Trái ngon tiến vua

TTH – Dưới chế độ quân chủ phong kiến phương Đông, nhà vua thường được ví là “thiên tử” (con trời), là người thay trời để cai trị thiên hạ, mọi thứ trong thiên hạ đều thuộc nhà vua. Bởi vậy, của ngon vật lạ đều phải dâng tiến lên nhà vua, lệ này đã tồn tại hàng nghìn năm, thậm chí đã được các triều đại luật hóa để ban hành.

Các thôn nữ làng Thủy Biều gánh thanh trà đến đình làng (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Thời Nguyễn, triều đình có quy định rất cụ thể về việc các địa phương dâng tiến các phẩm vật đặc sắc của mình về kinh đô. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ của Nội các triều Nguyễn có ghi rất rõ về chủng loại, số lượng và cách thức dâng tiến các sản vật của các địa phương. Tiêu biểu là trái dừa của các tỉnh Vĩnh Long và Định Tường, trái xoài của Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, dưa hấu, bột hoàng tinh, bào ngư khô, tương đậu, rượu dâu của Quảng Bình, cam đường của Hải Dương, Thanh Hóa, trái vải của Hà Nội, mắm rươi của Ninh Bình, Nam Định, trái sa lê của Cao Bằng, tuyết lê của Tuyên Quang…

Đối với tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế), phẩm vật được chọn lựa để dâng tiến là gạo mới và hoa quả. Trong các loại hoa quả của Thừa Thiên thì nổi bật là trái thanh trà Thủy Biều và trái quýt Hương Cần, những loại trái cây danh tiếng này cũng được ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán, Nam quốc địa dư của cử nhân Lương Trúc Đàm…

Lễ cung tiến các sản vật của các địa phương vào cung thường được tổ chức nhân các dịp lễ tiết quan trọng của triều Nguyễn như lễ tế Giao, tế Xã Tắc, tết Nguyên đán, tết Đoan dương, tết Trung thu, lễ Vạn Thọ, Thánh Thọ, lễ Hưởng ở các miếu thờ tổ tiên của nhà Nguyễn… Theo quy định của triều đình, các sản vật của địa phương phải do đích thân viên quan đứng đầu địa hạt đó chọn lựa thứ tốt nhất, sau đó được đóng gói, niêm phong cẩn thận rồi mới cho chuyển về kinh đô. Quá trình vận chuyển cũng được giám sát rất chặt chẽ. Với các loại trái cây theo mùa thì phải tính toán cẩn thận thời gian trái chín và thời gian vận chuyển để đảm bảo kịp dùng cho các nghi lễ và khi về kinh vẫn giữ được chất lượng tốt nhất.

Riêng đối với tỉnh Thừa Thiên, do gắn liền với kinh đô nên lễ cung tiến các sản vật được triều đình cho phép tổ chức với nhiều biệt đãi. Nghi thức chính được tổ chức ngay trước cửa Ngọ Môn. Ngày làm lễ, triều đình cho phép viên quan huyện dẫn các vị kỳ lão trang phục chỉnh tề mang các hộp đựng sản vật, ngoài dán giấy đỏ ghi “Giải tỏ lòng thành”, đặt lên một chiếc bàn sơn son, cạnh đó lại cho đặt một hương án và 2 cái tán vàng. Nghi thức tuy đơn giản nhưng trang trọng, sau lễ  bái vọng 5 lạy của các kỳ lão, các phẩm vật sẽ được chuyển cho thị vệ, được phụng sắc thu nhận và cấp trả tiền bạc tương đương với giá trị của đồ dâng tiến.

Xuất phát từ lệ tiến sản vật này, cộng đồng cư dân vùng Thủy Biều cùng chính quyền địa phương đã tổ chức lễ hội thanh trà hằng năm để tôn vinh thứ đặc sản nổi tiếng của vùng đất. Năm 2018, lễ hội thanh trà lần thứ sáu đã mở rộng quy mô thành lễ hội của tỉnh và gắn với lễ Cung tiến thanh trà. Sau gần trăm năm tưởng chừng rơi vào quên lãng, trái thanh trà lại được dâng tiến vào hoàng cung theo một nghi thức trang trọng và đầy màu sắc.

Thanh trà là một giống bưởi đặc hữu của Cố đô, nhưng điều kỳ lạ là người Huế không bao giờ chấp nhận gọi nó là bưởi mà chỉ gọi bằng tên riêng là trái thanh trà. Thanh trà được trồng ở nhiều nơi, nhưng nổi tiếng xưa nay vẫn là thanh trà của Thủy Biều, một làng ven sông Hương, phía đối diện với chùa Thiên Mụ.

Để chuẩn bị cho lễ Cung tiến thanh trà, người dân Thủy Biều đã lựa chọn những trái ngon nhất, tròn đầy, không bị hư, vỏ không bị vàng úa. Sau nghi thức cúng Thành hoàng ở đình làng, đoàn rước phẩm vật bao gồm đội bát âm, các bậc kỳ lão và các thiếu nữ gánh thanh trà sẽ di chuyển từ đình làng xuống bến sông để từ đó xuôi dòng sông Hương về bến Kim Long, sau đó đoàn rước lại tiếp tục đi đường bộ đến trước cửa Ngọ Môn. Tại đây, những trái thanh trà Thủy Biều được bày lên chiếc bàn sơn son đã được đặt sẵn cùng với hương án, tàn lọng. Các nghi thức dâng tiến thanh trà được tái hiện đầy đủ như sách sử triều Nguyễn đã ghi chép. Cuối cùng, những trái thanh trà ngon nhất được đem vào cung, dâng lên bàn thờ các vị hoàng đế triều Nguyễn.

Bài, ảnh: Phan Thanh Hải

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *