Phục hồi nhưng chậm

Bước qua tháng 11, một tin vui đến với ngành du lịch là việc Thủ tướng Chính phủ cho phép 5 địa phương trong nước thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Đây là bước đi đầu tiên để mở cửa dần ngành du lịch.

Học sinh trải nghiệm trò chơi đầu hồ ở vườn Thiệu Phương. Ảnh: BẢO MINH

Thừa Thiên Huế không có tên trong danh sách 5 địa phương thí điểm đón khách nói trên, nhưng điều này cũng đã mở ra cơ hội rất lớn cho du lịch Thừa Thiên Huế. Bởi vì, trong 5 địa phương nói trên có 2 địa phương cận kề với Thừa Thiên Huế, đó là Đà Nẵng và Quảng Nam. Vì sao Chính phủ chọn những địa phương này là điều chúng ta không quá bận tâm. Bởi vì đã thí điểm thì không thể làm đồng loạt, cho nên không địa phương này thì cũng địa phương kia. Nhưng rõ ràng đó là những địa chỉ trọng điểm du lịch, được phân bổ đều trên 3 miền: Nam – Trung – Bắc. Giờ là lúc chúng ta chuẩn bị để nắm lấy cơ hội của sự lan tỏa.

Chúng ta có thể thấy khả năng chắc chắn thành công của các địa phương thí điểm là ở chỗ “mở cửa có điều kiện” – đi theo tour trọn gói – có điểm đi điểm đến được biết trước nên cũng dễ dàng kiểm soát. Những địa phương thí điểm cũng đã phủ được vắc-xin cả khách và chủ nhà. Nhưng có một yếu tố quan trọng khác đó chính là tâm thế – các địa phương này không dễ gì bỏ lỡ cơ hội “ngàn vàng” sau gần 2 năm đứt nguồn khách quốc tế. Giờ nếu không chuẩn bị kỹ, kiểm soát kỹ thì có thể cơ hội bị vuột mất trong tầm tay. Cho nên chúng ta thấy các địa phương chuẩn bị đón khách rất kỹ lưỡng.

Nếu trong thời gian thí điểm đón khách của Đà Nẵng, Quảng Nam thành công (như trên đã nói là cơ hội thành công rất cao) sẽ mở ra một tâm lý tự tin cho chính quyền sở tại cũng như du khách. Có thể cơ hội đầu tiên là kéo được một dòng khách nội địa đông hơn. Khách đã đến Đà Nẵng, Quảng Nam thì chuyện đến Huế, cũng là một trọng điểm du lịch là điều chúng ta có thể hy vọng. Nguồn cung ứng vắc-xin bây giờ cũng đã dồi dào nên chúng ta có thể đẩy nhanh tiến độ phủ vắc-xin, là một điều kiện quan trọng để công bố điểm đến an toàn.

Theo công bố của Chính phủ, đến tháng 6/2022 sẽ mở cửa du lịch hoàn toàn. Nếu tiến độ mở cửa không thể nhanh như dự kiến, nghĩa là còn đến 8 tháng nữa chúng ta mới có thể đón khách quốc tế. Ngành du lịch Thừa Thiên Huế bị chậm đi một bước. Cho nên chúng ta chỉ còn kỳ vọng vào dòng khách nội địa.

Cái khổ là, mùa này không phải là mùa của du lịch nội địa, cho nên chúng ta chỉ còn hy vọng vào dịp cuối năm (dương lịch và âm lịch). Nghĩa là, lượng khách sẽ phục hồi nhưng phục hồi rất chậm.

Đã chậm thì ngành du lịch Thừa Thiên Huế làm gì trong thời gian này? Là chúng ta còn nhiều thời gian để chuẩn bị. Chuẩn bị từ tâm thế đến cơ sở vật chất; từ nâng cao chất lượng dịch vụ đến việc mở ra những sản phẩm du lịch mới. TP. Huế đang tiến hành dự án phố đêm với những sản phẩm hấp dẫn từ thưởng thức âm nhạc đến mua sắm, trải nghiệm không gian đêm đến ẩm thực… quanh Đại Nội Huế. Thế thì giờ là lúc phải đẩy nhanh để hình thành sản phẩm này. Hạn chế việc “cứ mãi ngồi bàn” và làm theo kiểu tà tà.

Trong thời gian đứt quãng nguồn khách quốc tế và khách trong nước, chúng tôi thấy một cách làm của nhiều cơ sở du lịch rất hay, rất nhạy bén, đó là việc thu hút khách ở những tỉnh lân cận và khách nội tỉnh. Đây là cách làm của nhiều khu resort rất thành công. Không đón khách thường xuyên thì cứ mỗi thứ bảy, chủ nhật họ giảm giá rất sâu cùng gia tăng nhiều dịch vụ hỗ trợ hấp dẫn. Chính cách làm này đã kéo được một lượng khách khá đông, dù chỉ là đi du lịch ngắn ngày. Đây cũng là một cách làm “lấy ngắn nuôi dài” để đợi cơ hội vậy.

BÌNH NGUYỄN 

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *