Tối ưu hóa thị trường du lịch

Tính trong giai đoạn từ khi kết thúc đợt dịch thứ 3, đến trước đợt dịch thứ 4 bùng phát, sau một thời gian tối ưu hóa thị trường, xác định đúng những thị trường cần quảng bá, tập trung khai thác, đã giúp Huế trở thành điểm đến thu khách nội địa nhất nhì miền Trung.

Hợp tác giữa các doanh nghiệp, tăng cường đưa khách đến Huế (Ảnh chụp khi chưa tái bùng phát dịch lần thứ 4)

Đúng thời điểm và đúng đối tượng

Trong tháng 4/2021, khi đợt dịch thứ 4 chưa bùng phát, lượng khách từ Đà Nẵng ra Huế du lịch cao nhất trong tất cả các thị trường, hơn 22 ngàn lượt, cao hơn cả khách Hà Nội (khoảng 20 ngàn lượt) và TP. Hồ Chí Minh (khoảng 15 ngàn lượt). Đó là chưa kể khách Đà Nẵng ra vào Huế tham quan, vui chơi trong ngày, không sử dụng dịch vụ lưu trú. Dòng khách Đà Nẵng ra Huế chủ yếu là khách trẻ, tuổi từ 18 – 25 tuổi, tập trung vào 5 nhu cầu chính: chụp ảnh áo dài với di sản; chụp ảnh cưới với áo dài; đi đầm Chuồn ăn bánh xèo, phá Tam Giang tại xã Quảng Lợi ăn hải sản đầm phá và vui chơi ở các suối thác.

Phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch phân tích, lâu nay, cứ nghĩ dòng khách Đà Nẵng ít ra Huế vì gần và cho rằng Cố đô đã quá quen thuộc với khách Đà thành. Thực tiễn cho thấy, luôn có một phân khúc thị trường mà điểm đến có thể thu hút bằng sản phẩm tương ứng. Cụ thể ở Đà Nẵng là dòng khách trẻ, chủ yếu “check – in” trải nghiệm cái mới, cái cũ được làm mới. Xét về tính hiệu quả, khách Đà Nẵng không thua kém gì so với các thị trường khác. Trong đó, sản phẩm mặc cổ phục và chụp ảnh trong không gian di sản với áo dài Nhật Bình, ngũ thân được lựa chọn. Người may, cửa hàng cho thuê áo dài cũng có điều kiện phát triển. Vào tháng 4/2021, gần như không có chỗ để thuê áo dài. Nghề chụp ảnh cũng “ăn nên làm ra”.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, tối ưu hóa thị trường được hiểu một cách đơn giản là xác định những thị trường mà du lịch Huế hướng đến, sau đó là tập trung đồng loạt các giải pháp để thu hút khách dựa trên nhu cầu của các thị trường. Chính việc tối ưu hóa thị trường hiệu quả, quảng bá đúng thời điểm, đúng đối tượng nên đã thu hút được một lượng khách Đà Nẵng đáng kể ra Huế.

Trong tháng 4/2021, không khó để bắt gặp những nhóm bạn trẻ đến Huế chụp ảnh với áo dài truyền thống

Công nghệ chính là yếu tố quyết định để tối ưu hóa thị trường thành công. Công nghệ thông minh đã hỗ trợ quảng bá, định hướng nhu cầu và cả thay đổi phương thức đi du lịch của du khách. Chẳng hạn như dòng sản phẩm liên quan đến cổ phục ở Huế, ngành du lịch xây dựng rất nhiều video liên quan, với thời lượng phù hợp. Khi người dùng lướt facebook, zalo, tik tok… chỉ dừng lại một video nào đó khoảng 3-5 giây, công nghệ thông minh sẽ tối ưu và các video liên quan đến cổ phục liên tiếp xuất hiện sau đó. Khi đó, sẽ gây sự tò mò cho du khách, quyết định một chuyến đến Huế chụp ảnh cổ phục sẽ được định hình lúc đó.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch, việc tối ưu hóa cho thấy hiệu quả là có sự hỗ trợ tối đa của các công ty, tập đoàn công nghệ, các mạng xã hội mà ngành đã hợp tác, giúp tạo ra sự đồng bộ, đạt được mục tiêu cao nhất của tối ưu là đúng thời điểm và đúng đối tượng. Cùng với đó là một đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, am hiểu về công nghệ, cập nhật được những hình thức quảng bá mới bằng công nghệ.

