Lụt Huế

Đêm nghe nước lên từng hồi. Từ Chi Lăng, Phú Hậu, An Hoà, Tây Lộc về Đập Đá, Vỹ Dạ trắng trời gió và mưa. Vợ chồng con trai lớn về nhà mới năm đầu đã chịu trận lụt hung hãn. Con kể qua điện thoại, hai đứa ngồi canh nước lên thấp thỏm suốt đêm. Điện cúp, may có nấu sẵn nồi cơm từ chiều trước. Thiệt thương. Rứa mà hồi nhỏ, tụi hắn nghe lụt vô, nước lên là vỗ tay mừng.

Sáng qua ra chợ thấy ai ai cũng mua sả. Ngó là biết sắp lụt. Tôi cũng mua bó sả, lon đậu phụng, lon ruốc cùng mấy lạng thịt ba chỉ. Hì hục vừa hóng mưa vừa rang. Chín giờ tối, nhà thơm nức mùi sả ruốc. Chưa kịp gửi cho con, lụt đã chặn đường rồi. Trưa ăn cơm nóng với muối sả, bắt miệng mà không nỡ xuýt xoa. Vì thương con, vì dưới bến trên bờ bao bà con chừ chỉ ăn mì gói…

Tranh thủ ngớt mưa, xắn quần men đường lội một vòng đi chợ lụt. Mấy con phố Nguyễn Tri Phương, Hùng Vương, Nguyễn Công Trứ dưới ánh mặt trời vừa hé sau cơn mưa trông thật lạ. Sóng cuộn đục ngầu trên sông, sóng chắp chới giữa mặt đường…

Nước và phố. Nước màu vàng đục là nước sông tràn vô. Sâu hơn trong các hẻm những vũng trong veo là nước mưa đọng không thoát được. Có đôi chiếc xuồng chống ngang giữa con phố ngập nước. Một kiểu thơ mộng bất đắc dĩ. Tôi nói thầm để lấy tinh thần chứ qua trận lụt này, biết bao hàng hóa lương thực, vật dụng gia đình làm bằng gỗ công nghiệp, cứ ngâm nước là coi như bỏ. Và bùn, thứ phù sa đỏ quạch dính bết từ nhà trên xuống nhà dưới, sân trước đến vườn sau. Thứ đất màu mỡ cho những vườn bắp, thanh trà, rau trái thơm tho, ngọt lành, nhưng chẳng ai thích thú khi dọn lụt một chút nào. Và sau hai ngày nắng, thành phố mịt mờ trong làn sương bụi phù sa. Ôi lụt Huế!

Chợ Đông Ba họp ngay mé đường cạnh dốc cầu Gia Hội. Có chi bán nấy. Mua một mớ cá nhỏ, để em kho nghệ tươi và ném. Thứ cá nhỏ liu tiu diếc, trắm, thát lát, rô, mè vảy bạc còn dính rong rêu. Đêm qua nước lớn làm sao chị đi bắt cá? Đợi ngớt gió là anh nhà đi rút lưới. Buổi sáng kiếm dăm chục mua gạo rau ba ngày lụt cũng quý lắm rồi. Tôi mua để chị vui, để nhớ thói quen mỗi lần lụt xong lại theo mẹ chồng tìm cá lụt. Để nhớ món cá kho nghệ, hạt ném và nước mắm thơm nức những ngày mưa gió. Đôi khi một miếng ăn nhỏ ngon lắm, thơm lắm cũng từ những hồi ức thân thương. Trời nắng hé lên rồi lại sầm sập xuống. Nước hạ vài phân rồi lăm le dâng lên. Lụt Huế mà.

Đò ơi đò! Giật mình vì tiếng gọi vọng lên từ dãy phố Huỳnh Thúc Kháng. Hai chàng thanh niên chống đò tấp vô vỉa hè ngày thường bán buôn sầm uất, chừ cửa đóng then cài. Tiếng gọi đò vang lên giữa lòng phố, nghe nao nao chi lạ. Khắp phố đường lớn, hẻm nhỏ đều có những con đò do các thanh niên dân phòng đảm trách. Sau trận lụt lịch sử 1999, từ vùng trũng của làng xã đến nội thành đều sắm ghe, đò, áo phao để cứu hộ bà con mỗi mùa mưa lũ. Anh bạn tôi gọi điện nói thiệt vui khi gặp những chiếc đò chống từ chợ Tây Lộc vô Thái Phiên, Phan Huy Chú, Phan Huy Ích mang theo cả mì tôm, bánh lọc nhân tôm, bánh bèo, bánh nậm… Khi hoạn nạn, ngó quanh ai cũng rộng lòng đỡ đần nhau.

Sống ở Huế mấy chục năm, tôi cũng từng chịu vài chục trận lụt lớn, nhỏ. Không kể vùng sâu, vùng xa bị nước chia cắt, bà con trong phố dường như không ai bị thiếu đói dù chợ đò thiệt khó khăn. Nhớ năm nào đó, chị em phụ nữ nhóm củi lửa nấu nướng ngay trong các cổng vô thành. Họ chia nhau từng vắt cơm, gói bánh thảo thơm mùa bão lụt.

Mưa đang trút xuống và nước chừng sẽ lên. Nhưng phố vẫn lặng lẽ đón nhận và chịu đựng. Người Huế biết mưa lụt là một phần của Huế. Những cơn mưa triền miên kéo dài suốt tháng đã thành “đặc sản” du lịch. Rồi những trận lụt ngập bờ, tiếng gọi đò xa ngái nơi bến sông hun hút gió. Chén cơm nóng với muối sả, muối mè quây quần trên sàn gỗ. Nhìn xuống sân nhà là những con sóng ì oạp…

Mưa luôn cho người ta nhiều hoài niệm. Và Huế cứ làm cho ai đó quay quắt nhớ cũng vì thế chăng?

BẠCH DIỆP

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *