Trải nghiệm không gian Yên Tử linh thiêng dịp đầu xuân

Cứ mỗi dịp xuân về, hàng ngàn du khách thập phương lại tấp nập tới Yên Tử trảy hội để đắm mình trong không gian kỳ vĩ, trong lành chốn non thiêng. Hãy cùng tới Quảng Ninh để khám phá và trải nghiệm không gian Yên Tử linh thiêng dịp đầu xuân Canh Tý để cầu mong cho một năm mới bình an, hạnh phúc

Đường ô Vạn Phúc Hà Đông – ‘tọa độ’ sống ảo đẹp như thiên đường ​​​​​​​Mai Châu Hideaway – Thiên đường nghỉ dưỡng có 1 – 0 – 2 cho chuyến vi vu Tết Kinh nghiệm đi chùa Hương từ A – Z mới nhất 2020

Giới thiệu về Yên Tử

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 130km về phía Đông Bắc, Yên Tử là dải núi cao nằm trong dãy núi Đông Triều thuộc địa phận xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Với độ cao 1.068m so với mặt nước biển, Yên Tử không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên đẹp được đông đảo khách du lịch yêu thích, nơi đây còn là một vùng đất linh thiêng, lưu giữ nhiều di tích lịch sử với mệnh danh “đất tổ Phật giáo Việt Nam”.
Yên Tử – nơi được mệnh danh “đất tổ Phật giáo Việt Nam”. Ảnh: vietnammoi

Bảy trăm năm trước đây, vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng của mình ở tuổi 35 để tới Yên Tử tu hành và thành lập nên Thiền phái Trúc Lâm tại nơi đây. Đây là một dòng thiền tiếp thu và kế thừa những tinh hoa của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Trung Hoa nhưng lại mang đậm bản sắc và văn hóa Việt Nam, đặc biệt là tư tưởng lấy con người làm gốc, tôn trọng và đề cao giá trị của con người.
Thiền viện Trúc Lâm trên núi Yên Tử. Ảnh: yeudulich
Non thiêng Yên Tử là nơi chứa đựng trong mình một hệ thống các công trình kiến trúc Phật giáo gồm hàng chục ngôi chùa, am, tháp và hàng ngàn di vật cổ quý giá có giá trị kiến trúc và nghệ thuật đặc biệt từ thời nhà Trần thuộc thế kỷ thứ XIII.

 

Bệ mái chùa Đồng mang đậm nét đời Trần. Ảnh: innotour

Hằng năm, lễ hội Yên Tử được khai hôi vào mùng 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch, đồng thời thu hút hàng ngàn, hàng vạn du khách từ khắp cả nước hành hương tới nơi đây để trải nghiệm không gian Yên Tử linh thiêng, du xuân “cầu may vạn phúc”.

Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: lễ bái Tổ Trúc Lâm, lễ dâng hương cúng Phật, văn nghệ diễn xướng tái hiện lịch sử dân tộc cùng những hoạt động văn hóa dân gian khác như múa lân, trình diễn võ thuật cổ truyền, các trò chơi dân gian…
Lễ hội Yên Tử được khai hôi vào mùng 10 tháng Giêng hằng năm. Ảnh: vietnamplus

Sau mỗi dịp lễ hội, Yên Tử lại khoác lên mình một tấm áo rất khác, một vẻ đẹp tĩnh mịch, linh thiêng. Tới du lịch Yên Tử vào thời điểm này, du khách sẽ cảm nhận được không gian Yên Tử linh thiêng cùng sự thanh tịnh, thư thái của thiên nhiên và đất trời nơi đây.
Vẻ đẹp tĩnh mịch, linh thiêng trên đỉnh Yên Tử. Ảnh: vietravel

Khung cảnh Yên Tử có núi non trùng điệp, có thác reo, có suối chảy, có những gốc cây cheo leo trên vách đá, có thấp thoáng những mái chùa rêu phong đầy cổ kính,… Phía trên đỉnh núi, từng dải mây bao phủ những lớp mỏng mạnh, mờ ảo tựa chốn bồng lai. Tất cả tạo nên một nơi giao thoa giữa đất, trời và lòng người.
Yên Tử – nơi giao thoa giữa đất, trời và lòng người. Ảnh: cattour

 

Đường đến Yên Tử

Với khoảng cách không quá xa, khoảng 130km từ Hà Nội, du khách có rất nhiều lựa chọn để đến Yên Tử như di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc thuê xe du lịch, xe khách.

Di chuyển bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô):

– Đi theo đường quốc lộ 5: Từ Hà Nội, bạn di chuyển theo đường quốc lộ 5 về Quán Toan (Hải Phòng), sau đó tiếp tục di chuyển đến Cầu Kiền – quốc lộ 10 – quốc lộ 18 đến thành phố Uông Bí là sẽ thấy bảng chỉ dẫn vào Yên Tử.

– Đường đi Bắc Ninh: Từ Hà Nội, bạn di chuyển ra cầu Chương Dương – đường Nguyễn Văn Cừ – đi tiếp thành phố Bắc Ninh. Đến đoạn giao với quốc lộ 18 thì rẽ vào đi theo quốc lộ 18 là đến đền Đền Trình, Yên Tử.

– Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (đường dành riêng cho ô tô). Sau khi xuống cao tốc, bạn di chuyển theo đường quốc lộ 10 – quốc lộ 18 đi Yên Tử.

Di chuyển bằng xe khách:

Du khách có thể tham khảo một số nhà xe ở bên Lương Yên và Mỹ Đình, Hà Nội chạy tuyến Hà Nội – Quảng Ninh như Kumo Việt Thanh, Đức Phúc, Ka Long, Văn Minh… Sau khi lên xe cần dặn tài xế cho xuống ở đền Trình, thành phố Uông Bí, sau đó di chuyển bằng xe bus đền Trình – Yên Tử. Lưu ý: xe bus này chỉ hoạt động vào mùa lễ hội.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH QUẢNG NINH KHUYẾN MÃI

>> HCM – Hà Nội – Hạ Long – Ninh Bình 4N3Đ từ 3,990,000 đ
>> HCM – Hà Nội – Ninh Bình – Hạ Long – Đất Phật Yên Tử – Sapa 5N4Đ từ 5,550,000 đ

 

Hành trình chinh phục đỉnh Yên Tử

Đoạn đường chinh phục đỉnh thiêng Yên Tử dài gần 6km với hàng nghìn bậc đá, đường rừng núi. Du khách có thể tự mình leo bộ để vượt qua quãng đường núi cao hoặc lựa chọn hệ thống cáp treo để vãn cảnh chùa.
Để leo bộ lên Yên Tử, du khách phải vượt qua hàng nghìn bậc đá khá hiểm trở. Ảnh: vietnammoi

Hành trình leo núi Yên Tử của du khách bắt đầu từ con suối Giải Oan linh thiêng, nơi hàng trăm các cung tần mỹ nữ đã trầm mình tự vẫn để tỏ lòng trung thành với vua Trần Nhân Tông khi ngài lên Yên Tử tu hành. Vì thương cảm cho họ, vua Trần Nhân Tông đã lập một ngôi chùa siêu độ bên cạnh dòng suối, mang tên chùa Giải Oan.

 

Suối Giải Oan linh thiêng. Ảnh: vietnammoi

Vượt qua “đường Tùng” 700 năm tuổi, dốc Lò Rèn, du khách sẽ tới khu vườn tháp Tổ – nơi thờ “ngọc cốt” của các thế hệ Thiền sư đạo cao đức trọng tu hành tại Hoa Yên qua các thời Trần, Lê. Ở trung tâm vườn tháp là tháp tổ Huệ Quang. Tháp cao 6 tầng, là nơi cất giữ một phần xá lị của vua Trần Nhân Tông.
Vườn tháp Tổ với trung tâm là tháp Tổ Huệ Quang. Ảnh: dulich.realtimes

Theo đường bộ, du khách sẽ đi qua rừng trúc để lên tới chùa Hoa Yên với độ cao 600m. Chùa Hoa Yên vốn có tên là Vân Yên (mây khói), đặt với hàm ý: chùa tận trên núi cao quanh năm mây phủ trắng nhẹ như khói trên núi. Từ khi Vua Lê Thánh Tông lên vãn cảnh, thấy sắc hoa tươi đẹp nên cho đổi tên thành chùa Hoa Yên. Đây cũng là ngôi chùa chính và lớn nhất trong hệ thống chùa ở Yên Tử, nơi khi xưa Phật Hoàng giảng đạo.
Chùa Hoa Yên – nơi Phật Hoàng giảng đạo khi xưa. Ảnh: cungphuot

 

Tiếp tục leo lên cao, du khách sẽ tới với chùa Một Mái – nơi thờ Phật Quan Thế Âm, chùa Bảo Sái – nơi Phật Hoàng nhập niết bàn, chùa Vân Tiêu – nơi tu luyện của các vị tăng sỹ và tượng đá An Kỳ Sinh – bức tượng đá tự nhiên mang hình dáng của một vị đạo sĩ đứng chắp tay cung kính tu hành.

 

Chùa Bảo Sái nhìn từ trên cao. Ảnh: cungphuot

Chùa Vân Tiêu. Ảnh: dulich.realtimes

Nằm uy nghi trên triền núi, phía sau tượng đá An Kỳ Sinh là bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế ngồi thiền trên đài sen, mặt quay về hướng Nam. Tượng được đúc bằng đồng nguyên khối với độ cao 12,6m nặng 138 tấn. Đây cũng là bức tượng đồng Phật Hoàng Trần Nhân Tông lớn nhất ở Việt Nam.
Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế ngồi thiền trên đài sen, mặt quay về hướng Nam. Ảnh: dulich.realtimes

Từ bảo tượng Phật Hoàng, du khách tiếp tục leo khoảng 200m đường dốc đá khá hiểm trở để lên tới chùa Đồng – nơi cao nhất và thiêng liêng nhất của đỉnh Yên Tử.

Chùa Đồng có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật), được xây dựng từ thời Hậu Lê, sau đó được trùng tu và tôn tạo nhiều lần. Chùa được đúc bằng đồng nguyên chất, dài 4,6m, rộng 3,6m, cao 3,5m và nặng 70 tấn.
 

Chùa Đồng có tên Thiên Trúc tự (chùa Cõi Phật), được xây dựng từ thời Hậu Lê. Ảnh: cungphuot

 

Với kết cấu hình chữ Nhất, bốn đầu chùa hình mái vẩy, quay về hướng Tây Nam, chùa như một bông hoa sen bằng đồng đang vươn nở trên đỉnh Yên Tử. Đặt chân tới nơi đây, trải qua cuộc hành trình đầy khó khăn, trắc trở chính là biểu tượng cho đỉnh cao của lòng kiên trì và sự giác ngộ của mỗi con người.

 

Đặt chân tới chùa Đồng là biểu tượng cho đỉnh cao của lòng kiên trì và sự giác ngộ của mỗi con người. Ảnh: begodi

Đứng giữa khung cảnh mênh mang, huyền ảo, khi mây và gió ùa tới trắng xóa mịt mờ, chắp tay kính cẩn trước chùa Đồng, du khách sẽ cảm nhận được không gian Yên Tử linh thiêng ngút ngàn, để tâm hồn mỗi người được gột rửa hết những “sân, si, ái, ố, hỉ, nộ” và tìm về với tâm Phật trong chính mình.
Thắp nén hương trước chùa Đồng để tìm về với tâm Phật trong chính mình. Ảnh: begodi

 

Bên cạnh hành trình leo bộ, bạn cũng có thể sử dụng hệ thống cáp treo để thực hiện hành trình lên đỉnh Yên Tử.

 

Hệ thống cáp treo Yên Tử được phân ra thành 2 chặng:

Chặng 1 (Giải Oan – Hoa Yên): ): Một chiều 200.000VNĐ/ người – Khứ hồi 280.000VNĐ/ ngườiChặng 2 (Một Mái – An Kỳ Sinh): ): Một chiều 200.000VNĐ/ người – Khứ hồi 280.000VNĐ/ ngườiCả 2 tuyến: Một chiều 280.000 đồng/ tuyến/ người – Khứ hồi: 350.000/ người.

Lưu ý: Miễn phí vé cho trẻ em dưới 6 tuổi (cao dưới 1m2), người già trên 70 tuổi (mang theo giấy tờ tùy thân), tăng ni, thương binh (xuất trình thẻ).

Trải nghiệm không gian Yên Tử linh thiêng không chỉ là trải nghiệm những giá trị tâm linh mà còn là địa điểm khám phá văn hóa – lịch sử của Phật giáo Việt Nam cũng như tận hưởng những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, nơi giao thoa giữa đất và trời. Trong không khí xuân rộn ràng, hãy cùng gia đình hành hương về Yên Tử, thành tâm thắp nén hương kính Phật để cầu mong một năm mới bình an cho gia đình và người thân.

Hằng Lê

Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Nguồn: báo dulich việt nam online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *