Những giải pháp cần và đủ để du lịch Việt Nam bứt phá, kỳ 1

Kỳ 1: Visa đã nới lỏng, nhưng doanh nghiệp du lịch vẫn còn khó

Với chính sách thị thực nhập cảnh (visa) thông thoáng, thủ tục đơn giản – dễ dàng sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng lượng khách du lịch quốc tế. Chính vì thế, những năm gần đây lượng du khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng khá nhanh, đặc biệt là các thị trường được Chính phủ Việt Nam miễn visa.

Du khách quốc tế tham quan tại TP.HCM

Visa được xem là “cây đũa thần” hút khách!

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2/2019 ước tính đạt hơn 1,58 triệu lượt người, tăng 5,8% so với tháng 1/2019. Tính chung 2 tháng của năm 2019, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018. Khách đến từ châu Âu ước tính tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó du khách đến từ Nga tăng 4%; Anh tăng 6,2%; Pháp tăng 2,7%; Đức tăng 4,6%; Thụy Điển tăng 9,5%; Italy tăng 5,5%; Hà Lan tăng 3%. Khách đến từ châu Mỹ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ tăng 7%…

Theo số liệu, năm 2004 lượng khách Hàn Quốc chỉ đạt khoảng 230 ngàn lượt đã tăng gấp 10 lần, đạt 2,4 triệu lượt vào năm 2017. Cũng trong khoảng thời gian đó, khách Nhật Bản tăng từ 267 ngàn lượt lên 700 ngàn lượt. Đặc biệt, chính sách miễn visa cho 5 quốc gia Tây Âu (Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha) được ví như “cây đũa thần” giúp cho du lịch Việt Nam khởi sắc rõ rệt sau giai đoạn sụt giảm nghiêm trọng về lượng khách quốc tế năm 2014 và nửa đầu năm 2015.

Có thể thấy, chính sách miễn thị thực cho khách quốc tế đang phát huy hiệu quả rất cao khi mà lượng khách từ các nước được Việt Nam miễn thị thực tăng mạnh. Theo Hội đồng Lữ hành thế giới, chính sách visa thông thoáng sẽ làm tăng từ 8 – 10% lượng khách. Điều này đã được chứng minh.

Theo nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) tác động của việc miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý) đã làm tăng thêm 10,1% số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, cao hơn cả mức tăng chung ở các nước ASEAN khác khi áp dụng miễn thị thực. Cụ thể, ngay năm đầu tiên áp dụng chính sách miễn visa, số liệu thống kê cho thấy, năm 2015 đã có 720.000 lượt khách Tây Âu đến Việt Nam. Năm 2016, lượng khách này tăng lên 835.000 lượt, tăng 16%, doanh thu đạt 202 triệu USD. Năm 2017, lượng khách Tây Âu đến Việt Nam đã cán mốc 1,5 triệu lượt người, góp phần làm nên kỷ lục của du lịch Việt Nam khi lần đầu tiên cán mốc 12,9 triệu lượt khách quốc tế. Trả lời báo chí, ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch, cho biết, việc miễn thị thực đã thúc đẩy tăng trưởng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, đem lại lợi ích to lớn về kinh tế, làm tăng giá trị xuất khẩu qua du lịch. Hiệu ứng lan tỏa từ du lịch tới dịch vụ đã đóng góp 3,2% trong tăng trưởng GDP 6,7%. Hội đồng Du lịch và lữ hành Thế giới (WTTC) đánh giá, miễn thị thực tại các nước ASEAN đã làm tăng thêm 1,6% – 3,1% số việc làm trực tiếp cho ngành Du lịch và các ngành khác đều hưởng lợi.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết, visa là chính sách cực kỳ quan trọng trong phát triển du lịch. “Khi mở cửa, khách lập tức sẽ tăng trưởng, visa là điều đầu tiên thể hiện thái độ của chúng ta với khách du lịch, có chào đón, mời mọc họ không. Tất nhiên khách du lịch sẽ muốn đến những nước có thủ tục visa đơn giản, thủ tục nhập cảnh dễ dàng”, ông Thọ khẳng định.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel cho biết: việc miễn visa giúp khách quốc tế tiết kiệm được thời gian, chi phí, qua đó nâng cao sức thu hút của du lịch Việt Nam. Thực tế cho thấy, những nước có thể thu hút trên 20 triệu lượt khách mỗi năm đều có chính sách miễn thị thực rất thông thoáng. “Nếu chúng ta đã định hướng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại lượng ngoại tệ lớn về cho đất nước, có nên chăng mở cửa để đón khách. Số khách quốc tế đến và chi tiêu vào các dịch vụ sẽ cao hơn gấp nhiều lần với chi phí visa mà chúng ta thu về”, bà Phương Hoàng chia sẻ.

Chính sách visa cái lợi đã thấy rõ, nhưng vẫn còn nhiều bất cập

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 thì năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành Việt Nam đang xếp hạng 67 trên 136 nước, trong đó 3 nhóm chỉ số xếp hạng thấp nhất là sự bền vững của môi trường (xếp hạng 129/136); các yêu cầu về visa (hạng 116/136) và cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch (hạng 113/136).

Hiện, Việt Nam chỉ mới áp dụng miễn thị thực cho 24 quốc gia, ít hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Cụ thể, trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia miễn thị thực cho công dân 168 nước; Malaysia hiện đang miễn thị thực cho công dân 162 nước; tiếp sau là Singapore, Philippines miễn thị thực cho công dân 159 nước; Thái Lan miễn thị thực cho công dân của 57 nước…

Chưa kể, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á thường miễn thị thực từ 30 đến 90 ngày cho du khách, trong khi Việt Nam chủ yếu chỉ miễn thị thực trong 15 ngày cho du khách, ngắn hơn cả thời gian trung bình đi tour du lịch của du khách. Đồng thời, quy định “mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 30 ngày” được xem là một trong những điểm “lạ lùng” và “không giống ai” trong chính sách thị thực của Việt Nam. Điều này, vô hình chung gây ra những quy định khó cho các doanh nghiệp du lịch và gây “nhiêu khê” cho du khách.

Theo chia sẻ của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam: “Thời hạn 15 ngày rất khó thiết kế tour đối với khách chi trả cao, nghỉ dài. Việc không cho phép quay trở lại sau 30 ngày cũng nên hủy bỏ để khuyến khích khách du lịch đi bằng đường hàng không lựa chọn Việt Nam như là một trung tâm trong chuyến đi đến nhiều nước khu vực Đông Dương hoặc Đông Nam Á”.

Các chuyên gia du lịch lại cho rằng: để du lịch cán mốc 18,5 triệu khách quốc tế, doanh thu 20 tỷ USD năm 2019, một trong những giải pháp để tiếp tục thu hút khách du lịch, nhất là khách có khả năng chi tiêu cao là phải cải thiện chính sách visa bao gồm mở rộng diện miễn visa du lịch, visa qua mạng (online), đơn giản hóa thủ tục xin, duyệt cấp visa tại cửa khẩu…

Theo phân tích của ông Lương Hoài Nam, chuyên gia du lịch – hàng không, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch nhận định: “Đối với du khách quốc tế từ các nước phát triển, vấn đề visa không phải ở mức phí vì nó quá nhỏ trong tổng chi phí chuyến đi mà là ở sự nhiêu khê, cảm giác khó chịu nếu phải xin visa, trong khi họ được miễn visa vào nhiều nước khác. Đồng thời, cũng cần kéo dài thời hạn các chương trình miễn visa du lịch hiện đang là từng năm lên mỗi giai đoạn dài 5 năm hoặc tốt hơn nữa là dài 10 năm để các doanh nghiệp hàng không, du lịch yên tâm đầu tư đủ mạnh vào các hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường.

Đồng quan điểm, Trưởng Ban thư ký TAB cho rằng, cần xem xét bổ sung thêm một số nước được miễn thị thực gồm 6 quốc gia là: Úc, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ và Bỉ vì đây là những quốc gia có nhiều du khách đến Việt Nam, có thời gian lưu trú bình quân trên 15 ngày, mức chi tiêu bình quân trên 1.200 USD và có ít có nguy cơ về an ninh. Đến năm 2020, Việt Nam cần mở rộng diện miễn thị thực du lịch tối thiểu cho 60 quốc gia, tập trung vào các nước và vùng lãnh thổ là thị trường nguồn tiềm năng.

Theo giới chuyên gia du lịch, muốn có nhiều khách đến thăm nhà thì nhà mình phải dễ đến, chính sách visa thông thoáng giống như “vũ khí” lợi hại để du lịch Việt Nam có thể thu hút khách và cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.

(Còn nữa)

Nguyễn Nam

 Nguồn: báo dulich. Net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *