SAVE Tourism – một xu hướng du lịch cần quan tâm

SAVE Tourism (Scientific, Academic, Volunteer & Education tourism) là một loại hình du lịch gắn với khoa học, học thuật, tình nguyện và giáo dục đang được nhiều quốc gia khuyến khích phát triển. Dòng khách này là những người có kinh tế, kiến thức, học thuật, tâm huyết (bao gồm sinh viên tình nguyện) có nhu cầu đóng góp công sức, tiền bạc và trí tuệ cho các điểm đến, mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng địa phương.


Du khách cùng đại diện Vietravel Hà Nội tham gia trò chơi vận động cùng các em học sinh điểm trường Tùng Pàng – Hà Giang

Giúp phát triển bền vững

Trên thế giới, loại hình du lịch SAVE Tourism đang được nhiều quốc gia quan tâm, khuyến khích phát triển: Một số quốc gia đã đưa vào chương trình hành động phát triển du lịch quốc gia tầm nhìn dài hạn như Thái Lan, Honduras, Indonesia, Nepal, Nam Phi…  Qua đó, các nhà quản lý, các tổ chức du lịch, lữ hành, khách sạn, các tổ chức tình nguyện, tổ chức giáo dục, tổ chức khoa học nghiên cứu, các học viện về du lịch, các cá nhân, hộ gia đình tại điểm đến cùng chung tay tạo lập các nguyên tắc phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch đạt giá trị cao về văn hóa, đồng thời bảo tồn được tài nguyên thiên nhiên, góp phần từng bước nâng cao giá trị điểm đến.

TS. Nguyễn Đức Thắng (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng, nhóm khách stheo loại hình có nhu cầu “SAVE Tourism” mong muốn được tương tác, trải nghiệm cảm giác chân thực của những điểm đến là các bản làng, các tộc người, các hải đảo xa xôi…; họ sẵn sàng làm một vị khách du lịch có tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, truyền bá những kiến thức, kỹ năng nhằm góp phần nâng cao đời sống người dân bản địa.


HHDL Hà Nội tặng cặp sách cho học sinh trường Trường tiểu học Chiềng Bắc – Sơn La

Tại Việt Nam, SAVE Tourism đã được triển khai thành sản phẩm, thành hoạt động thực tế được du khách hưởng ứng. Không chỉ du khách, mà bản thân các doanh nghiệp du lịch, nhiều cơ quan, đơn vị trong ngành Du lịch đều tự nguyện trở thành khách của loại hình này và thực hiện nhiều chuyến đi ý nghĩa. Các chương trình du lịch thường tập trung vào kết hợp làm từ thiện, tặng áo ấm cho trẻ em nghèo miền núi, hỗ trợ thiết bị học tập cho các lớp học… Đại diện Công đoàn Công ty Vietravel Nguyễn Văn Minh từng chia sẻ với phóng viên Báo Du lịch trong một chuyến đi, “Mục tiêu của Vietravel là thông qua chương trình từ thiện, giới thiệu tới các du khách các địa điểm đến mới nhằm phát triển du lịch vùng. Vietravel hi vọng và cũng tin rằng những sản phẩm tour du lịch từ thiện sẽ là nhịp cầu kết nối du khách, đưa ngày càng nhiều du khách có lòng hảo tâm đến với những bản làng vùng sâu, vùng xa để cùng giao lưu và mang đến niềm vui cho người dân nghèo. Mặt khác, những sản phẩm này sẽ góp phần tạo nên nhiều hiệu ứng tốt trong cộng đồng để nhiều du khách biết tới và lựa chọn làm điểm đến trong các hành trình tiếp theo”.

Cần quan tâm nhiều hơn

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Nguyễn Anh Tuấn nhận định SAVE Tourism đã phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên vì chưa có nghiên cứu sâu để có thông tin nên chưa có thống kê cụ thể nhóm khách thuộc loại hình này ở Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, “Chúng ta cần đánh giá tiềm năng loại hình SAVE Tourism này, để có định hướng phát triển thu hút khách phù hợp. Ví dụ như khách nghiên cứu về giáo dục, chủ yếu liên quan đến thế hệ trẻ; khách học thuật thì cần tổ chức các hội thảo khoa học, hay tổ chức các chương trình nghiên cứu; kể cả cho khách Việt Nam đi ra nước ngoài… các doanh nghiệp cũng cần quan tâm, qua đó có thể đưa ra những định hướng nhằm làm đa dạng thị trường khách trong thời gian tới.”


Du khách trao áo ấm cho các em tại điểm trường Tùng Pàng – Hà Giang

TS Nguyễn Đức Thắng cho rằng ở Việt Nam, SAVE Tourism chưa thực sự được đưa vào chương trình hành động của Chính phủ cũng như của TCDL, tuy nhiên tiềm năng và nội lực phát triển của loại hình này tương đối tốt. Điều cốt lõi giá trị của SAVE Tourism là đem lại giá trị du lịch bền vững. Những người đi du lịch là những người có trách nhiệm, họ đến với cộng đồng đều chia sẻ, mang lại lợi ích cho cộng đồng bảo vệ nguồn tài nguyên, không thương mại hóa điểm đến, thậm chí là tạo lập dự án về du lịch cộng đồng… “Tôi cho rằng cần có chương trình hành động đưa SAVE Tourism vào chiến lược, để SAVE Tourism tham gia vào những nỗ lực xây dựng du lịch bền vững” – TS. Nguyễn Đức Thắng nhấn mạnh.

Thanh Hoàng

Nguồn: báo dulich việt nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *