Một góc Cầu Hai

Sự độc đáo của cảnh quan làng quê vùng Tam Giang – Cầu Hai được tạo nên bởi sự quyện hòa giữa thiên nhiên hùng vĩ và những làng nông, làng ngư được hình thành và phát triển từ lâu đời. Đan xen với hệ đầm phá mênh mông là cồn cát ven biển đồ sộ kéo dài đến 70km chắn ngang vực nước lợ bên trong và biển ở bên ngoài với nhiều bãi biển đẹp, như: Quảng Công, Quảng Ngạn, Hải Dương, Thuận An, Cảnh Dương, Lăng Cô, Vinh Hiền… Bên cạnh đó là cảnh quan rừng xavan cùng với các trằm, bàu đặc trưng; các đầm lầy, cửa sông với những bãi lầy ngập cỏ là nơi cư trú của các loài chim nước di cư và hàng trăm loài động vật thủy sinh. Điểm tô thêm cho cảnh sắc đầm phá, biển cả còn có dãy Bạch Mã hùng vĩ cao lên đến gần 1.450m, núi Túy Vân gắn với tháp Điều Ngự và chùa Thánh Duyên, đỉnh Linh Thái với dấu tích của đền tháp Chămpa…

Trải qua hàng trăm năm sinh tụ, những ngôi làng ven phá Tam Giang cũng từng bước xây dựng nên các cảnh quan dân cư với các thiết chế tín ngưỡng gắn với đời sống tinh thần của người bình dân. Đó là hệ thống các đình, chùa, miếu vũ, đặc biệt là các thiết chế tín ngưỡng gắn với đời sống của cộng đồng ngư nghiệp, như: miếu Nam Hải Long Vương, miếu thần Phong Bá (thần Gió), lăng mộ và dinh thờ cá Ông, miếu Lang Lại Nhị Đại tướng công (thờ thần Rái Cá), miếu thờ thần Xích Long, đền Hà Bá, đền thần cửa biển Tư Hiền, và đặc biệt là các đền miếu thờ các nữ thần, như: miếu Đại Càn, miếu Thai Dương Phu nhân, miếu Kỳ Thạch Phu nhân, miếu Bà Tơ…

Cùng với cảnh quan làng quê, hoạt động sản xuất của cộng đồng nông nghiệp và ngư nghiệp vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hải cũng góp phần tạo nên những cảnh quan đặc trưng với những trộ sáo giăng đầy, rộng khắp và những ngôi nhà chồ trên mặt nước. Để phục vụ nhu cầu ăn uống, người dân Tam Giang – Cầu Hai đúc rút kinh nghiệm, phát triển các nghề đánh bắt thủy sản trên đầm phá, tương ứng với các loại ngư cụ khác nhau, như: nghề sáo (đăng), đáy, chuôm, rớ giàn, dũi, lưới, câu… Để bảo quản sản phẩm đánh bắt từ đầm phá (và cả trên biển), ngư dân vùng Tam Giang – Cầu Hai phát triển thêm các nghề chế biến thủy, hải sản khô, làm mắm và nước mắm với những địa chỉ nổi tiếng, như: Thuận An (TP. Huế), Phú Thuận (Phú Vang), Tân Thành (Quảng Điền), Hải Nhuận (Phong Điền)… Những phương thức nấu nướng đặc trưng cho thủy, hải sản tươi sống (thiên về hấp, luộc, làm gỏi để giữ hương vị) cũng tạo nên truyền thống ẩm thực riêng của cư dân đầm phá.

Để phục vụ cho hoạt động đánh bắt, các nghề thủ công sản xuất ngư cụ cũng được hình thành, như: đan lưới Vân Trình (Phong Điền), đệm bàng Phò Trạch (vốn để làm buồm), đan thuyền nan ở Phú Diên (Phú Vang), Quảng Công (Quảng Điền), Phong Hải (Phong Điền), nghề đan lát mây tre Thủy Lập (Quảng Điền). Ngoài ra, còn có nghề làm rượu với các thương hiệu nổi tiếng như làng Chuồn, Phong Chương và nghề làm dầu tràm ở Phú Lộc.

Đặc biệt hơn cả trong vốn văn hóa dân gian vùng Tam Giang – Cầu Hai chính là đời sống tín ngưỡng, lễ hội của cộng đồng. Hầu như tất cả các làng đều Xuân Thu nhị kỳ tế lễ tại đình làng. Đặc sắc nhất là lễ hội cầu ngư ở Hải Nhuận (Phong Hải), Phương Diên (Phú Diên), An Bằng (Vinh An), Mỹ Á (Vinh Hải), Thai Dương Hạ (Thuận An)… Lễ hội liên quan đến tín ngưỡng thờ nữ thần, như: lễ hội Bà Tơ ở làng Bác Vọng, Lễ tế Thai Dương Phu nhân… Gắn với các lễ hội là sự lưu truyền của các truyền thuyết, nhạc lễ tế thần, hát bả trạo, hát sắc bùa, kể vè, nói lối, lễ hội đua thuyền, hội vật, hội đu, hội đua trải, đua ghe, bài chòi, bài đôi, bài phu, treo tịm, quăn lưới, các trò chơi dân gian trẻ em,…

Những thành tố cấu thành văn hóa dân gian vùng Tam Giang – Cầu Hai chính là nguồn lực nội sinh quan trọng, là điều kiện lý tưởng để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch học tập – nghiên cứu, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa trải nghiệm… Tuy nhiên, văn hóa dân gian là một dạng tài nguyên đặc thù, gắn với đời sống của cộng đồng. Do đó, việc biến các sản phẩm văn hóa truyền thống thành các sản phẩm văn hóa du lịch cần có những nghiên cứu, thận trọng trong cách làm. Vừa cần sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống, vừa phải đảm bảo các sản phẩm văn hóa – du lịch không làm biến dạng, ảnh hướng đến văn hóa truyền thống. Ngoài ra, cần có những chế tài cụ thể nhằm bảo vệ tài nguyên sinh thái và nhân văn cũng như giải pháp chống đỡ, khắc phục hậu quả đối với những tác động của biến đổi khí hậu cũng như sự tác động của việc phát triển du lịch đến môi trường đầm phá.

Sau 10 năm thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế – xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020”, để tiếp tục thực hiện các mục tiêu phù hợp với giai đoạn mới, góp xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, UBND tỉnh Thừa Thiên đang trong quá trình xây dựng và trình Chính phủ Đề án Phát triển kinh tế – xã hội vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.

Bài: Nguyên Ninh – Ảnh: Tuấn Kiệt
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online”