Với du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, những người dân tham gia phục vụ du khách cũng là sản phẩm hấp dẫn.
Người dân ở các làng nghề cũng là “sản phẩm” hút khách
“Sản phẩm” độc đáo
Nghe tiếng khách nói vọng từ ngoài đường làng, ông Lê Trọng Đào (chủ một nhà rường ở Phước Tích) vội vào nhà thay bộ áo sơ mi, quần tây tươm tất, lịch sự. Vừa rót trà mời khách, ông bắt đầu giới thiệu về nguồn gốc ngôi nhà đã tồn tại được hơn 4 thế hệ, những chi tiết quan trọng làm nên thương hiệu của ngôi nhà rường nơi đây. Giọng nói trầm, điềm tĩnh của ông Đào khiến hơn mười du khách chăm chú lắng nghe.
Ông cũng không quên mời du khách món mứt gừng do tự tay vợ mình chế biến. Ông Lê Trọng Đào chia sẻ, trước đây, khi Phước Tích mới bắt đầu đón khách du lịch, ông là một trong những người tham gia hướng dẫn khách. Là người địa phương, sinh sống từ nhỏ nên ông hiểu từng chi tiết của ngôi làng được bao bọc bởi dòng Ô Lâu hiền hòa. Lúc nào cũng thế, ông luôn chu đáo trong đón tiếp, nở nụ cười thân thiện và ân cần giải đáp những thắc mắc của khách. Khi tiễn khách, gia chủ luôn ra cổng để chào tạm biệt.
Rời Phước Tích để đến đệm bàng Phò Trạch, đoàn khách vào tham quan cơ sở sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Viết Nam. Nhìn những chiếc giỏ, túi xách bắt mắt, nhiều kiểu dáng, nếu không có sự giới thiệu của nghệ nhân thì du khách sẽ rất khó biết từ cây đệm bàng có thể tạo ra những sản phẩm đa dạng như thế. Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phong Điền, hiện nay ở Phò Trạch, nghệ nhân Nguyễn Viết Nam là một trong ít người còn giữ “ngọn lửa” đam mê với nghề và sáng tạo được những sản phẩm độc đáo, tinh tế như thế.
Bà Dương Thị Công Lý, Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Hà Nội – Chi nhánh Huế đánh giá, chính những người giữ nghề và hướng dẫn viên địa phương giúp tăng sức hút cho những điểm du lịch cộng đồng, làng nghề. Du lịch cộng đồng được thêm “màu sắc” bởi những con người mộc mạc, chất phác. Khi du khách đến tham quan còn để xem đời sống của người dân như thế nào, cách sinh hoạt, đó là lý do mà du khách thích ngủ tại nhà dân bằng dịch vụ homestay.
Bà Dương Thị Công Lý dẫn chứng, khi về với cầu ngói Thanh Toàn, ngoài tham quan cầu ngói, nhà nông cụ, trải nghiệm nghề làm nông… những người như mệ Hấu, thao diễn lại nghề nông, lưu giữ những điệu hò giã gạo; hay mệ Diều, người xem chỉ tay bằng tiếng Anh khiến bao du khách thích thú… làm cho cầu ngói Thanh Toàn thêm phần hấp dẫn.
Thêm kỹ năng
Lãnh đạo ngành du lịch cho rằng, văn hóa, tính cách con người là điểm độc đáo của Huế. Lâu nay, Huế luôn được biết đến là điểm đến thân thiện và mến khách. Có được thương hiệu đó là nhờ mỗi một người Huế luôn gần gũi và nhiệt tình với du khách. “Định hướng của ngành là sẽ tăng cường quảng bá hình ảnh con người Huế, xem đây là một sản phẩm quan trọng trong chiến lược phát triển”, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch khẳng định.
Bà Dương Thị Công Lý chia sẻ, không dễ để có những điểm đến với những người dân chân chất như ở Huế. Chẳng hạn như ở Phước Tích, điểm đến với những người văn hóa, họ có tri thức cao, biết làm thế nào để làm hài lòng khách. Không những thế, tham gia hướng dẫn khách còn là cách để lưu giữ truyền thống, phát huy giá trị của Phước Tích. Tuy nhiên, điều lo lắng là ở Phước Tích chỉ có người lớn tuổi, thiếu thế hệ kế cận. Do đó, Phước Tích cần chuẩn bị về nhân lực từ bây giờ. Về mặt lâu dài, tạo nguồn thu nhập ổn định từ du lịch mới tạo động lực để các thế hệ trẻ tham gia.
Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết, qua chuyến khảo sát của ngành ở một số điểm du lịch cộng đồng, làng nghề trong tỉnh gần đây có thể nhận thấy, chính người dân sẽ quyết định sự thành công của các điểm. Ngoài sự kết nối, quảng bá sản phẩm, việc nâng cao kỹ năng phục vụ du khách là rất cần thiết. Thêm kỹ năng, cộng với những am hiểu về điểm đến, sự thân thiết, chu đáo của người dân sẽ giúp du lịch cộng đồng, làng nghề thêm điều kiện phát triển.
Theo Sở Du lịch, nhận thấy du lịch cộng đồng đòi hỏi kỹ năng của người dân, thời gian qua ngành đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân ở huyện Phú Lộc, Quảng Điền, TP. Huế… Điều này giúp nâng chuẩn dịch vụ, phục vụ du khách tốt hơn.
Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho rằng, Huế cần có kế hoạch để giữ gìn vốn sống, nét văn hóa đặc trưng của con người Huế. Trước sự phát triển của xã hội, con người, văn hóa sẽ dần thay đổi và đó là điều tất yếu nhưng những vốn quý, truyền thống văn hóa Huế cần được duy trì, phát huy vì đó là sức hút riêng cho Huế.
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn: Báo TT Huế