Kỳ 2: Xúc tiến, quảng bá du lịch còn cần nhiều thứ
Để hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch mang lại hiệu quả cao, cần phải có đủ nguồn lực về tài chính, nếu không “chúng ta chỉ dạo chơi nơi đất khách”. Bên cạnh đó, cũng cần phải có bộ máy chuyên nghiệp về xúc tiến du lịch để nghiên cứu thị trường một cách bài bản, định hướng nhóm thị trường. Từ đó, có cơ sở dữ liệu về thị trường mục tiêu mới có thể đẩy mạnh xúc tiến du lịch…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng lãnh đạo hiệp hội Du lịch Việt Nam tham quan các gian hàng VITM 2019 tại Hà Nội
“Dạo chơi” với quảng bá, xúc tiến
Năm 2018 vừa qua, với sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý Nhà nước, sự cố gắng không mệt mỏi của cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch trên cả nước, ngành Du lịch Việt Nam đã đón được trên 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 620.000 tỷ đồng.
Du lịch Việt Nam đã thực sự phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và có nhiều chuyển biến tích cực. Đạt được kết quả này một phần quan trọng là nhờ vào công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tích cực trong thời gian qua bằng nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại cần vượt qua, trong đó kinh phí để thực hiện quảng bá, xúc tiến cũng là “rào cản” lớn không chỉ với đơn vị quản lý Nhà nước mà ngay cả các đơn vị hoạt động lữ hành. Tại Hội nghị Xúc tiến Du lịch năm 2017, tổ chức tại Hà Nội, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận, khó khăn lớn đối với hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch là kinh phí xúc tiến du lịch. Hiện ngân sách quảng bá du lịch của Việt Nam là 2 triệu USD/năm, thấp nhất trong các nước ASEAN.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng thừa nhận công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của chúng ta còn nhiều bất cập, khó khăn. Nếu đi một hội chợ du lịch quốc tế sẽ thấy gian hàng của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các nước. Ví dụ, dù đã có nhiều cố gắng nhưng trong hội chợ ITB tổ chức tại Đức đầu năm 2017, gian hàng của Việt Nam chỉ có diện tích 200m2, khó trình bày cho “ra tấm ra món”.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng với 2 triệu USD, Việt Nam mới chỉ “dạo chơi” với quảng bá, xúc tiến du lịch. “Cho nên ở hội chợ, hội nghị, chúng ta chỉ be bé con con, vô cùng gian khổ, không mang ý nghĩa quốc gia”. Trong khi đó, theo chia sẻ của ông Đặng Đức Phong, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Du lịch An Giang, năm 2019 địa phương này rót khoảng 2 tỷ để thực hiện công tác xúc tiến du lịch. Kinh phí phục vụ công tác xúc tiến du lịch, theo chia sẻ của đơn vị này thì được phân bổ theo đầu công việc phải thực hiện xúc tiến.
Trong khi đó, đối với các công ty lữ hành hàng đầu như BenThanh Tourist, TST tourst… là những đơn vị thường xuyên tham gia công tác xúc tiến tại thị trường nước ngoài đều khẳng định, khó có thể đòi hỏi ngay tính hiệu quả của những lần xúc tiến. Chia sẻ của đại diện TST tourst, mỗi năm, đơn vị này dành khoảng 11 tỷ đồng (chiếm khoảng 20% lợi nhuận) để thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá như là việc làm tái đầu tư. Tuy nhiên, có những chuyến tham gia xúc tiến thì mục đích chủ yếu là để gặp gỡ, giao lưu và duy trì mối quan hệ với đối tác chứ hiệu quả không như mong đợi. Chứ công tác xúc tiến chính, đa phần là các công ty lữ hành nước sở tại thực hiện.
Khẳng định với phóng viên về thực tế ấy, ông Trát Thái Hoàng Vũ, Giám đốc Truyền thông BenThanh Tourist cho biết thêm: “Mỗi năm, BenThanh Tourist dành khoảng 2% lợi nhuận (khoảng 20 tỷ đồng) để thực hiện cho công tác xúc tiến quảng bá. Tuy nhiên, có những đợt xúc tiến, tham gia để duy trì mối quan hệ chứ biết chắc khó tiếp cận thị trường khách”. Đại diện công ty Hi Travel, đơn vị chuyên làm khách đoàn cho biết: công ty không dành kinh phí cho công tác xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu của công ty phụ thuộc hoàn toàn vào uy tín và chất lượng sản phẩm. Khẳng định với phóng viên, dù cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn khách, tiếp cận thị trường (vì không sử dụng nguồn kinh phí để phục vụ công tác xúc tiến, quảng bá thường xuyên – PV) nhưng mục đích của Hi Travel là cố gắng mang lại cho đối tác (khách đoàn – PV) sản phẩm du lịch chất lượng nhưng giá cả hợp lý.
Phải chủ động xúc tiến…
Trả lời phóng viên Báo Du lịch, bà Trương Thị Thu Giang – Phó Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của công ty đã gặp phải một số khó khăn như nhiều công ty du lịch Trung Quốc sang Việt Nam tự thực hiện việc đón khách Trung Quốc, bán tour có giá dưới giá net (giá thấp hơn giá mặt bằng chung – PV). Các tour này chủ yếu đưa khách đi shopping (mua sắm) và bán optional tour (dạng tour tùy chọn – PV) khiến các doanh nghiệp làm tour truyền thống như Vietravel thị phần bị cạnh tranh khốc liệt.
Vì thế, thời gian tới, theo chia sẻ của Vietravel, công ty này sẽ kết hợp với Vietnam Airlines, các hãng hàng không lớn và Đại sứ quán tổ chức các chương trình Roadshow, Vietnam Night tại các nước. Hay văn phòng đại diện Vietravel tại nước ngoài sẽ phối hợp đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại để nghiên cứu thị trường và quảng cáo điểm đến. Thậm chí Vietravel chủ động hợp tác chiến lược với các địa phương trong nước để việc xây dựng các sản phẩm đặc trưng. Ví dụ, du lịch nông thôn ở An Giang, Vietravel sẽ xây dựng quy trình từ việc tham quan cánh đồng lúa đến lúc làm ra các sản phẩm dinh dưỡng từ gạo…
Cũng như Vietravel, công ty du lịch TST tourist, BenThanh Tourist… cũng chủ động xúc tiến ở những thị trường chính của họ như Thái Lan, Malaysia, Đài Loan và nhiều thị trường khác để tiếp cận một cách hiệu quả lượng khách inbout mà công ty đang hướng tới hoặc trong kế hoạch bên cạnh việc duy trì tham gia xúc tiến để giữ mối quan hệ với đối tác nước ngoài.
Theo chia sẻ của các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp du lịch, để nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, ngành Du lịch cần nghiên cứu thành lập đơn vị chuyên trách hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia, tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa các trung tâm xúc tiến du lịch trong cả nước. đặc biệt là vai trò của Tổng cục Du lịch trong việc định hướng, cập nhật, dự báo các biến động thị trường, làm cơ sở cho mọi chương trình hành động.
Nội dung và phương thức tổ chức cần được đổi mới, triển khai hiệu quả các mô hình hợp tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng đưa vào hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch… Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần kết hợp hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch với thương mại, có sự phối hợp với các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở các nước để tổ chức quảng bá hình ảnh; mở rộng thêm các ứng dụng dành cho du lịch địa phương trên mạng xã hội.
Cũng theo chia sẻ của các chuyên gia, để hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đạt hiệu quả cao, cần phải có bộ máy chuyên nghiệp. Do đó, các chuyên gia đề xuất nên tái lập Cục Xúc tiến du lịch hoặc cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia, từ đó xác định quỹ xúc tiến là chỉ chi cho xúc tiến, người làm được quyết định sử dụng như thế nào và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
(Còn nữa)
Nguyễn Nam