Thách thức trong đào tạo nghề du lịch

Học nghề, đặc biệt những nghề đòi hỏi kỹ năng cao như du lịch mà không thể thực hành, đó là thách thức lớn trong đào tạo.

 Đào tạo thực hành bếp tại Trường cao đẳng Du lịch Huế khi chưa bùng phát đợt dịch thứ 4

Sự thay đổi bắt buộc

Cũng giống như các trường đào tạo khác, trong 2 năm vừa qua, Trường cao đẳng Du lịch Huế trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, phải điều chỉnh chương trình, điều chỉnh lịch học, phải thay đổi phương thức đào tạo để thích ứng với điều kiện thực tế khi dịch bệnh xảy ra, không thể tổ chức học tập trung.

Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế chia sẻ, khác với một số lĩnh vực đào tạo, đào tạo nghề du lịch đòi hỏi tính “bắt tay chỉ việc” rất cao. Yếu tố thực hành kỹ năng chiếm đến 70 – 80% thành công của chương trình đào tạo. Việc sinh viên không thể đến trường, không được thực hành gây khó khăn đối với cơ sở đào tạo.

Không chỉ tại Trường cao đẳng Du lịch Huế, hiện đang có gần 10 cơ sở có đào tạo nhân lực du lịch, chủ yếu là đào tạo nghề và hầu hết rất lúng túng trong việc thay đổi giáo trình, phương pháp. Với cơ sở đào tạo du lịch, việc đảm bảo kỹ năng cho sinh viên khi ra trường là điều không phải dễ. Dù nhà trường đã sử dụng phương pháp, trong đó quay video các bài giảng, thực hành của các giảng viên để sinh viên học trực tuyến, nhưng hiệu quả khó được như trước.

Không chỉ ở Huế mà theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đây là thách thức chung của tất cả các cơ sở đào tạo nghề trong cả nước, đặc biệt là ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Từ thực tế này đang đặt ra thách thức là thiếu đội ngũ lao động trong ngành du lịch cho giai đoạn sắp đến. Trong bối cảnh này, chuyển đổi hình thức giáo dục truyền thống sang giáo dục số ngày càng trở nên bức thiết.

Chuyển đổi số, áp dụng những mô hình giảng dạy mới thông qua công nghệ được xem là giải pháp tối ưu nhất. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong thời gian qua vẫn còn những vấn đề cần bàn vì chuyển đổi số và áp dụng phương thức đào tạo trực tuyến phù hợp hơn với các nội dung mang tính chất lý thuyết. Còn các lĩnh vực thực hành nâng cao kỹ năng nghề, rèn luyện kỹ năng nghề như du lịch phải có thực tiễn để nâng cao kỹ năng, không thể nhìn qua màn ảnh để xử lý được.

Chuyển đổi số vẫn chưa đủ

Thời gian qua, Trường cao đẳng Du lịch Huế tổ chức giảng dạy E-learning (chương trình được áp dụng phổ biến tại các đại học, cao đẳng ở Huế) bao gồm học online và offline. Theo một giảng viên của trường này, đối với quá trình dạy theo hình thức E-learning, lộ trình và xu thế bắt buộc đòi hỏi tính kế hoạch, tính dự báo các yếu tố, điều kiện thật chặt chẽ. Do đó các đơn vị liên quan trong nhà trường cần phải có kế hoạch cụ thể về cơ chế chính sách, tài chính và nội hàm, nội dung chi tiết. Thực tế việc thay đổi không phải trong “ngày một ngày hai”, yếu tố dạy thực hành cần thêm những ứng dụng tốt hơn.

Mới đây, Trường cao đẳng Du lịch Huế phối hợp với một số trường đào tạo nghề du lịch trong cả nước tổ chức hội thảo chủ đề “Chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề du lịch”. Đây là sự chủ động cần thiết, nhằm tìm ra những phương pháp phù hợp để giải quyết những khúc mắc mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng đang gặp phải. Qua đó, nhận thức đầy đủ và toàn diện về bản chất của chuyển đổi số từ quá trình, nội dung đến công nghệ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đặc biệt là đào tạo nghề du lịch được nhấn mạnh, khơi thông.

Chuyển đổi số liên quan đến chuyển đổi phương pháp dạy và học, các chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì phải chuyển dần và chuyển ngay đào tạo trực tiếp sang đào tạo kết hợp. Chuyển đổi số cũng phải chuyển đổi trong quản trị mỗi cơ sở đào tạo nghề và những hành lang pháp lý kèm theo, từ chế độ thông tin báo cáo, chỉ tiêu sử dụng đến kết nối, liên thông dữ liệu phạm vi quốc gia, ngành và các cơ sở giáo dục.

Thị hiếu của du khách trong bối cảnh dịch COVID-19 thay đổi, kéo theo sự xuất hiện các công việc mới, như nhân viên marketing du lịch ảo, hướng dẫn viên du lịch công nghệ, nhân viên bán hàng và chăm sóc khách hàng trực tuyến… Do đó, chuyển đổi số để thay đổi hình thức đào tạo nhằm tạo ra một lực lượng lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện nay; giải quyết bài toán nhân lực du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và đặc biệt thích ứng với tình hình dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số trong đào tạo nghề du lịch không chỉ đơn thuần là tăng cường các thiết bị, ứng dụng máy móc công nghệ vào giảng dạy mà khi chuyển qua môi trường số cần thay đổi cách học tập. Tốc độ học tập cần phù hợp, tổ chức học linh hoạt để người học có thể học được mọi lúc, mọi nơi. Người học cũng phải chủ động, tự định hướng và có sự hợp tác.

Bài, ảnh: Đức Quang

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *