Du lịch trên những tuyến sông vẫn còn để ngỏ

Chiều đó, khi nhìn những chiếc tàu ngược xuôi với mật độ khá dày đặc trên sông Thu Bồn từ một mé hiên của một villa ở Hội An, thú thật là tôi có cảm thấy sốt ruột.

Có lẽ vì là người của sông Hương, nên dù có đi đâu thì cũng dùng dằng nỗi nhớ. Biết là không thể nào so sánh với hơn 5 triệu lượt khách mỗi năm ở đô thị phố cổ này, cũng chưa có một so sánh nào về lưu lượng của những chiếc thuyền ngược xuôi mỗi ngày ở hai dòng sông, nhưng mong muốn vẫn cứ trở lại, về những giá trị tăng thêm từ tài nguyên thiên nhiên…

Sông Hương có lợi thế để phát triển du lịch

Những đô thị bên dòng sông, bao giờ cũng là một lợi thế về không gian sinh thái và cảnh quan môi trường. Tôi đã từng đứng trên một thành cầu ở thủ đô Bangkok, nhìn những chuyến buýt sông di chuyển liên tục để chở khách du lịch và chở cả những công dân của thành phố ấy đến các điểm làm việc khác nhau, nghĩ về sự tận dụng và phát huy tối đa các tuyến giao thông để vừa giảm áp lực của vấn nạn kẹt xe, vừa phát triển du lịch trong sự đa dạng. Nhớ một tối đi thuyền trên sông Chao Praya theo lời mời của các đồng nghiệp ở Cố đô Ayutthaya, nhìn ánh đèn chiếu sáng từ các thành quách đổ bóng hai bên bờ sông mà miên man liên tưởng đến dòng sông quê nhà. Không ở đâu giống ở đâu và mỗi nơi có mỗi vẻ đẹp khác nhau, nhưng chừng như tuyến du lịch đường sông nào cũng có điểm chung khi mang đến cái nhìn và sự khác biệt từ mỗi vùng đất. Ngay sông Sài Gòn mà tôi có một đêm trên thuyền Bến Nghé, với những vùng sáng từ các tòa nhà cao tầng cũng là một dáng vẻ khác về một sự vạm vỡ hơn trong lòng đô thị đang không ngừng phát triển. Và cho dù cùng có những vùng vắt ngang qua đô thị, sông Hồng vẫn là một dòng chảy mang kiểu thức khác của vùng Đồng bằng Bắc bộ. Khi mà những bờ lau bãi ngô vẫn lúp xúp ẩn hiện mé ngoại ô khi xuôi dòng, cộng với những huyền tích về Tiên Dung – Chử Đồng Tử và những di sản văn hóa miếu mạo đền chùa khá dày đặc ở hai bên bờ. Có lẽ vì thế, những con tàu của các công ty du lịch vẫn ngày đêm miệt mài chở khách đến từ khắp mọi nơi để tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa và con người.

Trong một góc nhìn cá thể, không biết có cực đoan không nhưng theo tôi, sông Hương là một vẻ đẹp thuần khiết, riêng có. Lâu nay, giá trị của dòng sông cũng đã được phát huy trên nhiều khía cạnh, trong đó có du lịch. Thời gian gần đây, đã có những đánh giá, nhìn nhận để phát huy tốt hơn tiềm năng du lịch của dòng sông. Với sông Hương, đã có những thay đổi, nhưng phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm trong sự điều chỉnh phù hợp về cách thức và phương tiện khai thác, cũng như những phần việc khác để bảo tồn giá trị về mọi phương diện của dòng sông.

Nếu đặt trong sự kết nối, có lẽ hệ thống giao thông thủy của TP. Huế và các vùng phụ cận còn là nguồn lực dài lâu không chỉ cho phát triển du lịch. Đấy là chưa nói đến sự kết nối rộng lớn khác với đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Ngay trong lòng thành phố, bên cạnh việc hoàn toàn có thể tổ chức tour du lịch di sản Cố đô Huế trên Ngự Hà, nếu có ý tưởng tốt và phát huy được thì An Cựu – dòng sông lâu nay gần như vẫn đang cần mẫn là giữ nhiệm vụ giữ, tiêu thoát nước và tạo dựng cảnh quan, điều hòa không khí cho khu vực phía nam thành phố và một phần của thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang – cũng sẽ là một tuyến kết nối du lịch bằng đường thủy với những câu chuyện thú vị về phía cầu Ngói Thanh Toàn. Đây cũng là một phần vấn đề trong các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khi khảo sát thực tế tại sông Như Ý mới đây.

Những điều này không còn mới, nhưng chắc chắn là những mong chờ về những tour du lịch đường sông như một sản phẩm du lịch, dường như vẫn còn để ngỏ…

Bài: HOÀNG MAI – Ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn báo TT huế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *