TTH – Liên kết phát triển vùng trở thành xu hướng và là bước đột phá mạnh mẽ nhằm tạo động lực và thu hút các nguồn lực cho việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, được xác định trong chiến lược và quy hoạch phát triển ở các địa phương, vùng và cả nước.
Liên kết vùng sẽ tạo thêm điểm nhấn trong phát triển kinh tế
Tận dụng ngoại lực
Phát triển liên kết vùng đã và đang góp phần quan trọng trong việc tái phân công và phối hợp trên quy mô vùng nhằm tạo nên những bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sức hấp dẫn mới thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển. Điều này được thể hiện khá rõ trong điều kiện các địa phương đều đang đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế. Việc phối hợp và liên kết hỗ trợ nhau đã góp phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.
Nhìn nhận về thực trạng liên kết vùng hiện nay, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, các nội dung thỏa thuận liên kết vùng hiện đã dần toàn diện hơn, số lượng văn bản thỏa thuận tăng. Các hình thức liên kết vùng cũng đa dạng từ chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin đến các thỏa thuận hợp tác. Chính điều này đã tạo nên tác động góp phần khắc phục những biệt lập trong xây dựng và thực thi chính sách, kết nối đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng và liên vùng. Đồng thời, liên kết vùng cũng giúp các địa phương chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm tốt trong quản lý Nhà nước; đề xuất dự án, chính sách chung cho vùng; thu hút sự tham gia của nhiều chủ thể (doanh nghiệp) tham gia liên kết vùng.
Có thể lấy việc liên kết vùng trong lĩnh vực du lịch làm ví dụ để minh chứng cho nhận định này. Khi cách đây đây 20 năm, 3 địa phương là Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế đã chủ động ký kết hợp tác phát triển du lịch với chủ đề “ba địa phương – một điểm đến”. Hoạt động liên kết này đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc quảng bá, xúc tiến, tổ chức các sự kiện du lịch. Và mới đây, các hoạt động liên kết phát triển vùng này với các địa phương khác cũng được triển khai nhằm mục tiêu phục hồi du lịch trong nhóm liên kết và đã tạo những hiệu ứng tích cực trong tăng trưởng du lịch, nhất là trong năm 2022 của vùng.
Đến hài hòa lợi ích vùng
Không thể phủ nhận được những tác động tích cực của liên kết vùng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, các hoạt động liên kết vùng phải bảo đảm nguyên tắc: thống nhất, bình đẳng, hài hòa lợi ích giữa các địa phương nhưng vẫn bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện. Vì thế, việc sớm hình thành thể chế quản lý, điều hành chung trong khu vực, tạo ra sự liên kết vùng chặt chẽ hơn, trật tự hơn. Thúc đẩy nhanh sự liên kết giữa các địa phương trên cơ sở hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài, lợi ích của địa phương với lợi ích của khu vực; giữa địa phương với địa phương. Đặc biệt, trong các vấn đề về xử lý môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, kết nối hạ tầng… rất quan trọng.
Muốn thực hiện điều này, nội tại các địa phương cũng phải xây dựng được liên kết vùng ở phạm vi địa phương và có những định hướng phát triển kinh tế – xã hội hài hòa giữa các vùng này. Có như vậy mới phát huy được tối đa nội lực của các địa phương. Khi thực hiện tốt quy hoạch vùng ở phạm vi địa phương sẽ tạo được những bước lan tỏa trong thực hiện quy hoạch vùng giữa các địa phương trong vùng.
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, Thừa Thiên Huế luôn xác định đầu tư phát triển kinh tế – xã hội hài hòa giữa các vùng ở phạm vi địa phương. Theo đó, mỗi vùng sẽ tập trung phát triển theo những định hướng cụ thể trên quy hoạch chung và hài hòa với mục tiêu phát triển bền vững.
Khu vực đô thị, tập trung đầu tư phát triển đô thị Huế và các huyện, thị xã, bảo đảm sử dụng hiệu quả quỹ đất, từng bước đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội. Gắn đầu tư, xây dựng, chỉnh trang, mở rộng các đô thị với bảo tồn, tôn tạo, khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và phát triển bền vững. Vùng đồng bằng sẽ tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi giữa thành thị và nông thôn, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Đồng thời, thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền, Tứ Hạ, La Sơn, Phú Đa, Quảng Vinh và các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Với vùng ven biển, đầm phá sẽ tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế – xã hội; chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ du lịch và các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra những vùng sinh sản của các loài thủy sản nhằm phát triển phong phú hệ sinh thái vùng ven biển, đầm phá. Đồng thời, thu hút một số tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư khai thác, phát triển du lịch, dịch vụ, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động chế biến thủy sản, sửa chữa và đóng tàu thuyền, tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu.
Việc phát huy lợi thế liên kết vùng (liên kết các tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung) gắn với đầu tư phát triển kinh tế – xã hội hài hòa giữa các vùng (phạm vi địa phương) giúp Thừa Thiên Huế tận dụng ngoại lực, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: Hoàng Loan
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online”