Nghệ thuật diều cố đô Huế

Chỉ cách trung tâm thành phố Huế khoảng 500 mét, bạn dễ dàng thực hiện một chuyến picnic cuối tuần tại sân Kỳ Đài – Ngọ Môn. Thật thú vị cho một chiều cuối tuần thảnh thơi; khung cảnh yên bình, cỏ cây xanh ngắt, dòng Hương thăm thẳm lững lờ. Trên không những cánh diều đủ màu sắc lấp lóa trong ánh hoàng hôn buông lơi. Con trẻ hồn nhiên chạy nhảy và mở to đôi mắt dõi theo những cánh diều uyển chuyển lượn lờ.

Đa dạng diều Huế muôn màu muôn vẻ trước khi bay biểu diễn

Diều – “thú chơi đài các”
Khi những ngày nắng ấm bắt đầu, phố phường vẫn còn âm hưởng của mùa Xuân chưa qua hết, tôi đến thắp hương cho cố nghệ nhân Diều Huế Nguyễn Văn Bê. Sinh thời, anh Nguyễn Hùng (đã mất), con trai cả của nghệ nhân làm phát thanh viên ở Đài PT-TH Thừa Thiên – Huế là bạn tâm đắc của tôi. Trên cả nước, không đâu, lại mê thả diều như ở Huế. Muốn biết họ mê diều cỡ nào, khách cứ việc thả bộ ra trước sân Kỳ Đài – Ngọ Môn mà xem. Chỉ trừ mùa mưa, còn tất cả các ngày trong tuần, mỗi khi chiều xuống, người lớn, trẻ em đông nghịt như đi xem bóng đá.
Có thể nói, ông Nguyễn Văn Bê, nghệ nhân Diều Huế đã có công đầu trong việc giữ gìn và giới thiệu nghệ thuật chơi diều với công chúng trong và ngoài nước. Ngược dòng thời gian, trước 1945, theo ý muốn của vua Bảo Đại, Phủ Doãn Thừa Thiên thường xuyên tổ chức thi thả diều nghệ thuật; từ đó xuất hiện những tên tuổi lớn như cụ Nguyễn Văn Bân, Đoàn Chước, Trần Văn Đông, Ưng Sừng, Ông Hạng (con trai Ông Ích Khiêm); họ là những tay chơi diều thuộc hàng “quý tộc”.

Diều rồng dài đến 60 mét trưng bày tại Festival Làng nghề Huế 2017

Sau thời gian gián đoạn vì chiến tranh, năm 1973, ở Huế xuất hiện trở lại hội chơi diều tên là Cầu Phong (sau đổi thành Thừa Phong), vỏn vẹn 10 thành viên, chỉ tồn tại được 2 năm. Sau 1975, được ông nhạc sĩ Trần Hoàng, cựu Trưởng Ty Văn hóa Thông tin Thừa Thiên – Huế khuyến khích, các nghệ nhân diều Huế mới họp nhau lại để ra mắt CLB Diều Huế, đề cử nghệ nhân Nguyễn Văn Bê làm chủ nhiệm. Sau Festival Làng nghề Huế đầu tiên năm 2007, CLB Diều có quy mô tổ chức khoa học hơn; như CLB Diều Anh Vũ, một doanh nghiệp vừa sản xuất vừa kinh doanh diều, nhiều mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý. Song mua được con diều vừa ý rồi khách muốn thả diều chơi cũng đòi hỏi phải am hiểu kỹ thuật. Vậy thì học ở đâu? Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng: “Muốn thả và điều khiển một con diều rồng dài đến 60 mét không đơn giản; cần đến 3 thanh niên khỏe mạnh và am hiểu kỹ thuật; vả lại diều Huế đa số có hình dáng cầu kỳ phức tạp đâu dễ thả diều bay lên”.
Theo truyền thống “bất thành văn”, trong các lễ hội thả Diều Huế, những người trẻ bao giờ cũng được ưu tiên thả trước; sau đó mới đến phần biểu diễn của nghệ nhân cao tuổi; điều này nói lên ước muốn trao truyền niềm đam mê chơi diều cho thế hệ sau. Sân Kỳ Đài trước Ngọ Môn (Thành nội) là điểm đến của những người yêu thích thả diều, xem diều. Trước năm 1945, nơi đây chỉ dành cho vua và hoàng gia đến thả diều; còn bây giờ là địa điểm lý tưởng để các thành viên trong gia đình bạn “đổi gió” sau một tuần làm việc căng thẳng; để hòa mình với thiên nhiên và bay bổng cùng những cánh diều no gió. Theo nghệ nhân Anh Vũ: “Khi di chuyển đến nơi thả diều, con diều được tháo gỡ từng chi tiết; công việc này khá quan trọng; phải do chủ nhân làm; nếu không cẩn thận sẽ khó lắp ráp hoặc sai số diều không bay được”.

Nghệ nhân sáng tác con diều rồng độc đáo có một không hai

 Nghệ thuật và cuộc sống
Từ sau thành công vang dội ở các Hội thi Diều tại Pháp, Thái Lan, Thượng Hải; các nghệ nhân CLB Diều Huế được nhiều nước như Pháp, Thái Lan, Miến Điện mời sang dạy cách làm diều và thả diều. Giỏi nghề như thế nhưng họ phải tự thân lo liệu cuộc sống, vì không ai có thể sống bằng thú chơi diều nghệ thuật. Không tác phẩm nào giống nhau, diều Huế thuộc hàng sản phẩm chế tác “độc bản”, phải làm công phu, nhiều ngày nên không thể bán rẻ mạt như diều “chợ”; thấp nhất cũng vài triệu đồng; rất kén người mua. Nhìn vào bản sắc thì Bắc bộ đặc trưng với cây diều sáo; diều Nam bộ kiểu dáng, màu sắc đa dạng, phóng khoáng; riêng diều Huế chọn gam màu ngũ sắc “cung đình” cổ điển. Theo cố nghệ nhân Nguyễn Văn Bê cho biết: “Đặc trưng diều Huế là kết hợp kỹ thuật làm diều dân gian VN với các mẫu diều Trung Hoa; nhưng có những đường nét riêng, phong cách riêng”. Đa số diều Huế lấy hình dáng của loài chim, bướm, công, phượng hay rồng để sáng tác; hoặc dựa theo các tuồng tích cổ như “cá hóa rồng”, “lưỡng long tranh châu”, “phượng hoàng triển xí”, “mãnh long quá giang”…

Bãi thả diều Kỳ Đài vốn đã có từ thời nhà Nguyễn (trước 1945)

Về kỹ thuật, thì nghệ nhân Nguyễn Đăng Hoàng cho biết: “Muốn làm một con diều Huế phải trải qua nhiều công đoạn, chọn rồi vót tre; sau đó bọc vải lên khung; cuối cùng là vẽ. Khâu khó nhất là tạo khung; còn khi trình diễn thì giá trị mỹ thuật của con diều rất quan trọng”. Xét cho cùng, Diều Huế là một bộ môn nghệ thuật gần giống với hội họa hay nhiếp ảnh; nên mãi mãi là một thú chơi “tao nhã”. Sự tinh xảo trong nghệ thuật Diều Huế trải qua hơn 2 thế kỷ nay đã được công nhận qua các kỳ thi thả diều quốc tế; nhưng vấn đề bảo tồn và truyền nghề đang gặp khó khăn, nếu không được sự quan tâm của các ban ngành chức năng và hỗ trợ từ các tổ chức xã hội.

Vũ Hào

Nguồn: Báo dulich. Net.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *