TTH – Năm 2015, nhà phê bình Đặng Tiến từ Pháp gửi về Huế khoe với tôi vừa tìm được bức tranh của họa sĩ người Pháp Bauchaud vẽ sông Hương từ năm 1902. Bức tranh rất đẹp và sinh động, mô tả những người phụ nữ đi chợ về, tụ tập trên bờ sông Hương, chuẩn bị xuống đò. Bức tranh sau đó được Tạp chí Sông Hương dùng làm bìa số đặc biệt tháng 3 năm 2015.
Tác phẩm “Sông Hương ở xứ Huế” của Charles Ulmann, vẽ năm 1907
Bức tranh của họa sĩ Bauchaud chưa phải là bức tranh vẽ sông Hương sớm nhất của các họa sĩ người Pháp.
Họa sĩ người Pháp được xem là đã đến Huế, Việt Nam vẽ tranh sớm nhất là Gaston Roullet (1847-1925). Cuối năm 1885, đầu năm 1886, họa sĩ Gaston Roullet đến Việt Nam và vẽ được 203 bức tranh cùng ký họa. Ông đến Huế trong dịp Tết Bính Tuất và vẽ nhiều tranh về Huế, trong đó có một số bức tranh vẽ sông Hương. Ít nhất đến nay, giới yêu Huế còn tiếp cận 2 bức tranh ông vẽ sông Hương. Bức “Sông Đông Ba ở Kinh thành Huế” lâu nay đã được nhiều người biết. Song ít người biết, ông có một bức khác vẽ sông Đông Ba với cầu gỗ Đông Ba và cửa Đông Ba có lùi xa hơn. Từ đó, bức tranh cho ta hình dung về bóng dáng chiếc đò trên sông Đông Ba ngày xưa và cảnh sinh hoạt của cư dân Kinh thành Huế trên đò, trên bến sông thuở đó.
Năm 1907, họa sĩ Charles Ulmann đến Huế và vẽ bức “Sông Hương ở xứ Huế”, mô tả cảnh sông Hương êm đềm với những rặng cây xanh um tùm in bóng nước. Trên cao, trời xanh mây trắng, những dãy núi xa xa. Bên sông hiển hiện một cổng tam quan của một phủ đệ. Khuất sau lũy tre xanh có một ngọn tháp nhô lên. Xem bức tranh này, có thể hình dung những con đò Huế trên sông Hương ngày xưa, đò có mui và đò không mui ngày xưa không khác ngày nay lắm, dù hơn 100 năm trôi qua. Chỉ có người chèo đò, người đi đò hay đứng đợi bên sông là có khác. Người Huế xưa mặc áo dài trong tất cả các sinh hoạt. Và điều lý thú là ngày xưa có thuyền buồm giăng căng gió trên sông Hương.
Tác phẩm “Chợ bên bến sông” của Victor Tadrdieu
Tháng 2/1921, Victor Tardieu đã đến Việt Nam. Nhờ những mối quan hệ rộng rãi với những nhân vật cao cấp, ông thuyết phục được Toàn quyền Đông Dương Merlin ra sắc lệnh ngày 27/10/1924 thành lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và ông chính là hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường này. Cũng năm 1924, ông đến Huế và để lại cho hậu thế bức tranh sơn dầu “Chợ bên bến sông”. Bức tranh với những nét cọ thô tháp song phóng khoáng, hình ảnh lại hết sức sống động. Tranh mô tả vạn đò khúc đầu ngõ sông Đông Ba nối ra sông Hương. Vạn đò có các con đò cắm sào neo đậu san sát. Những phụ nữ đang đi lại, mang theo rổ rá trên bến sông.
Năm 1886, họa sĩ Gaston Roullet đã có triển lãm trên 200 bức tranh và ký họa về An Nam và Đông Dương gây tiếng vang lớn. Sau đó, ông tham dự triển lãm Thế giới năm 1889 với 24 bức tranh sơn dầu trong gian “Annam và Tonkin”.
Các tác phẩm của Gaston Roullet ảnh hưởng không nhỏ tới thẩm mỹ sáng tác của một số nghệ sĩ lớn của Pháp đương thời. Điều thú vị là, họa sĩ lừng danh Gauguin sau khi xem tranh của Gaston Roullet, Gauguin rất thú vị và đã vẽ những ký họa ngộ nghĩnh phỏng theo những hình ảnh trong gian triển lãm này.
Tác phẩm “Sông Hương 1902” của họa sĩ Bouchaud
Những hình ảnh quyến rũ về xứ Huế, Đông Dương như một địa đàng nguyên sơ khiến Gauguin muốn thoát ly khỏi kinh đô ánh sáng Paris mà ông coi là đã cạn kiệt sinh khí và tha hoá do văn minh kỹ nghệ. Ngay sau đó, ông đã viết thư gửi Bộ Thuộc địa mong muốn được tới Việt Nam, Đông Dương để tìm nguồn cảm hứng mới cho việc sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, đơn xin của Gauguin bị từ chối vì lý tưởng của ông không hợp với tôn chỉ và chính sách thuộc địa. Thật không may cho Huế, Việt Nam, xứ Đông Dương đã lỡ cơ hội đón nhận việc trải nghiệm sáng tác của một hoạ sĩ kỳ tài.
Cho đến nay, sông Hương vẫn là nguồn cảm hứng cho các họa sĩ Pháp sáng tạo. Ngày 9/3/2009, tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp ở Paris, họa sĩ Gérald Gorridge, giảng viên Đại học Hình ảnh Angouleme đã tổ chức ra mắt “Tập tranh sông Hương”.
Gérald Gorridge cho biết, ông đến Huế lần đầu vào năm 1992. Vào thời điểm đó, Huế có rất ít khách du lịch nên ông có điều kiện cảm nhận vẻ hoang sơ của Huế hơn. Ông gặp nhiều người Việt nồng hậu, thân thiện. Điều này đã gây cảm tình mạnh mẽ với họa sĩ, khiến ông quyết định gắn bó với Việt Nam, mong muốn làm những điều tốt đẹp để thể hiện tình cảm sâu sắc với người dân và đất nước yêu chuộng hòa bình.
Họa sĩ Gérald Gorridge đã vận động tài trợ để sáng lập và điều phối Chương trình hợp tác “Tranh dân gian Việt Nam và truyện tranh”, bắt đầu triển khai từ tháng 4/2001. Với dự án này, Gérald Gorridge đã có dịp gắn bó, làm việc cùng các họa sĩ trẻ Việt. Ông đã trở đi trở lại Huế ít nhất 17 lần. Ông nói: “Và mỗi lần quay lại, Huế cũng như Việt Nam đều mang đến cho tôi những cảm hứng mới để sáng tác nghệ thuật. Đặc biệt sông Hương đã quyến rũ một cách khó tả”.
“Tập tranh sông Hương” là kết quả của nguồn cảm hứng và hơn bốn tháng tác giả miệt mài sáng tạo. Với hơn 80 bức tranh đặc tả về Huế, họa sĩ Gérald Gorridge như đưa người xem cùng khám phá muôn mặt của mảnh đất Cố đô Huế theo dọc con sông Hương nổi tiếng: những di tích thành quách rêu phong, gốc cây cổ thụ chứng kiến bao đổi thay xứ sở, cầu Trường Tiền lung linh trong đêm, những cơn mưa dài tưởng đến bất tận, một khoang đò của một gia đình đang quây quần ấm áp… Tất cả được thể hiện một cách tài tình qua những nét vẽ, sắc màu đặc trưng của Gérald Gorridge, tạo nên nhiều ấn tượng, cảm xúc cho người xem.
Sông Hương đối với nhiều người nghệ sĩ, là nguồn cảm hứng bất tận.
Bài, ảnh: HỒ ĐĂNG THANH NGỌC
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”