Từ ngày 1/8/2019, Nghị định 45/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch có hiệu lực; trong đó, quy định mức xử phạt đối với các hướng dẫn viên (HDV) hành nghề không đủ các điều kiện theo Luật Du lịch 2017.
Hướng dẫn viên cần đảm bảo đủ các điều kiện khi hành nghề
Cần nắm rõ quy định
Tại điều 9, khoản 5, điểm d của Nghị định 45/2019/NĐ-CP, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng nếu các HDV không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc không là hội viên của tổ chức xã hội, nghề nghiệp theo quy định khi hành nghề đối với HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa.
Nghị định này được ban hành dựa trên Luật Du lịch 2017 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Tại khoản 3, điều 58 của Luật Du lịch 2017 quy định rõ về điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch, gồm: Thẻ HDV du lịch; hợp đồng lao động với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành, DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội, nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch; hợp đồng hướng dẫn với DN kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với HDV du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Qua hơn 1 tuần Nghị định 45/2019/NĐ-CP hiệu lực, có khá nhiều ý kiến xung quanh việc xử lý hành chính này. Một số HDV cho rằng, hợp đồng lao động thời vụ, hay hợp đồng dẫn tour đã đủ điều kiện hành nghề theo Luật Du lịch 2017, không cần có những ràng buộc nào khác. Ở một khía cạnh khác, những HDV này còn cho rằng, việc xử phạt này như buộc HDV phải vào Hội HDV, bởi không phải HDV nào cũng có hợp đồng lao động với DN. Trong khi đó, các HDV này cũng cho rằng Hội HDV là hội nghề nghiệp, vào hội theo tinh thần tự nguyện.
Lãnh đạo Sở Du lịch thông tin thêm, du lịch là ngành kinh doanh có điều kiện, liên quan đến an toàn, tính mạng của du khách. Việc có thêm những điều kiện về hợp đồng lao động, hoặc thành viên hội nghề nghiệp sẽ giúp kiểm soát chặt chẽ tình trạng HDV không đúng quy định. Bên cạnh đó, nâng cao được chất lượng của đội ngũ HDV, khi nghề HDV đang được đánh giá quan trọng hơn rất nhiều so với trước đây… Quy định mới cũng giúp những HDV làm việc trong môi trường lành mạnh, được bảo trợ bởi các DN và tổ chức. Mặt khác, khi HDV có hợp đồng lao động sẽ nâng cao được quyền lợi từ việc đóng bảo hiểm xã hội, y tế, những khoản phúc lợi của các DN…
Làm việc theo pháp luật
Ông Hoàng Văn Khánh, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Huế phân tích: “Một HDV hoạt động đúng quy định chỉ cần đáp ứng 1 trong 3 điều kiện: có hợp đồng lao động với DN du lịch, hoặc DN cung ứng HDV hoặc là hội viên Hội HDV, chứ không phải ràng buộc cả 3 điều kiện. Không riêng Vietravel mà tất cả các DN lữ hành khi hợp tác với HDV để phục vụ tour sẽ luôn cần tính pháp lý rõ ràng, chuyên nghiệp và chất lượng cao hơn so với một HDV hoạt động không đúng quy định”.
Ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch thông tin, qua kiểm tra tình hình chấp hành quy định về hành nghề HDV vào đầu tháng 8/2019, phát hiện nhiều HDV không đủ các điều kiện hành nghề. Trước mắt, ngành du lịch sẽ tiếp tục kiểm tra nhắc nhở, tăng cường tuyên truyền. Sau một thời gian tuyên truyền, nếu HDV nào không tuân thủ quy định sẽ tiến hành xử lý theo Nghị định 45/2019/NĐ-CP.
Những phản ứng mang tính “thái quá” của một số HDV du lịch thời gian qua thể hiện sự thiếu hiểu biết về pháp luật của họ. Để đảm bảo tính công bằng giữa các HDV, ngoài tuyên truyền, nhắc nhở, cơ quan chức năng cũng cần có những chế tài xử phạt đối với những HDV cố tình vi phạm quy định. Không thể chỉ một vài cá nhân mà ảnh hưởng đến những HDV chân chính, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bài, ảnh: Đức Quang
Nguồn: báo TT huế