TTH – Dưới cái nắng rát mặt, đưa đôi bàn tay cẩn thận tháo tấm giấy khỏi mặt văn bia một cách nhẹ nhàng, ánh mắt nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn cứ thế lia theo từng đường giấy từ trên xuống dưới. Từng dòng hán tự, hoa văn kiến trúc… lần lượt hiện lên trên lớp giấy như kéo ngàn xưa về với hiện tại khiến người xem cảm xúc rung động.
Mỗi thao tác dập văn bia được thực hiện chi tiết, cẩn thận
Gần hai chục năm qua, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Bảo Đàn đã cùng với nhà nghiên cứu Lê Thọ Quốc (Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tại Huế) cùng nhiều cộng sự đã thầm lặng công việc như thế: Theo dấu văn bia.
“Cuộc chơi” tỉ mỉ và công phu
“A-lô, vừa tìm thấy tấm bia này độc đáo lắm. Đang chuẩn bị lên đó để dập, Thành đi theo chơi chứ?”. Lời mời của Bảo Đàn khiến chúng tôi háo hức, tức tốc phi xe lên khu vực có tấm bia. Đó là một lối nhỏ nằm trên đường Điện Biên Phủ giữa lòng đô thị sôi động. Dưới những tán cây rộng lớn dẫn vào Tổ đình Vạn Phước, tấm bia nằm âm trong một bảo tháp, đối diện phía bên kia là ngôi mộ cụ Phạm Quỳnh.
Bất chấp cái nắng khắc nghiệt, 2 nhà nghiên cứu vẫn lặng lẽ với tình yêu công việc
Tấm bia với những hán tự còn khá nguyên vẹn, quanh đó nhiều họa tiết, hoa văn được chế tác ẩn chìm cho thấy sự điêu luyện của người khắc xưa. Một vài ký tự lẫn hoa văn trên đó trải qua sự bào mòn của thời gian cũng như tác động của thiên nhiên đã bị bong tróc. Nếu không phải các chuyên gia, rành rọt chữ Hán thì khó mà biết đó là bảo tháp của vị sư nào. “Đây là bảo tháp của nhà sư ở một ngôi chùa cách đó vài chục mét đường chim bay”, nhà nghiên cứu Lê Thọ Quốc lướt qua các mẫu chữ rồi thông tin để chúng tôi biết.
Từ trong túi xách, hai nhà nghiên cứu lôi ra một mớ với đủ vật dụng để chuẩn bị cho công việc dưới cái nắng ngoài trời khi đó hơn 35 độ C. Chỉ một vài thao tác, anh Quốc cắt tấm giấy vừa với khung bia, lần lượt dán ép rồi dùng keo cố định. Đưa tấm giấy đến đoạn nào, nhà nghiên cứu này phun nước đều lên bề đoạn đó một cách nhịp nhàng, giấy cứ thế bám vào mặt bia.
Ngồi cạnh đó, nhà nghiên cứu Bảo Đàn cũng vừa quấn xong các chày dập đủ loại kích thước và pha mực để thay người đồng nghiệp ở công đoạn tiếp theo. “Mỗi công đoạn đều có những cái khó riêng. Từ pha mực, bồi dập cho đến dán, tháo tấm giấy… tất cả phải được thực hiện một cách cẩn trọng, tỉ mỉ. Chỉ cần sơ sẩy là hỏng ngay”, anh Đàn vừa nói, tay nâng niu chày dập thao tác đều đặn, dứt khoát lên mặt bia. Thao tác đến đâu anh đọc giải thích cho chúng tôi về các ký tự cũng như hoa văn xuất hiện trên đó một cách chi tiết.
Giá trị tư liệu vô cùng quan trọng
“Tùy theo loại bia mà thông tin, danh tính, niên đại, hoa văn… khác nhau. Đặc biệt hệ hoa văn cho ta rất nhiều thông tin có giá trị về mỹ thuật. Riêng bia ở Huế người xưa thường khắc sâu, các hoa văn nổi lên khi in phải dùng nhiều dụng cụ dập to, nhỏ để cho ra một thác bản hoàn chỉnh”, nhà nghiên cứu Bảo Đàn tay lấm lem mực, mặt đầy mồ hôi giải thích trong lúc chờ thác bản khô để lột ra.
Một thác bản được lột ra được xem hoàn chỉnh nhưng… không hoàn chỉnh. Bởi theo hai nhà nghiên cứu trẻ này, sau khi đưa về phải thực hiện thêm công đoạn bồi để thác bản cứng, bền vững với thời gian trước khi cuộn và lưu giữ để làm tư liệu.
Không riêng gì tấm bia này, có vô số các loại bia khác trên mảnh đất Cố đô này liên quan đến triều Nguyễn, ngôi cổ tự, hay các đình thờ, mộ tộc… đã được anh Quốc và anh Đàn cất công đi dập. Có những tấm bia lớn, phải dập mất cả tuần mới xong như bia Thánh đức thần công ở lăng Tự Đức, bia ở chùa Thiên Mụ hay bia ở Quốc tự Diệu Đế…
Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi kỹ thuật cũng như sự tỉ mỉ, đam mê cứ thế đã theo đuổi các nhà nghiên cứu này hơn 20 năm qua. Ngoài phục vụ cho công việc nghiên cứu, đó có là sự đam mê vô hình. “Để có được kỹ thuật tạm gọi là hoàn hảo như bây giờ, chúng tôi cũng mất nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu. Mỗi lần thao tác là một lần kinh nghiệm, tùy từng loại đá, điều kiện cứ thế áp dụng mỗi kỹ thuật khác nhau để cho ra kết quả như ý”, nhà nghiên cứu Bảo Đàn nói. Kỹ thuật này cũng được anh hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho các đồng nghiệp nhiều nơi có chung niềm đam mê.
Không biết bao nhiêu thác bản được thao tác thành công, cả hai nhà nghiên cứu xem đó như là thứ tài sản vô giá trong hành trình theo đuổi con đường nghiên cứu và đam mê của bản thân. Đó là những thác bản có giá trị tư liệu vô cùng to lớn. Trong trường hợp nếu có biến cố làm những tấm bia mất đi hoặc di dời, hay vì một lý do nào đó ngoài ý muốn thì các thác bản này là tư liệu nguyên vẹn để phục chế lại bia tương đương với tỷ lệ 1/1. “Bia phục chế chỉ khác bề dày thời gian, riêng đường nét, nét chữ nguyên xi với bản gốc”, Bảo Đàn khẳng định.
Bài, ảnh: NHẬT MINH
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”