Nâng chuẩn chất lượng bằng hạng sao

Thống kê từ Sở Du lịch, toàn tỉnh hiện có 421 khách sạn, nhưng chỉ 44 khách sạn được xếp hạng sao theo đúng quy định.

Một điểm đến chất lượng là có nhiều cơ sở, dịch vụ đạt chuẩn

Chưa quan tâm đến hạng sao

Trong khi các khách sạn cao sao rất quan tâm đến xếp hạng sao thì ngược lại các khách sạn nhỏ lại không quan tâm mấy đến vấn đề này. Trong 44 khách sạn được xếp hạng sao, chủ yếu là các khách sạn 3-5 sao (26 khách sạn).

Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh phân tích, đây là tình trạng chung của nhiều điểm đến, chứ không riêng ở Huế. Khách sạn lớn thường hoạt động theo chuỗi quản lý, dùng hạng sao để định vị thương hiệu, chất lượng dịch vụ nên sẽ không khó hiểu khi các khách sạn lớn sẽ chủ động đầu tư, nâng cấp, sửa chữa để được xếp hạng sao. Ngược lại, với các khách sạn nhỏ, thị trường khách chỉ một ngách nhỏ nào đó, việc đăng ký sao không quyết định việc định vị thị trường, xác định giá bán. Nên việc có sao hạng hay không lại không còn quan trọng, trừ các khách sạn có vốn cổ phần Nhà nước.

Theo bà Vy, thực tế vẫn có một số khách sạn nhỏ muốn xếp hạng sao để tăng khả năng thu hút khách, song với những khách sạn nhỏ khi chiếu theo các quy chuẩn xếp hạng sao hiện hành lại khó được công nhận, do trước đó chủ đầu tư chưa có những nghiên cứu, xây dựng đảm bảo diện tích, mật độ, các dịch vụ kèm theo… Cũng phải nói thêm, dịch bệnh kéo dài 2 năm qua, khiến nhiều khách sạn xuống cấp, hư hỏng, việc công nhận hạng sao giai đoạn này vì thế mà gặp khó khăn hơn.

Xếp hạng sao là cơ sở để xác định chất lượng của mỗi khách sạn

Một khách sạn ở đường Võ Thị Sáu cho biết, nếu đăng ký xếp hạng khách sạn đủ điều kiện để công nhận 1 sao, nhưng với giá dịch vụ lưu trú 1-2 sao ở Huế chỉ ngang với homestay, khách sạn không công nhận hạng sao. Do đó, việc công nhận sao không giúp giải quyết về giá dịch vụ, mà đôi khi lại bị ràng buộc một số quy định khi công nhận sao.

Theo Luật Du lịch năm 2017, các tổ chức và cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch được tự nguyện đăng ký xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Nghĩa là, việc đăng ký xếp hạng sao hiện nay là không bắt buộc, nhưng không được tự phong sao cho khách sạn. Do đó, con số khách sạn được xếp hạng sao ít so với tổng số khách sạn hiện nay và giảm đáng kể so với thời điểm luật mới được áp dụng.

Luật đã quy định rõ, tuyệt đối không dùng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo bán dịch vụ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Tuy nhiên, khi truy cập vào các trang đặt phòng trực tuyến, rất nhiều khách sạn được giới thiệu 1-2 sao, nhưng thực tế chưa được công nhận. Hay một khách sạn khá lớn ở đường Lý Thường Kiệt, TP. Huế, quảng bá là 3 sao, nhưng thực tế chưa được xếp hạng. Điều này thiếu tính công bằng đối với các khách sạn đầu tư bài bản để được công nhận sao. Vì thế cần được chấn chỉnh và có chế tài đối với những khách sạn cố tình vi phạm.

Nâng chuẩn

Một điều cần được nhìn nhận là, xu hướng phát triển du lịch là nhu cầu sử dụng dịch vụ lưu trú đang ngày càng tăng, yêu cầu về chất lượng dịch vụ sẽ ngày càng cao. Việc đăng ký sao hạng sẽ nâng giá trị cạnh tranh của cơ sở lưu trú, mở rộng ra là nâng cao cạnh tranh cho cả điểm đến.

Cũng phải nhấn mạnh thêm, khi các khách sạn được xếp hạng sẽ giúp cho khách hàng dễ dàng hơn trong việc chọn lựa nơi lưu trú. Ngược lại, đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, khi cơ sở lưu trú đã được xếp hạng thì sẽ luôn phải duy trì các tiêu chuẩn để tương ứng với chất lượng đã được xếp hạng. Sự tác động qua lại này là giải pháp quan trọng để điểm đến như Huế tạo ra một thị trường kinh doanh lưu trú lấy chất lượng làm tham chiếu.

Huế đang hướng đến điểm đến chất lượng, tập trung khai thác dòng khách cao cấp, có mức chi tiêu cao. Việc quảng bá điểm đến bằng những thương hiệu đẳng cấp, chất lượng sẽ làm tăng khả năng thu hút khách hàng đến sử dụng dịch vụ. Một điểm đến có nhiều cơ sở được công nhận sao chắc chắn sẽ gây ấn tượng với khách hơn so với điểm đến có ít khách sạn được gắn sao.

Bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy nhấn mạnh, hạng sao là quy chuẩn Quốc gia trong hoạt động lưu trú du lịch, là hệ quy chiếu về chất lượng. Việc có nhiều khách sạn xếp hạng sao sẽ nâng chất lượng chung cho điểm đến và ngược lại. Đây là thước đo chính xác nhất về sự đẳng cấp, sang trọng và chuyên nghiệp của khách sạn. Bởi xếp hạng sao khách sạn càng cao thì tiêu chuẩn đạt được cũng phải càng cao, cơ sở vật chất tại đó sẽ càng sang trọng, chất lượng dịch vụ càng đảm bảo, từ đó giúp định hướng nhóm khách hàng mục tiêu. Vì thế, đối với Huế, đây là điều cần được nhìn nhận, đánh giá và có giải pháp thích hợp nâng số lượng khách sạn được công nhận sao, đó cũng là cách nâng chuẩn chất lượng dịch vụ lưu trú.

“Vấn đề đặt ra là phải tránh được tình trạng tiêu cực, cũng như tạo thuận lợi cho các cơ sở lưu trú thì cần có tiêu chuẩn thống nhất từ khi xây dựng cơ sở lưu trú cho đến khi xếp hạng sao. Đơn cử, nhiều chủ đầu tư khi xây dựng khách sạn chọn những vật liệu khác nhau, diện tích phòng nhỏ để tăng số lượng. Khi tiến hành thẩm định chiếu theo tiêu chuẩn chất lượng lại không được. Vì thế, tăng số lượng. Khi tiến hành thẩm định chiếu theo tiêu chuẩn chất lượng lại không được. Vì thế, tăng số lượng cũng như đảm bảo đúng chất lượng, trước tiên khách sạn phải chủ động tự tìm hiểu kỹ các quy định để xây dựng; cơ quan quản lý có hướng dẫn và giám sát khi xây dựng chặt chẽ hơn”, bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy góp ý.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, quản lý ngành khuyến khích các cơ sở lưu trú chủ động, xây dựng chất lượng bằng hạng sao. Những khách sạn đạt chuẩn sẽ được tạo điều kiện trong quảng bá, xúc tiến thu hút khách của ngành. Đây cũng là giải pháp để giúp Huế thu hút được dòng khách có xu hướng chọn chất lượng, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng khi thích ứng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý các khách sạn chưa được thẩm định mà đã tự gắn sao.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *