Sức sống mới ở thung lũng xanh

TTH – Đó là miền đất A Lưới hiền hòa và rất đỗi thanh bình hôm nay. Nơi thung lũng xanh này cách đây 45 năm, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước là vùng chiến sự ác liệt, đã đi vào lịch sử quân sự thế giới với những di tích như cụm địa đạo Động So, Tà Lương, đồi ABia (đồi Thịt Băm), sân bay Aso, đường mòn Hồ Chí Minh…

» A Lưới “sạch, đẹp từ nhà ra ngõ”

Suối A Lin ở A Lưới . Ảnh: Văn phòng Huyện ủy cung cấp

Một thời đạn bom

A Lưới là địa bàn trọng yếu, có vị trí chiến lược quan trọng ở miền núi, tăng cường tiềm lực, khả năng quân sự, khống chế hành lang chiến lược phía Tây dãy Trường Sơn.

Trong kháng chiến, quân đội Mỹ đã xây dựng 18 căn cứ đồn bốt lớn nhỏ, trong đó then chốt là sân bay A So. Nơi đây có hàng chục trận đánh dữ dội đã diễn ra, hàng triệu tấn bom, đạn và pháo hạng nặng đã trút xuống và có tới 270 phi vụ rải 3 chất độc mà chủ yếu là chất trắng và chất da cam…, trong đó nặng nhất là khu vực sân bay A So.

Ông Hồ Thao, một thương binh ở thôn 5, xã Hồng Vân, tham gia cách mạng từ năm 1959 kể: “Hồi đó Mỹ thả rất nhiều chất độc xuống đất này làm cây cỏ chết rụi, núi rừng bị hủy hoại, không trồng nổi một cây lương thực nào. Người dân chết vì đói, vì bom đạn khá nhiều. Ngày ngày địch lái máy bay phát loa yêu cầu dân chúng không vào rừng sinh sống để dễ quản lý”.

Còn già làng Nguyễn Văn Việt ở thôn Mu Nú Ta Rá, Hương Nguyên cho hay: “Thời chống Mỹ bà con dân tộc đói khổ lắm, thiếu gạo, thiếu muối, ăn toàn môn thục với rau rừng. Nhưng bà con vẫn chịu đựng gian khổ hy sinh để nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ, bộ đội…”.

A Lưới có hơn 15.000 đồng bào dân tộc thiểu số thì gần 10.000 người tham gia cách mạng, trong đó có hơn 2.000 người là chiến sĩ quân giải phóng và hàng ngàn dân quân hỏa tuyến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tháng 10/1960, đồng bào các dân tộc ở A Lưới đã đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa, phá tan ngụy quyền, xây dựng chính quyền cách mạng, phát động toàn dân diệt Mỹ, phát triển chiến tranh du kích, bức rút 15 đồn bốt của địch, bao vây chặt 3 căn cứ lớn, làm chủ miền núi, xây dựng thành căn cứ kháng chiến vững mạnh.

Cuối năm 1965, căn cứ A So bị tiêu diệt, miền núi được hoàn toàn giải phóng. Mỹ phản kích bằng rải bom B52, chất độc hóa học, hoa màu bị hủy diệt, gần 1.000 đồng bào bị thiệt mạng nhưng những người còn sống vẫn không nao núng, kiên trì bám trụ, phân tán vào trong rừng sâu, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, bắn máy bay, diệt biệt kích. Quyết tâm giữ vững căn cứ, giữ vững thế trận liên hoàn với đồng bằng, thành phố, liên tục tấn công nổi dậy, nhất là cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1968 giành thắng lợi to lớn. Trận đánh giải phóng A So (1966) và trận đánh A Bia (1969) làm chấn động dư luận nước Mỹ, miền núi Thừa Thiên hoàn toàn giải phóng và trở thành căn cứ địa kháng chiến của tỉnh và cả nước, thuộc hệ thống đường chi viện chiến lược bảo đảm cho đường Hồ Chí Minh thông suốt an toàn, góp sức cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân lịch sử 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bình quân mỗi ha đất ở A Lưới có tới 60 hố bom. Rất nhiều địa danh gắn chặt với những kỳ tích.

Và trên vùng đất này có đến 800 liệt sĩ, 500 thương binh, 26 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và vinh dự có 8 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đảng bộ, Nhân dân A Lưới đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”.

Xây dựng A Lưới xứng tầm là đô thị động lực phía tây của tỉnh

Khi hòa bình lập lại, con người, thiên nhiên ở vùng đất biên giới này vẫn phải gánh chịu những di chứng khủng khiếp do chất độc hóa học gây ra. Thế nhưng, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhất là ý chí kiên cường của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, “vùng đất chết” đang hồi sinh mạnh mẽ.

Trên mảnh đất ngày xưa không có loài cây nào mọc nổi nay là những cánh rừng xanh ngát, những đồi cà phê bạt ngàn, đồng lúa xanh tươi, nhà cửa kiên cố. Nhiều công trình, dự án quan trọng đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Hệ thống giao thông nông thôn hầu hết đã được nhựa hóa và bê tông hóa. Đường Hồ Chí Minh đi qua với chiều dài 106 km khai thông hành lang giao thông xuyên suốt Bắc – Nam; có cửa khẩu S3 Hồng Vân – Cô Tài; S10, A Đớt – Ta Vàng, mở ra triển vọng mới cho việc giao thương phát triển kinh tế cho cả hai nước Việt Nam – Lào trong tương lai, tạo điều kiện thuận lợi để A Lưới phát triển kinh tế – xã hội. Và có một sự đổi thay đầy tự hào nữa là trên mảnh đất này có những người con bước ra từ gian khó trở thành những giáo viên, bác sĩ, kỹ sư… đang sinh sống, công tác khắp mọi miền đất nước và đang ngày đêm đóng góp cho sự đi lên của địa phương.

Là nơi hội tụ sắc màu văn hóa của nhiều dân tộc, là mảnh đất giàu di tích lịch sử quý giá cùng một hệ sinh thái vô cùng phong phú, nhiều danh thắng và làng nghề, món ăn đặc sắc…, A Lưới có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội, nhất là du lịch.

Bí thư Huyện ủy A Lưới Nguyễn Thị Sửu, người Tà Ôi đầu tiên xuống núi làm tiến sĩ nói: “Còn nhiều lắm những việc phải làm và phải làm đồng bộ, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực… để các tiềm năng được phát huy, để xây dựng A Lưới xứng tầm là đô thị động lực phía tây của tỉnh”.

Nguyên Anh

Nguồn: báo TT Huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *