Thêm giải pháp thu hút đầu tư vào du lịch

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, đến cuối năm 2019, thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch đã có chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn còn chậm, các dự án (DA) đầu tư phần lớn vẫn còn trên giấy.

Không gian Lê Bá Đảng là điểm du lịch mới của Huế được đưa vào khai thác trong năm 2019

Chưa như kỳ vọng

Trong cuộc họp bàn các giải pháp phát triển du lịch Huế 2020 mới đây, Sở Du lịch thông tin, nhiều nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu về du lịch trong nước đã đầu tư và đang nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh như Vingroup, Sungroup, FLC, BRG, ECOPARK… Một số DA lớn được đẩy nhanh tiến độ triển khai để sớm đưa vào sử dụng trong năm 2020 như Khu nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn, Khu du lịch Địa Trung Hải. Bên cạnh đó, một số DA lớn khác cũng vừa và chuẩn bị đưa vào khai thác như Khu nghỉ dưỡng Về Nguồn, Khách sạn Thuận Hóa.

Dù thế, ông Lê Hữu Minh thẳng thắn nhìn nhận, các DA đầu tư du lịch phần lớn vẫn đang nằm trên giấy, trong khi nhu cầu dịch vụ vui chơi giải trí, khách sạn 4 – 5 sao đang rất bức thiết. Các DA lớn ở Hải Dương, Vinh Thanh, Lộc Bình… đã được cấp chứng nhận đầu tư được 1 – 3 năm, nhưng đến nay vẫn chưa khởi công xây dựng. Sự sốt ruột là khó tránh khỏi với ngành du lịch khi sự quan tâm của người dân, các đối tác chưa bao giờ giảm sút.

Chẳng hạn như ở Phú Lộc, là địa bàn có nhiều DA du lịch đầu tư. Tại kỳ họp HĐND cuối năm 2019 vừa qua, lãnh đạo huyện cũng đánh giá, việc thu hút đầu tư có bước tăng trưởng nhưng vẫn chưa thực sự có hiệu quả, nhiều DA lớn, trọng điểm triển khai chưa đúng tiến độ, như: Khu du lịch suối Voi, Khu du lịch nghỉ dưỡng, phát triển thể chất kết hợp vui chơi thể thao Lộc Bình… đã làm ảnh hưởng lớn đến tổng vốn đầu tư toàn xã hội và thu ngân sách trên địa bàn.

Hai nguyên nhân chủ yếu vẫn được chỉ ra là khâu giải phóng mặt bằng và nhà đầu tư chưa thật sự muốn “rót” vốn để đẩy nhanh DA. Đại diện một DA du lịch cao cấp ở Thuận An cho biết, chủ đầu tư rất muốn giải phóng mặt bằng đến đâu thi công đến đó và chuyển kinh phí trước để Nhà nước đẩy nhanh tiến độ, nhưng vướng các quy định nên phải chờ.

Theo ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế, trên thực tế, các nhà đầu tư luôn có sự tính toán để ưu tiên đầu tư, như biển Lăng Cô và Đà Nẵng, chỉ cách nhau vài chục km nhưng vì sao có sự khác biệt. Chỉ tính về thời tiết, biển Đà Nẵng ít nhất hoạt động dài hơn 1 tháng so với Lăng Cô. Với du lịch biển, chừng đó thời gian đã giúp tăng đến 20% doanh thu. Hay với những điểm đến như Khánh Hòa, Phú Quốc, số ngày nắng trong năm là 290 ngày, chắc chắn sẽ được nhiều nhà đầu tư đến hơn so với điểm đến có khoảng 260 ngày nắng như Thừa Thiên Huế.

Một khó khăn khác là những tài nguyên có thể thu hút các nhà đầu tư ở Thừa Thiên Huế đa số có tính nhạy cảm. Như Bạch Mã, phá Tam Giang, để đầu tư phải có đánh giá tác động môi trường, có phương án khả dĩ để vừa xây dựng, vừa bảo vệ cảnh quan; vừa phát triển nhưng phải bảo vệ các sinh vật đặc hữu.

Thêm giải pháp

Sự hỗ trợ về môi trường đầu tư, các thủ tục hành chính, thời gian qua được các nhà đầu tư đánh giá rất cao đối với Thừa Thiên Huế. Theo một số chuyên gia du lịch, việc tạo ra môi trường thông thoáng rất cần thiết, nhưng đó mới chỉ một phần, còn khá nhiều công việc cần được thực hiện tốt hơn nếu muốn thu hút thêm các nhà đầu tư và nhà đầu tư sớm triển khai DA.

Hạ tầng cho DA cần được đảm bảo, hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các khu vực có DA đầu tư.

Theo ông Vũ Hoài Phương, riêng với phá Tam Giang, sẽ rất khó để thu hút đầu tư, dù đó có thể là một doanh nghiệp cực lớn. Bởi vì sao? Để được triển khai DA doanh nghiệp phải đi nhiều nơi, thậm chí ra các Bộ, ngành Trung ương để xin các thủ tục về môi trường, hoặc quy định khác. Từ thực tế đó, nếu Thừa thiên Huế muốn thu hút bắt buộc phải đảm bảo tất cả các quy định, giải quyết được các yêu cầu đó trước, khi doanh nghiệp đến chỉ có đầu tư.

Minh chứng cho điều này là Khu du lịch nước nóng Mỹ An, do là khoáng sản, nên bắt buộc chủ đầu tư phải xin các thủ tục từ Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dù đã có sự phối hợp chặt chẽ, song cũng kéo dài thêm nhiều thời gian, DA mới chính thức khởi công.

“Như ở Bạch Mã, là tài nguyên nhạy cảm, nhiều năm qua vẫn chưa có sự chuyển động về đầu tư. Theo tôi, Huế cần tiến hành làm các nghiên cứu về sức chịu tải xây dựng, chịu tải xã hội, chịu tải về sinh học, môi trường… Tiến hành xin các giấy phép trước và có một bộ tiêu chí, quy định về môi trường. Sau đó nhà đầu tư vào, đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ được đầu tư”, ông Vũ Hoài Phương góp ý.

Bài, ảnh: Đức Quang

Nguồn: báo TT Huế 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *