Trình tấu Nhã nhạc. Ảnh: DT

13 nhạc công trong 1 giờ 20 phút đã trình tấu và giới thiệu nhiều bài, bản lớn trong hệ thống nhạc cung đình và một số tác phẩm ca Huế tiêu biểu. Điểm đặc biệt, và cũng là điểm gây ngạc nhiên thích thú lớn cho khán giả Pháp, là giữa một sân khấu rộng, vốn chỉ dành cho các dàn giao hưởng lớn biểu diễn, những nghệ sĩ Việt Nam nhỏ bé, ít ỏi, cùng với những nhạc cụ mỏng manh đã chững chạc, đường hoàng trình tấu, làm lay động lòng người.

Sau mỗi tiết mục là những tràng vỗ tay vang lên không dứt. Nhiều tiết mục phải tái diễn 2, 3 lần mà người nghe vẫn chưa thỏa mãn. Sau đó là những gặp gỡ, tìm xem, tìm mua những nhạc cụ, những băng đĩa nhạc đã thu hút cảm quan âm nhạc sành điệu của họ. CD Nhã nhạc và ca Huế thu âm trong đợt lưu diễn này được phát hành tại Pháp và sau đó được xếp là 1 trong 10 đĩa CD hay nhất trong năm 1996, và tiếp tục được nhân bản năm sau.

Sự xuất hiện sang trọng của Nhã nhạc Huế ở Pháp và châu Âu là kết quả từ tấm lòng và công sức của Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết với sự hỗ trợ của GS. Trần Văn Khê. Kể từ năm 1970, khi GS. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba dẫn đầu đoàn nghệ thuật truyền thống Huế gồm Nghệ nhân Trần Kích và các nghệ sĩ đoàn Ba vũ (tiền thân Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế), tham gia biểu diễn thành công âm nhạc và múa cung đình trên sân khấu lớn của Expo quốc tế Osaka (Nhật Bản); phải 25 năm sau, Nhã nhạc và âm nhạc Huế mới được vang lên trịnh trọng trong sự ngưỡng mộ và ngạc nhiên đến kỳ thú của người nghe sành nhạc Âu châu. Không thể có sự kiện đặc biệt này nếu không có sự chăm lo lặng lẽ của Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, Nghệ sĩ Trần Kích và các nghệ sĩ nhóm Phú Xuân, với tất cả tấm lòng vì quê hương.

Những năm sau đó, với những nỗ lực không mệt mỏi của Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết, nhóm Phú Xuân đã liên tục giới thiệu Nhã nhạc và ca Huế ở Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ, Áo, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Những chuyến lưu diễn sau đó khắp Pháp, Bỉ, Hà Lan, Anh, Nhật, Thụy Sĩ…, nhóm Ca Trù Thái Hà của gia đình Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi đã cùng đi và diễn với nhóm Phú Xuân Huế. Không mấy ai biết được những cống hiến âm thầm ấy của NS. Tôn Thất Tiết với 2 di sản âm nhạc mà sau này đều là kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại (sau Nhã nhạc Cung đình Huế năm 2003, lúc 14 giờ 45 ngày 1/10/2009, tại Abu Dhabi, ca Trù đã được UNESCO công nhận là một trong 12 di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp).

Cũng có thể nói, thời điểm những năm cuối thế kỷ 20 ấy, những đoàn nghệ thuật truyền thống Huế chưa hề có điều kiện giao lưu và có mặt ở các sân khấu lớn của châu Âu. Tôn Thất Tiết đã làm cho “Ensemble Phú Xuân” được nhiều nơi biết đến cùng với nhạc cung đình Việt Nam. Trung tâm Giao lưu văn hóa Rasa (Hà Lan) viết trong thư mời Phú Xuân sang biểu diễn tại Hà Lan: “Sau khi nghe đĩa thu âm cho bộ sưu tập chưa xuất bản của Nhà Văn hóa thế giới tại Paris, chúng tôi đã xúc động và bị thu hút bởi tài nghệ của các ông. Chúng tôi muốn giới thiệu loại nhạc này cho dân chúng Hà Lan vì đây là loại nhạc mà người dân đất nước chúng tôi chưa từng biết đến”. GS. Trần Văn Khê khi xem Nghệ nhân Trần Kích biểu diễn tại Paris – Pháp đã xúc động nói: “Tôi đã đi nhiều nơi, đã xem nhiều nghệ sĩ biểu diễn nhưng cái thần, cái hồn của các nhạc cụ như: Đàn nhị, sáo, kèn, đàn nguyệt, đàn bầu… khi được anh biểu diễn thì nó như được nâng lên một tầm cao mới của nghệ thuật và tất cả âm thanh ấy không thể lẫn vào đâu được”.

“Tuyệt vời và đầy ấn tượng…” – đấy là nhận xét của đông đảo khán giả khi xem nhóm “Phú Xuân” biểu diễn ở các nhà hát lớn Paris, Poitiers, Angoulême, La Rochelle, Chartres, Lyon (Pháp), Tokyo (Nhật), Gyonju (Hàn Quốc) những năm 1995 đến 2002.

Hầu như tất cả những chuyến đi này đều một mình Tôn Thất Tiết lo toan. Ông quan tâm tới từng thủ tục cấp phép, vất vả không một lời kể lể, ngược xuôi tìm nguồn tài trợ, tìm những nhà hát sang trọng để hợp đồng biểu diễn, cẩn thận trong từng bài giới thiệu trên các tập giới thiệu chương trình của các nhà hát hàng năm cho Nhóm Phú Xuân Huế. Ông cũng cặm cụi tính toán chi ly ăn ở đâu, ngủ ở đâu, đi tàu điện hay ô tô, chi tiêu hạch toán tiện ích và hiệu quả nhất, làm sao để khi trở về Huế, các nghệ nhân có điều kiện bồi bổ sức khỏe, có thêm thu nhập để cuộc sống đỡ kham khổ, có thêm thời gian rèn luyện, trau chuốt ngón đàn điêu luyện hơn, để Nhã nhạc Huế tiếp tục sống mãi với thời gian.

Các nhà nghiên cứu âm nhạc theo phương pháp đối chiếu rất thích thú khi thấy rằng, trong các loại nhạc cung đình châu Á, trước kia chỉ biết Ya Yue (Trung quốc), Gagaku (Nhật Bản), Tang Ak Hyang Ak (Triều Tiên) nay biết thêm Đại nhạc Nhã nhạc Việt Nam, có đĩa hát băng từ ghi âm ghi hình để so sánh các loại nhạc ấy về hình thức và nội dung. GS. Võ Quang Yến, một người Huế sống tại Pháp cũng viết: “Nước Pháp mùa xuân năm nay (2002 – người viết ghi chú) hân hoan tổ chức “Những ngày nhạc Việt Nam”. Hai đoàn Phú Xuân (Nhạc Cung đình và ca Huế) và Thái Hà (ca Trù) được mời qua trình diễn từ 10 đến 17 tháng 5 năm 2002… Những bài Tam luân cửu chuyển, Thập thủ liên hoàn, Phụng vũ, Mã vũ, Tẩu mã, Song tấu, Bông, Man,… buổi trình diễn ca Huế và ca Trù có bán vé tại Amphithéâtre du Musée thì phòng nhạc chật cứng thính giả”…

Nguyễn Duy Hiền
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online “