Sự trở lại của cổ phục: Nét đẹp văn hóa trong đời sống

TTH – Gần đây, phong trào “phục hưng” quốc phục phát triển mạnh mẽ. Các loại trang phục có nguồn gốc từ Huế, như áo ngũ thân, áo tấc, Nhật bình được nhiều người yêu thích, khoác lên mình với niềm tự hào.

Trần Như Bích Hà duyên dáng với cổ phục. Ảnh: Nam Triều Y Trang Viện

Lan tỏa trong đời sống

Tết Nguyên đán năm nay, không gian tết Huế tràn ngập sắc màu áo dài du xuân. Trong dòng người “check-in” ở công viên, các điểm di tích, nhiều người lựa chọn cổ phục, chủ yếu là áo dài ngũ thân, áo Nhật bình để lưu lại những bức ảnh đẹp trong ngày đầu năm. Trên facebook, cổ phục cũng “phủ sóng” trong những ngày tết khi nhiều người mặc đi lễ chùa, tham quan, trải nghiệm không gian tết Huế hay tham gia các lễ hội đầu xuân. Không ngoa khi nói rằng, tết cổ truyền năm nay cho thấy sự “phục hưng” của cổ phục.

Vào dịp tết, không gian “Hương xưa tết Việt” (đường Nguyễn Sinh Cung, TP. Huế) thu hút khá đông khách tham quan đến trải nghiệm, lưu lại hình ảnh cùng cổ phục và trang phục truyền thống trong không gian tết xưa. Nhà thiết kế Quang Hòa cho hay, nhiều khách dù đã chuẩn bị áo dài cách tân nhưng khi vào đến không gian này, họ lại thích trải nghiệm trang phục áo dài ngũ thân truyền thống. Ai cũng hào hứng và thấy thú vị để cùng hoài niệm về những giá trị truyền thống xưa cũ.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, gần đây, đặc biệt vào dịp tết cổ truyền Nhâm Dần, các loại cổ phục Việt phục hồi, lan tỏa mạnh mẽ trong cả nước, và Huế là một trong những địa phương tiêu biểu. Nhiều người thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau chọn áo tấc, ngũ thân tay chẽn, Nhật bình làm trang phục cho mình và người thân đón tết, du xuân. Các tiệm may, cơ sở cho thuê cổ phục gần như bị “cháy” hàng. Ngay cả sau dịp tết, du khách đến Huế có nhu cầu mượn, thuê hay đo may các loại trang phục này cũng rất cao.

“Chiếc áo dài truyền thống một lần nữa khẳng định giá trị mang tính biểu trưng của văn hóa người Việt. Hình ảnh áo dài truyền thống tung bay trên mọi nẻo đường, trong từng con phố, xóm làng ngày càng trở nên quen thuộc. Sự yêu mến, nâng niu, trân quý chiếc áo dài truyền thống đã và đang góp phần khẳng định, làm sống lại hình ảnh chiếc áo dài truyền thống, quốc phục của dân tộc Việt Nam”, ông Hải nhận xét.

Tác phẩm đạt giải nhất cuộc thi “Sắc áo thời xanh” của tác giả Trần Hữu Phương. Ảnh: Legend of Hue

Áo tấc, áo Nhật bình, áo ngũ thân đã có sự trở lại ngoạn mục và nhận được sự đón nhận đặc biệt trong giới trẻ, khi họ cảm nhận được vẻ đẹp, giá trị văn hóa của cổ phục. Cô gái trẻ Trần Như Bích Hà chia sẻ, cổ phục mang phong thái cổ xưa nên mỗi lần mặc trang phục này, em cảm nhận được giá trị, nét văn hóa Huế tinh tế và sang trọng. Cổ phục cũng mang đến cho người mặc nét đẹp độc đáo mà nhiều bộ trang phục hiện đại không thể nào có được. Cũng từ niềm yêu thích với cổ phục, Bích Hà tham gia làm mẫu hóa thân thành cung tần, mỹ nữ trong các bộ ảnh quảng bá nét đẹp di sản văn hóa Huế thông qua cổ phục của fanpage Nam Triều Y Trang Viện.

Giá trị văn hóa qua trang phục

Bắt đầu từ tình yêu với cổ phục và những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam, đầu năm nay, dự án Legend of Hue (do Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh bảo trợ) tổ chức cuộc thi sáng tạo truyền thống “Sắc áo thời xanh” nhằm lan tỏa vẻ đẹp của trang phục truyền thống, tập trung vào áo ngũ thân, áo tấc, áo Nhật bình… Với hình thức quay video hoặc chụp ảnh đẹp, cuộc thi nhận được hơn 30 tác phẩm dự thi và hàng ngàn lượt tương tác trên facebook.

Cuộc thi bắt nguồn từ những trăn trở về câu chuyện văn hóa của các thành viên Legend of Hue, hầu hết là sinh viên các trường đại học. Phan Thị Thùy Trang, điều phối viên Legend of Hue chia sẻ: “Trong quá trình học tập, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, chúng em nhận thấy các quốc gia khác đều có những biểu tượng, biểu trưng, Nhật Bản có Kimono, Hàn Quốc có Hanbok… trong khi Việt Nam vẫn chưa thực sự có một biểu tượng văn hóa trang phục. Với sự trở lại của cổ phục, Legend of Hue quyết định chọn cổ phục là chủ đề đầu tiên cho hoạt động của nhóm. Thông qua cuộc thi, hình ảnh những bộ trang phục truyền thống sẽ trở nên quen thuộc hơn trong đời sống hiện đại, cũng như lan tỏa sự quan tâm, tìm hiểu và niềm yêu thích cổ phục với tất cả mọi người nói chung và các bạn trẻ nói riêng”.

Nhà thiết kế Minh Tân cho biết, thời gian gần đây, nhiều người bắt đầu quan tâm tới cổ phục, phổ biến là áo dài ngũ thân, áo Nhật bình. Khá nhiều bạn trẻ đặt may trang phục truyền thống trong lễ cưới hỏi. Đây là tín hiệu đáng mừng khi nhiều người lựa chọn quay lại với truyền thống văn hóa. Phong trào cổ phục ở Huế bắt đầu sôi động như ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội sau thời gian Huế xây dựng “Kinh đô Áo dài”, đó là tín hiệu đáng mừng.

Thùy Trang hào hứng kể: “Ban đầu, em đón nhận cổ phục với một tâm thái khá thích thú xen lẫn mong chờ, sau đó trở thành niềm trân trọng và yêu quý. Khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, em có thêm niềm tự hào dân tộc, cũng như khẳng định “chất” riêng của bản thân. Sự trở lại của cổ phục như một sợi dây vô hình, đẹp đẽ và chắc chắn nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai”.

Sự phục hồi và lan tỏa của các loại cổ phục là tín hiệu đáng mừng, cho thấy ý thức về bản sắc văn hóa truyền thống, sự cảm nhận về vẻ đẹp của trang phục Việt trong một bộ phận lớn người dân ngày càng được nâng cao. Sự trở lại của cổ phục cũng làm cho nét văn hóa Huế mang màu sắc mới. Khi đặt để vào hoàn cảnh đúng chỗ, nó sẽ trở thành trang phục phù hợp, thể hiện sự trang trọng và nêu cao văn hóa dân tộc. Xu thế này cũng tạo ra những điều kiện rất thuận lợi để xây dựng thương hiệu “Huế – Kinh đô Áo dài Việt Nam”.

MINH HIỀN

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online “

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *