Chất lượng dịch vụ là đích đến của mọi điểm đến. Có nhiều “hệ quy chiếu” mà du lịch Cố đô áp dụng; trong đó, có tiêu chuẩn ASEAN.
Những điểm đến chất lượng, được công nhận sẽ giúp tăng thương hiệu cho du lịch Cố đô
Nâng chất lượng theo chuẩn khu vực
Đầu năm 2016, Khối cộng đồng ASEAN đã nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2016 – 2025; trong đó, có nội dung ưu tiên phát triển du lịch xanh và bền vững, hài hòa, thống nhất, có hiệu quả. Để cụ thể hóa nội dung này, các nước thành viên đã thống nhất xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng ASEAN. Đưa ra các yêu cầu cơ bản và khung quy định đối với sản phẩm dịch vụ du lịch và hướng dẫn nâng cao chất lượng ngành du lịch ASEAN, nhằm xây dựng ASEAN thành một điểm đến du lịch có chất lượng cao với tên gọi “Điểm đến chung có chất lượng”.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững, ASEAN cũng đã tổ chức Giải thưởng Du lịch ASEAN từ thời điểm đó. Đây là giải thưởng danh giá dành cho các đơn vị tiêu biểu, áp dụng tốt các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn ASEAN. Những đơn vị được nhận giải thưởng sẽ được đánh giá cao trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, là cơ hội để các đơn vị quảng bá thương hiệu địa phương, thương hiệu doanh nghiệp; đồng thời, khẳng định chất lượng chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường và mang đến lợi ích cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trong những năm qua, Sở Du lịch đã vận động và hướng dẫn cho hàng chục đơn vị, điểm đến trong tỉnh lập và gửi hồ sơ đăng ký một số mục giải thưởng và đã giành được khá nhiều mục giải thưởng. Có thể kể đến, giải thưởng “Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN – Du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn; giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN – Khách sạn nghỉ dưỡng Làng Hành Hương; giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN – TP. Huế; giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN – Khách sạn nghỉ dưỡng Vedana Lagoon Resort & Spa; giải thưởng địa điểm tổ chức MICE ASEAN – Khách sạn Silk Path Huế; giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững ASEAN với sản phẩm tham quan TP. Huế – 1 điểm đến 5 di sản.
Đại diện Khách sạn Silk Path Huế cho rằng, mỗi cuộc thi ra đời đều có những mặc tích cực riêng. Như khách sạn đạt được giải ASEAN thì thương hiệu được xây dựng tốt hơn; qua đó được tin tưởng của nhiều khách hàng đến để tổ chức các chương trình du lịch theo hội nghị, hội thảo. Đây cũng là động lực để khách sạn duy trì và xây dựng thêm các dịch vụ mới để nâng chất lượng dịch vụ.
Theo Giám đốc Sở Du lịch, đối với những đơn vị, doanh nghiệp, sản phẩm đạt giải là một bước tiến trong khẳng định chất lượng dịch vụ của mình. Quan trọng hơn là góp phần nâng chất lượng chung cho ngành du lịch Cố đô.
Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, việc rà soát và triển khai áp dụng tiêu chuẩn Du lịch ASEAN sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý ngang tầm với khu vực và quốc tế. Qua đó khẳng định thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Đây là yêu cầu liên tục đối với ngành du lịch cả nước và riêng Thừa Thiên Huế.
Những điểm đến chất lượng, được công nhận sẽ giúp tăng thương hiệu cho du lịch Cố đô
Chất lượng là yếu tố quyết định
Theo ông Hoàng Quốc Hòa, sau thời gian dài bị tác động tiêu cực từ COVID-19, làm thay đổi hành vi và xu hướng du lịch, đòi hỏi các điểm đến và ngành du lịch các quốc gia luôn đối diện với những thách thức và yêu cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập du lịch quốc tế. Trước bối cảnh đó, năm 2022 là thời điểm mà từ lĩnh vực quản lý đến kinh doanh và các bên liên quan cùng nâng cao nhận thức về các tiêu chuẩn dịch vụ của khu vực cũng như quốc tế, thống nhất triển khai rà soát đánh giá. Từ đó, triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao hình ảnh và vị thế du lịch Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.
Chất lượng dịch vụ luôn là giải pháp hàng đầu mà mỗi điểm đến phải thực hiện trong phát triển điểm đến. Khi sản phẩm, dịch vụ tốt, uy tín tự khắc sẽ thu hút được du khách. Ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định, trong các giải pháp nâng chất lượng, việc tích cực tham gia các giải thưởng trong khu vực là một hình thức để các doanh nghiệp, điểm đến nỗ lực hơn trong hoàn thiện, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của các cuộc thi. Khẳng định thương hiệu để duy trì khai thác các thị trường truyền thống và tiềm năng trong khu vực ASEAN. Hiện, ngành đang vận động và phối hợp các doanh nghiệp chuẩn bị tham gia giải thưởng du lịch ASEAN 2023. Giải thưởng năm nay sẽ tập trung giải thưởng Homestay ASEAN, giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN, giải thưởng Nhà vệ sinh công cộng ASEAN và giải thưởng dịch vụ Spa ASEAN.
Trong các giải thưởng được áp dụng tới đây, qua khảo sát, một hạng mục mà ở Huế khó đạt được, đó là nhà vệ sinh cộng cộng. Đây là điểm yếu suốt nhiều năm qua. Dù đã được nhìn nhận và có những thay đổi về ý thức đến đầu tư, cách vận hành, nhưng cả số lượng và chất lượng vẫn không đảm bảo. Kể cả ở những điểm du lịch cộng đồng, sinh thái, hệ thống di tích, các điểm dừng chân… chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách ở khâu vệ sinh.
Theo ông Hoàng Quốc Hòa, một giải pháp cần triển khai tốt hơn nữa là đẩy nhanh chuyển đổi số gắn với hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn Du lịch ASEAN. Cần tích hợp các thông tin liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện và quy trình đánh giá tiêu chuẩn Du lịch ASEAN để tạo thuận lợi cho việc triển khai trong thời gian tới.
Phải thừa nhận, xét về quy mô, chất lượng của du lịch Huế so với một số nước ASEAN thì khó có thể so sánh. Việc nỗ lực để thay đổi, qua đó tiệm cận, rồi bắt kịp với các điểm đến khác trong khu vực là điều phải thực hiện. Đó cũng là mục tiêu mà trong Nghị quyết 54 đã nêu rất rõ khi đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online ”