Hiểu được nhu cầu của khách

Ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Outbox Consulting phân tích, từ lâu, các nhà quản lý du lịch trên khắp thế giới đã tìm cách quảng bá sản phẩm và điểm đến của mình hoặc cải thiện trải nghiệm của du khách. Nhưng để mở “cánh cửa” tiềm năng này, trước tiên phải thực hiện bước khởi đầu mang tên nghiên cứu thị trường. Việc khai thác du lịch không thể chỉ dựa vào sở thích hay kinh nghiệm, mà cần phải nắm vững kiến thức, chuẩn bị mô hình hợp lý, hiểu rõ thị trường cũng như khách hàng để đạt được hiệu quả. Phân tích hành vi của khách, mới tối ưu hóa thị trường hiệu quả.

Theo ông Phước, về phía doanh nghiệp, tối ưu hóa thị trường cũng giúp định hướng phát triển rõ ràng, chủ động tìm những giải pháp mới trong giai đoạn khác nhau. Cho dù doanh nghiệp hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch hay hoạt động gián tiếp đi chăng nữa, nhờ vào những nghiên cứu, phân tích, các doanh nghiệp có thể hiểu được thị trường xung quanh và xác định được một phân khúc khách hàng mới trong giai dịch bệnh hiện tại.

Ông Nguyễn Đình Thuận, Giám đốc Công ty CP du lịch Đại Bàng cho rằng, trong tối ưu, công ty luôn xác định thị trường gần, xa và thị trường tiềm năng. Với giai đoạn dịch bệnh khó lường như hiện nay, việc tối ưu hướng đến thị trường gần là sự lựa chọn đầu tiên. Không chỉ khách Đà Nẵng, dòng khách từ Quảng Bình vào Quảng Ngãi chính là tín hiệu khả quan trước đợt bùng phát dịch thứ 4 và sẽ là mục tiêu trọng yếu trong thời gian đến khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ngành du lịch thông tin, ngoài các kênh quảng bá mới, các kênh truyền thống như truyền hình phù hợp với khách trung niên, hướng đến các dòng dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống… do đó, sẽ tập trung để giới thiệu được những món ăn chưa thưởng thức, như cơm muối, cơm cung đình, trà sen trắng… Bên cạnh tối ưu hóa khách nội địa, ngành đã có những bước đầu tiên để tối ưu khách quốc tế cho đà hồi phục. Ngành du lịch sẽ phối hợp với kênh truyền hình CNN để quảng bá đến 10 thị trường truyền thống, tiềm năng dự kiến sẽ đến Huế nhiều sau dịch. Tối ưu hóa thị trường giai đoạn này xác định phù hợp, bởi cần có thời gian để thay đổi hành vi của du khách quốc tế.

Theo các chuyên gia du lịch, song song với tối ưu hóa thị trường, nắm bắt những hành vi của du khách, đòi hỏi sản phẩm sẽ phải thay đổi phù hợp. Nếu không sẽ dẫn đến sự nhàm chán, thiếu tính lâu dài cho điểm đến. Chẳng hạn khi xác định áo dài, đặc biệt cổ phục đã là sản phẩm thì những hoạt động khác, bổ trợ cũng xem đó là sản phẩm để hướng đến tính bài bản, chuyên nghiệp. Có những hình thức, dịch vụ gắn với áo dài mới, như mặc áo dài ngồi kiệu trong không gian di sản…

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *