TTH – Bây giờ A Lưới được biết đến như một điểm du lịch lý tưởng. Và địa phương này đang từng bước biến tiềm năng thành lợi thế, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
» Đưa vào khai thác điểm du lịch cộng đồng homestay ở Hồng Hạ » Một lần tới Pâler » Độc đáo phiên chợ vùng cao A Lưới
Du khách trải nghiệm gói bánh cùng đồng bào Tà Ôi ở A Lưới
Tận dụng tiềm năng
Chỉ đưa vào hoạt động vào cuối tháng 7, nhưng điểm du lịch Farmstay Cân Tôm, xã Hồng Hạ (A Lưới) được nhiều du khách biết đến. Nơi đây được chính quyền địa phương “quy hoạch” để tái hiện những nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng rẻo cao. Đến đây, khách du lịch không chỉ hòa mình vào thiên nhiên kỳ thú, mà còn được trải nghiệm các loại hình văn hóa cộng đồng, thưởng thức ẩm thực vùng cao.
Chị Hồ Thị Thanh Phương (TP. Huế) bảo rằng, đến đây chị lần đầu tiên được nhìn thấy nhiều “đặc sản” vùng cao, đó là tục đi sim của người Pa Cô, dân ca, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số hay những thanh niên tái hiện hoạt động bắt cá suối của đồng bào miền ngược. “Cái gì lần đầu tiên được nhìn thấy luôn có sự cuốn hút. Ngoài những trải nghiệm về văn hóa đồng bào, chúng tôi còn được thưởng thức các món ăn đặc trưng nơi đây. Về đêm, không khí rộn ràng hơn với nhiều tiết mục văn nghệ do chính cư dân bản địa biểu diễn”, chị Phương chia sẻ.
Nếu Farmstay Cân Tôm là điểm nhấn cho sự trải nghiệm của du khách về văn hóa địa phương thì cách đó không xa, suối Pâr le là điểm khám phá đặc trưng của hệ sinh thái sông suối miền ngược. Mùa cao điểm, Pâr lê thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Họ đến đây không chỉ để in dấu chân, khám phá vùng đất hoang sơ mà cùng lưu lại, vui chơi với người dân bản địa. Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ Hồ Viết Lương bảo, làm du lịch nơi đây thì chính quyền địa phương chỉ là cầu nối, chủ thể là người dân, cộng đồng. Chính quyền chỉ định hướng, hỗ trợ còn việc thực hiện người dân cùng chung tay.
Bây giờ, nhắc đến du lịch sinh thái cộng đồng, A Lưới không chỉ có Hồng Hạ. Với tiềm năng lớn về sông suối, nhiều điểm du lịch được mở ra như, A Nôr – Hồng Kim, A Lin – Hồng Trung, AKa – A Roàng… tạo nên mạng lưới các điểm du lịch cộng đồng đặc trưng. “Chúng tôi vừa phối hợp với các cơ quan xây dựng hệ thống du lịch sinh thái cộng đồng ở A Nôr. Du khách đến đây không chỉ vui chơi, tắm suối mà còn được trải nghiệm những nét văn hóa giàu bản sắc của người dân tộc thiểu số”, ông Hồ Thanh Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Kim cho biết.
Thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái đặt nền móng cho sự phát triển du lịch của địa phương này trong nhiều năm qua. Từ đó, nhiều loại hình du lịch khác đang phát triển, như du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa tộc người, du lịch các điểm di tích lịch sử cách mạng… tạo nên tính đa dạng, giàu bản sắc cho vùng đất phía Tây Thừa Thiên Huế.
Tiếp tục quảng bá
Thời gian qua, huyện A Lưới là nơi được chọn để tổ chức nhiều lễ hội lớn. Chính những sự kiện đó giúp hình ảnh, con người A Lưới có dịp quảng bá.
Theo Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, từ đầu năm đến nay đã có hơn 52.500 lượt khách quốc tế và nội địa đến tham quan các điểm di tích lịch sử đồi A Bia – xã Hồng Bắc; làng du lịch cộng đồng thôn A Ka1 – xã A Roàng, làng du lịch cộng đồng thôn A Hưa – xã Nhâm; suối Pâr Le, thác A Nôr, suối A Lin. Các hãng lữ hành trong nước cũng khảo sát các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại địa phương này. Huyện cũng có nhiều chương trình quảng bá cho hình ảnh A Lưới, là điểm đến của du khách khi nhắc đến con đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đầu tư cho phát triển du lịch không chỉ giúp bảo tồn văn hóa, cảnh quan, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế.
“Chúng tôi phối hợp với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh, các công ty lữ hành khảo sát và chọn các điểm lắp đặt bản đồ City Map tại các điểm du lịch; xây dựng các tour tuyến đến các điểm du lịch trên địa bàn huyện gắn với các sự kiện lớn diễn ra trong năm. Ngoài ra, lên phương án triển khai các hoạt động “Xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại làng Việt Tiến, xã Hồng Kim. Mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số”, bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới chia sẻ.
Hình ảnh A Lưới bây giờ đã được nhiều người biết đến, đó là minh chứng cho sự chuyển biến của vùng đất một thời khó khăn. Du khách đến miền rẻo cao không còn chỉ để khám phá một vùng đất mà còn để chơi. “Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng du lịch, các dịch vụ du lịch, đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện một số tuyến đường thiết yếu phục vụ du lịch. Xây dựng chương trình tour giới thiệu quảng bá điểm du lịch sinh thái cộng đồng. Tiếp tục xây dựng và phát triển các loại hình du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, du lịch di tích lịch sử, khai thác giá trị văn hóa của các lễ hội, làng nghề truyền thống nhất là khai thác các đặc trưng văn hóa các dân tộc ít người mang đậm bản sắc riêng của A Lưới”, bà Thêm thông tin.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch, huyện A Lưới có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng. Lãnh đạo địa phương này cũng rất quyết tâm để thay đổi diện mạo vùng cao. “Sắp tới, tỉnh có những chính sách hỗ trợ thêm cho người dân A Lưới xây dựng một số điểm du lịch cộng đồng. Chúng tôi sẽ mời chuyên gia tập huấn, hỗ trợ người dân làm homestay. Cảnh quan, sinh thái ở A Lưới thu hút du khách trong ngoài nước vì giữ được bản sắc văn hóa vùng cao mang nét đặc trưng riêng, tuy nhiên du lịch A Lưới muốn phát triển cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, và làm tốt khâu quảng bá, kết nối”, ông Phúc nói.
Bài, ảnh: Lê Thọ
Nguồn Báo Thừa Thiên Huế online