Nghệ thuật nề đắp nổi tại lăng Thoại Thánh – Huế

TTH – Nghệ thuật trang trí thời Nguyễn với những giá trị đặc trưng chứa đựng những ý nghĩa tạo hình độc đáo, đặc sắc với chiều sâu tâm linh, nhân văn lắng đọng. Bên cạnh nhiều di tích lăng vua, cung điện danh tiếng còn có một số lăng các bà hoàng ít được biết đến. Một trong những di tích có giá trị đó là lăng Thoại Thánh, một trong những lăng các bà hoàng đã từng có nguy cơ là phế tích và hiện đang được trùng tu, tôn tạo. Nơi đây còn đọng lại nhiều hoa văn trang trí có giá trị mỹ thuật cao, trong đó hoa văn trang trí nề đắp nổi rất đặc sắc và phổ biến.

Hình rồng được trang trí nề đắp nổi tại lăng Thoại Thánh

Lăng Thoại Thánh thuộc quần thể không gian di tích Thiên Thọ lăng rộng lớn nằm ở ven sông Tả Trạch, cách trung tâm TP. Huế khoảng 16km. Đây là lăng của bà Nguyễn Thị Hoàn (mẹ vua Gia Long), người làng Minh Linh, tỉnh Thừa Thiên. Sau khi lên ngôi, Gia Long tôn bà làm Hoàng thái hậu và trở thành Hoàng thái hậu đầu tiên của nhà Nguyễn. Năm 1811 bà qua đời, thọ 74 tuổi. Lăng Thoại Thánh có hai lớp tường thành bao bọc ngôi mộ với kiểu thức nhà đá cổ (trúc cách cổ lâu). Phía trước vòng bửu thành là sân bái đình tả hữu có lan can xây bằng gạch, phía trước sân bái đình có hồ vuông và bên kia hồ là hai trụ biểu uy nghi ẩn hiện trong rừng thông già.

Nghệ thuật trang trí nề đắp nổi là một trong những thể loại – chất liệu tạo hình có sự giao hòa giữa cung đình với nghề nề từ dân gian. Điều đó lý giải và phản ánh về sức sống của một chất liệu đặc sắc, nó chỉ tồn tại khi tạo được sự hài hòa thẩm mỹ, tiện lợi và có giá trị.  Nề vữa trang trí tạo hình là chất liệu được chế tác từ các chất liệu sử dụng trong trang trí kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Chúng phải đảm bảo các yêu cầu chung đặc thù về chất lượng, được chế tác với các hợp chất khác nhau để đảm bảo tính thẩm mỹ và phù hợp kỹ năng trang trí tạo hình nề đắp nổi. Trong hồ vữa nề có khá nhiều chất phụ gia nhằm để kéo dài thời gian ninh kết ban đầu của vữa và làm cho nước bốc hơi từ từ tránh hiện tượng nứt nẻ lớn. Vữa nề cổ có một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra cái đẹp của hình trang trí trên công trình kiến trúc, trên các di tích thời Nguyễn. Lăng Thoại Thánh là một trong những lăng vẫn còn nhiều hoa văn trang trí nề đắp nổi rất đặc sắc. Trong đó có lưu lại những đặc điểm chất liệu nề đắp nổi thời kỳ đầu nhà Nguyễn, cùng những bút pháp trang trí, phong cách, kỹ thuật tạo hình truyền thống đã tạo nên những khác biệt trong nghệ thuật của lăng. Mỗi khuôn hình đắp nổi và hoa văn trang trí nề ở đây đều có nhiều giá trị tạo hình, thẩm mỹ độc đáo. Do gắn liền với thẩm mỹ và yêu cầu trang trí cung đình nên đề tài trong nghệ thuật nề họa ở lăng Thoại Thánh cũng tuân thủ những nguyên tắc chung của triều đình về tính biểu tượng và ý nghĩa nhận diện, thể hiện địa vị gia thế của chủ nhân. Mỗi một đề tài qua chất liệu nghệ thuật trang trí nề đắp nổi đã mang một tinh thần mới với những biểu hiện vừa nghiêm ngặt ở nội dung vừa phóng khoáng ở kỹ thuật biểu đạt mang đậm hơi thở của đời sống dân gian.

Di tích lăng Thoại Thánh

Đề tài con rồng chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng, chủ đạo trong nghệ thuật trang trí nề đắp nổi trang trí kiến trúc lăng Thoại Thánh với nhiều ý nghĩa tinh thần lớn lao. Thông thường rồng 5 móng là biểu hiện trực tiếp cho vua, nhưng ở trang trí kiến trúc một số lăng của các bà hoàng ở Huế, cũng trang trí rồng 5 móng như lăng Thuận Thiên Cao hoàng hậu (mẹ vua Minh Mạng), lăng Hiếu Đông (vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị), lăng Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị, mẹ vua Tự Đức) đều có rồng 5 móng. Ở lăng Thoại Thánh, ở chất liệu trang trí nề đắp nổi xuất hiện rồng 5 móng với vân sóng, tinh tú vũ trụ khá nhiều và khắp nơi như các bậc thềm sân chầu, rồng chầu 2 bên cổng bửu thành, trên bình phong tiền và hậu của huyền cung, các ô hộc trong bửu thành… Điều này cũng giống như một số lăng bà hoàng khác sau này thể hiện sự tôn vinh và kính nghĩa đối với bậc sinh thành của các vua con đối với mẹ. Đồng thời, đó cũng là sự ghi công đức của triều đình đối với những bà hoàng có công với việc giữ xã tắc, xây dựng và ổn định việc điều hành nội cung, góp sức yên dân, được người dân và triều đình kính trọng, noi gương và ca ngợi trong Đại Nam liệt truyện. Ở lăng Thoại Thánh còn có thể thấy kiểu thức long vân mang tính phổ biến hơn cả và chiếm vị trí chủ đạo trong trang trí nề đắp tại đây. Thông thường kiểu thức long vân thường xuất hiện ở những công trình quan trọng, chúng ngự trị giữa các đỉnh mái, tạo nên sự uy nghi cho kiến trúc, bởi vì bản thân rồng là điểm hội tụ của nhiều ý nghĩa về vũ trụ và nhân sinh.

Linh thú thứ hai trong bộ đề tài tứ linh là con lân, một linh thú được hình thành từ tư duy liên tưởng từ các truyền thuyết, điển tích phương Đông về một linh thú có bốn chân hàm chứa nhiều biểu tượng rút ra từ nhiều con thú nuôi, người dân thường coi hình tượng lân là biểu tượng của niên đại thái bình. Tại lăng Thoại Thánh, hình tượng lân trong ô hộc cổng bửu thành hay bình phong hậu trông hiền lành thanh nhã và khác rất nhiều với những hình tượng lân ở trang trí tại Đại Nội. Một kiểu thức biến thể của con lân phổ biến và điển hình trong chất liệu nghệ thuật nề là kiểu thức Long Mã có mặt trên bình phong và nề đắp với những mảng trang trí chi tiết tạo ra cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng bay bổng.

Trong trang trí nề đắp nổi tại lăng Thoại Thánh còn xuất hiện khá nhiều các hoa văn tứ thời. Chúng không nằm riêng lẻ mà thường là một thành tố của bộ phận nền trang trí nào đó. Tuy nhiên, với sự tinh xảo của nghệ thuật diễn tả trang trí đắp nổi làm cho các hình tượng tứ thời được thể hiện rất sống động và rất hòa nhập với muông thú, tạo ra một sự kết hợp nhiều kiểu thức mang những ý nghĩa biểu hiện sinh động cho hình trang trí. Kiểu thức tùng lộc (cây tùng – con hươu) xuất hiện biến hóa trong các ô hộc trụ cổng và bình phong hậu của lăng Thoại Thánh là sự biểu hiện cho sức mạnh, tượng trưng cho sự chịu đựng, sự bất diệt và khí phách con người. Kiểu thức tùng lộc tạo nên diện mạo của một hệ thống trang trí tứ thời với những đặc trưng biểu cảm độc đáo đã góp phần làm cho trang trí ở lăng Thoại Thánh có được những dấu ấn, phong cách thể hiện đặc sắc. Qua đó cho thấy nhiều khi những kiểu thức tùng lộc khác nhau lại xuất phát từ việc được cách điệu cao và kết tinh trong một vài kiểu mẫu của chúng.

Dưới ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, đề tài trang trí thời Nguyễn luôn xác định một cách rất nguyên tắc, đặc biệt là đối với một số công trình kiến trúc quan trọng. Tại lăng Thoại Thánh, tính triết lý – tượng trưng với những nguyên tắc tạo hình chặt chẽ được thể hiện qua một số vật trong bộ đề tài bát bửu (tám vật quý), có những chuyển đổi tạo hình và sự kết hợp tượng trưng khác nhau trong các ô hộc. Có thể kể tên một số vật thường gặp như hình trái bầu thắt với ý nghĩa là bầu thái cực tượng trưng cho âm dương và khí chất vũ trụ. Chiếc quạt – tượng trưng cho phong thái sống quý phái giàu sang và lối ứng xử, giao tiếp tinh tế của quý tộc. Bút nghiên – tượng trưng cho sự học hành, đỗ đạt cao, thông thái. Đôi ống sáo – (hoặc đàn tỳ bà, tù và, đàn nguyệt…) tượng trưng cho sự am tường nghệ thuật, cuộc sống tao nhã, phong lưu của giới văn nhân và quý tộc.

Mô típ mặt trời, mặt trăng và mây sóng, tinh tú xuất hiện khá đậm nét ở lăng Thoại Thánh với những hình sóng lửa vũ trụ xuất hiện khá nhiều trong trang trí nề đắp nổi. Nghệ nhân xưa đã sáng tạo, tiếp thu và sử dụng nhiều mô típ trang trí có ý nghĩa và biểu tượng triết lý vũ trụ nhân sinh sâu sắc với rất nhiều lớp nghĩa phong phú. Không những vậy, họ còn có thể vừa đắp nề, tạo hình dáng vật hoa văn trang trí, vừa khảm ghép thêm mảnh sành sứ tô điểm nhấn mạnh thêm vẻ đẹp của hoa văn trang trí. Hình ảnh Thái cực được thể hiện trên các ô hộc bình phong và diễn tả bằng biểu tượng dưới dạng một hình tròn, ở giữa có đường lượn hình dải hoa dây. Cùng với hình rồng đắp nổi, các hoa văn mây lửa tinh tú còn là biểu tượng của tinh thần tâm linh, sức mạnh tự nhiên huyền bí và quyền năng. Mây lửa và tia chớp được thể hiện bằng vân xoáy tròn với đao mây nhọn là những mô típ trang trí không chỉ tuyệt đẹp mà còn rất giàu ý nghĩa sinh tồn, triết lý vũ trụ vạn vật hữu sinh trong nghệ thuật trang trí nề đắp nổi tại lăng Thoại Thánh.

Điều may mắn là, đến nay vẫn còn lưu giữ lại ở lăng Thoại Thánh những tác phẩm trang trí nề đắp nổi của thời kỳ phát triển rực rỡ của chất liệu – kỹ thuật này. Mặt khác, nghệ thuật trang trí nề đắp nổi không bị mai một, mờ nhạt đi như một số chất liệu khác do yêu cầu trùng tu di tích vẫn rất lớn và nhu cầu nghệ thuật trang trí trong dân gian vẫn còn. Điều đó cũng đặt ra những yêu cầu bảo tồn cao hơn, thực tế và có tính khả thi nhằm phát huy những thuộc tính ưu việt của mỹ thuật truyền thống trong đời sống thẩm mỹ đương đại. Trong đời sống thẩm mỹ đương đại, nhu cầu phục chế các công trình kiến trúc cung đình nhà Nguyễn nói chung với tư cách là di sản văn hóa thế giới, có nhu cầu thực tế khá cao và với lăng Thoại Thánh cũng vậy, cần chú ý tính đặc biệt của một công trình lăng tẩm, nơi thờ cúng và thể hiện sự ngưỡng vọng sâu đậm tổ tiên và dòng tộc Nguyễn. Nghệ thuật nề đắp nổi tại lăng Thoại Thánh phản ánh những giá trị văn hóa, giá trị truyền thống sinh động của bản sắc mỹ thuật thời Nguyễn. Chúng có giá trị và được phát huy thực sự nếu tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, khi tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm văn hóa Huế ở đây.

Phan Thanh Bình

Trường đại học Nghệ thuật Huế

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *