng vua Tự Đức. Các hồ sơ bản vẽ trình bày này được thực hiện cách đây 40 năm. Chúng chẳng những là những bản vẽ đầu tiên, mà còn là tài liệu quý giá, góp phần vào sự nghiệp giữ gìn di sản văn hóa và kiến trúc đặc sắc của Cố đô Huế.

Triệu miếu là di tích đầu tiên ở Huế được lập hồ sơ vẽ ghi đầy đủ theo bài bản khoa học. Hồ sơ vẽ ghi di tích do Xưởng Bảo quản và Tu sửa di tích Trung ương thực hiện năm 1981. Khi đó, di tích rất hoang tàn, đổ nát. Các thành phần kiến trúc mục nát, xập xệ và vẫn tiếp tục sập đổ ngay trong quá trình lập hồ sơ. Hồ sơ vẽ ghi Triệu miếu kịp thời ghi nhận đầy đủ và kỹ lưỡng tất cả các đặc điểm, chi tiết kiến trúc tiêu biểu của di tích.

Ấn phẩm “Di sản kiến trúc Huế qua nét vẽ – Tư liệu Viện Bảo tồn di tích”

Từng cây cột xiêu vẹo, mảng nền bị lún nứt cho đến từng chi tiết cấu trúc, quy cách của mỗi cấu kiện, các họa tiết chạm khắc trang trí trên kiến trúc, các loại ngói lợp, trang trí nề ngõa… đều được đo đạc, vẽ ghi cẩn thận và chính xác. Đây là cơ sở khoa học để tiến hành xây dựng phương án thiết kế tu bổ, phục hồi di tích Triệu miếu ngay sau đó. Đến năm 1983, Triệu miếu là di tích đầu tiên ở Huế được tu bổ, phục hồi theo bài bản kể từ khi đất nước thống nhất, cứu vãn cơ bản di tích này trong điều kiện vô cùng khó khăn lúc đó.

Di tích Hiển Lâm các được Xưởng Bảo quản và Tu sửa di tích Trung ương lập hồ sơ vẽ ghi cuối năm 1982, là di tích thứ 2 ở Huế được vẽ ghi theo bài bản khoa học. Mặc dù điều kiện làm việc khi đó vô cùng khó khăn và nguy hiểm với công cụ hỗ trợ chỉ là chiếc thang tre, trong khi công trình rất cao và xuống cấp. Tuy nhiên, toàn bộ hiện trạng của di tích được vẽ ghi đầy đủ, chính xác. Từng thành phần kiến trúc, chi tiết cấu tạo, tình trạng hư hỏng của công trình được đo vẽ tại chỗ và thể hiện lại trong hồ sơ chân thực, sống động. Tất cả các trang trí chạm khắc trên kiến trúc được dập thác bản rồi vẽ lại chuẩn xác. Có thể nói, hồ sơ vẽ ghi di tích Hiển Lâm các là một trong những hồ sơ có tính chuẩn mực với độ tin cậy cao không chỉ ở Huế thời đó, mà còn cả trong hệ thống hồ sơ vẽ ghi di tích ở nước ta cho tới ngày nay.

Theo ông Đặng Khánh Ngọc, Quyền Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, từ cuối những năm 70 thế kỷ trước, Xưởng Bảo quản và Tu sửa di tích Trung ương nỗ lực bền bỉ với quan điểm khoa học chủ đạo trong bảo tồn và tu bổ di tích: Tu bổ trước tiên nhằm cứu vãn và duy trì lâu dài những đặc điểm, giá trị lịch sử của di tích; trong đó, ưu tiên việc bảo lưu hiện trạng và hạn chế tối đa mọi biến đổi bằng cách hạn chế can thiệp sâu vào di tích và hạn chế mọi sự thay thế mới. Đồng thời, thực hiện đầy đủ quy trình trong tu bổ di tích gồm: Nghiên cứu tư liệu, khảo sát đánh giá hiện trạng bảo tồn và kỹ thuật, thiết kế tu bổ, thi công tu bổ, giám sát và nghiệm thu, kiện toàn hồ sơ tu bổ.

Với quan điểm đó, những năm 1980, Xưởng Bảo quản và Tu sửa di tích Trung ương thực hiện việc tu bổ cấp thiết các di tích Triệu miếu, Hiển Lâm các, Thái Bình lâu, Tả Vu thuộc điện Cần Chánh trong khu Đại Nội; Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ ở lăng vua Tự Đức. Trước đó, các di tích của Quần thể di tích Cố đô Huế chưa hề được vẽ ghi và xây dựng hồ sơ khoa học. Các cán bộ kỹ thuật kiến trúc sư, đạc họa viên có tay nghề vững vàng, đã đo đạc tỉ mỉ, xây dựng các bản vẽ đạc họa hoàn toàn thủ công, không có bất cứ phương tiện kỹ thuật nào. Nhờ vậy, các bản vẽ ghi chẳng những tường tận mà còn lưu lại dấu ấn cảm xúc của người vẽ và cả tay nghề của họ. Đây là những tư liệu, bản vẽ ghi vô cùng quý giá, lưu lại chân thực tình trạng của các di tích vào thời điểm thực hiện tu bổ, bảo tồn.

GS.TS.KTS. Hoàng Đạo Kính, nguyên Giám đốc Trung tâm Thiết kế và Tu bổ di tích Trung ương, cho rằng, di sản kiến trúc Huế là tập hợp có một không hai những công trình kiến trúc điển hình của một thời kỳ lịch sử, gồm thành lũy, cung điện, đền miếu, lăng tẩm, chùa chiền, nhà ở, phố phường… Muốn nghiên cứu, hiểu biết tường tận những loại hình kiến trúc của thời phong kiến Việt Nam, chỉ có thể thông qua di sản kiến trúc Huế.

Là người từng tham gia thực hiện các bản vẽ thời điểm đó, ông cho hay, những hồ sơ bản vẽ này được lưu trữ rất lâu, đã đến lúc phải công bố đến cộng đồng để nhắc nhở lại giai đoạn bước đầu thực hiện: “Mong rằng, ấn phẩm mà chúng tôi “tích lũy” trong 40 năm nay sẽ được xem như là di sản thứ hai, sau di sản vật chất đang tồn tại. Đặc biệt là để cho con cháu tương lai có thể thấy được di tích qua các bản vẽ”. Ông Kính nói.

Bài: MINH HIỀN

Ảnh: MINH HIỀN – Viện Bảo tồn di tích

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *