Tái hiện sân khấu hóa Lễ Ban sóc thời Nguyễn. Ảnh: ĐỨC QUANG
Ban sóc là lễ ban lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của các quan viên ở bộ Hộ, bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng cung để cho hoàng gia dùng; lịch được phát cho các quan ở Kinh thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.
Các vua Nguyễn rất xem trọng cuộc lễ này, xem đây là một trong các lễ lớn trong năm. Sách Đại Nam thực lục có chép, từ những năm đầu thời Gia Long, thời Minh Mạng đã đặt lễ Ban sóc. Năm 1821, “Tháng 12, ngày mồng 1, vua mặc thường phục ngự ở điện trước cửa hành tại. Khâm thiên giám đem lịch năm nhâm Ngọ dâng lên (…) Lại truyền dụ cho ở Kinh hôm ấy phải thiết triều ở điện Thái Hòa, Hoàng trưởng tử và các quan lưu Kinh làm lễ bái vọng, rồi lấy sách lịch chia cấp cho trong ngoài”. Các vua như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều có ngự chế thơ về lễ Ban sóc. Dưới đây xin giới thiệu mấy bài tiêu biểu.
1. Thơ vua Minh Mạng:
Phiên âm:
Gia bình sóc tác
Nguyệt trị gia bình hân cát đán,
Thị triều ban sóc tỉ minh thì.
Cổ chung ti trúc hòa âm nhạc,
Kiếm bội quan thường túc lễ nghi.
Trung ngoại phụng hành thần hữu chuẩn,
Âm dương phán định tuế vô si.
Điều quân ngũ nhược hoàn doanh lại,
Phú tái chiêu lâm vĩnh bất tư.
Dịch thơ:
Viết vào ngày Ban sóc tháng Chạp
Tháng chạp đúng lúc ngày tốt gặp,
Triều đình ban lịch rõ thời gian.
Trống chuông đàn sáo hòa âm nhạc,
Kiếm bội xiêm y cờ đủ lớp lang.
Hành lễ trong ngoài giờ đúng chuẩn,
Âm dương năm xét thật không nhầm.
Điều hòa năm hướng cùng muôn cõi,
Đất chở trời che mãi vĩnh hằng.
Ở bài thơ này của vua Minh Mạng, nhà vua đã miêu tả cảnh lễ ban sóc do triều đình tổ chức bằng các hình thức nghi lễ long trọng, đầy đủ nhạc lễ cả đại nhạc (chuông, trống) lẫn tiểu nhạc (đàn, sáo) với y quan rực rỡ, đầy đủ nghi tiết. Kết thúc bài thơ, nhà vua còn khẳng định những chính sách công bằng của triều đình đối với muôn dân. Nhà vua viết Phú tái chiêu lâm vĩnh bất tư (Che chở soi rọi mãi mãi không riêng gì cho ai), chỉ sự công bằng xã hội. Thành ngữ Thiên phú địa tái (trời che đất chở) rút gọn trong câu thơ được hàm ngôn là triều đình có một chế độ chính trị tốt đẹp, không thiên vị, thực thi công bằng xã hội và mọi thần dân đều có quyền được hưởng ân trạch của nhà vua, như việc ban lịch ở trường hợp này được ví là điển hình.
Tái hiện sân khấu hóa Lễ Ban sóc thời Nguyễn. Ảnh: ĐỨC QUANG
2. Thơ vua Thiệu Trị:
Đối với vua Thiệu Trị, dường như cảm hứng thi phú về lễ ban sóc là rất dồi dào. Chỉ một nhan đề Gia bình ban sóc tác (Viết khi ban lịch vào tháng chạp) mà có đến 3 bài thơ viết ở ba thời điểm khác nhau và 1 bài nhan đề là Gia bình ban Ất tỵ lịch tác (Viết khi ban lịch Ất tỵ vào tháng chạp). Trong đó, có 3 bài được chọn khắc trên điện Long An, ở đây xin giới thiệu 2 bài.
Phiên âm bài 1:
Gia bình ban sóc tác
Trinh nguyên hội hợp hưu tường ứng,
Đán phục đán hề chính thể Nghiêu.
Thiên địa âm dương hàm định phán,
Đế vương thống kỷ vĩnh tuyên chiêu.
Thời đinh gia cát tam quang lãng,
Vận tế ung hy tứ tự điều.
Thiệu trị niên niên tăng bửu lịch,
Quần phương phụng sóc Đại Nam triều.
Dịch thơ:
Viết khi Ban lịch vào tháng Chạp
Ngôi cao hòa với điềm lành ứng,
Chính thể tựa Nghiêu nối tiếp ngày.
Trời đất âm dương phân định rõ,
Kỷ cương phép tắc đế vương xây.
Được thời tươi đẹp tầng không sáng,
Gặp vận ôn hòa tiết vận xoay.
Kế trị hàng năm ban lịch quý,
Muôn nơi tuân phụng Đại Nam này.
Phiên âm bài 2:
Gia bình ban sóc tác
Võ liệt văn mô phó tí long,
Thiên chi lịch số tại dư cung.
Thể nguyên cư chính duy tinh nhất,
Đạo thống tương truyền doãn chấp trung.
Khởi tự Giáp Thìn nguyên sáng thủy,
Tự thừa Tân Sửu dũ khôi hồng.
Vạn phương phụng sóc Đại Nam quốc,
Thiệu trị miên trường đế nghiệp sùng.
Dịch thơ:
Viết khi Ban lịch vào tháng Chạp
Hiển văn hách võ tốt lành thay,
Lịch số đất trời thân tại đây.
Đế nghiệp ngôi cao tường tỏ nhất,
Truyền trao đạo trị nắm trong tay.
Giáp thìn [1] khai mở bắt đầu ấy,
Tân sửu [2] kế thừa rạng rỡ thay.
Khắp cõi Đại Nam cùng lịch số,
Lâu dài trị nước vẻ vang dày.
Ở cả hai bài thơ trên, dù là nói về lễ Ban sóc, nhưng vua Thiệu Trị chủ yếu nhấn mạnh về triều đại, khẳng định ngôi vị, khẳng định về pháp chế, kỷ cương và trên hết là khẳng định sự hưng thịnh vững bền của đất nước.
Bài “Gia bình Ban sóc tác” của vua Thiệu Trị in trong “Ngự chế thi sơ tập” (quyển 13, tờ 18a – 19a). Ảnh: HẢI TRUNG
Ở bài sau, vua Thiệu Trị có nhắc đến 2 năm, năm Giáp Thìn (trong trường hợp này là 1844) và Tân sửu (trong trường hợp này là 1841). Vì sao lại nhắc đến hai năm này?
Lễ Ban sóc vốn được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Vào năm 1840, lần đầu tiên, lễ Ban sóc được hoàng đế Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn, lễ này ban cuốn lịch năm mới Tân sửu (1841). Sự thay đổi về địa điểm này về sau đã trở thành điển lệ được duy trì liên tục. Sách Đại Nam Hội điển sự lệ ghi nhận, đến thời vua Tự Đức, điều này vẫn còn được nhấn mạnh lại: “Tự Đức năm thứ 2 (1849), đình nghị tâu lên được chỉ chuẩn: về lễ Ban sóc, chiếu theo lệ năm Minh Mạng thứ 21 mà làm. Việc này đặt làm thành lệ lâu dài”.
Về năm Giáp Thìn (1844) trong bài thơ, có lẽ vua Thiệu Trị muốn nhắc đến sự kiện lần đầu tiên ban lịch cho hai nước Hỏa Xá và Thủy Xá. Theo Đại Nam thực lục thì nước Thủy Xá và Hỏa Xá xưa gọi là Nam Bàn, là dòng dõi Chiêm Thành ở phía tây núi Thạch Bi. Thời kỳ đầu, triều Nguyễn cho là địa giới giáp Phú Yên, nên 5 năm một lần sai người đến nước đó ban cho các phẩm vật. Sách Đại Nam thực lục có nêu, năm 1844, vua Thiệu Trị có ban dụ: “Nước Đại Nam ta, đức hóa thấm khắp, thanh giáo rộng ban(…) Nay 2 nước đã theo lễ chư hầu, đòi làm phiên thần, lịch của triều đình đã ban cho, nên coi như dân một nước. Chuẩn cho từ nay trở đi, hằng năm phát cho một bản quan lịch, 50 bản dân lịch, giao cho tỉnh Phú Yên chuyển cấp, bắt đầu từ năm Thiệu Trị thứ 5”.
Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người lại có ý nghĩa đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ. Khâm Thiên Giám phụ trách soạn lịch và ban lịch dưới thời Nguyễn. Theo quy định, từ tháng 2 âm lịch, Khâm Thiên Giám đã bắt đầu tính toán để tiến hành làm lịch cho năm đến. Vào tháng 5, bản thảo sẽ được hoàn thành. Khâm Thiên Giám sẽ trực tiếp in và cấp phát lịch ở Kinh đô cùng các tỉnh phía nam đến Khánh Hòa, phía bắc đến Thanh Hóa. Còn các tỉnh từ Ninh Bình trở ra, từ Bình Thuận trở vào sẽ do hai tỉnh Nam Định, Hà Nội phụ trách in ấn và cấp phát lịch. Cũng có giai đoạn, các quan địa phương chỉ tiếp nhận lịch mẫu và tổ chức in ấn phát cho dân ở các tỉnh thành trong thời gian sau đó. Mẫu lịch do Khâm Thiên Giám cung cấp, khi in xong Khâm Thiên Giám duyệt lại mới được cấp phát, lưu hành. Sau khi các quan đầu tỉnh được nhận lịch, các viên này có nhiệm vụ tổ chức họp các huyện quan lại để lĩnh quan lịch để phát cho thần dân.
Lễ Ban sóc dưới thời Nguyễn gắn với việc biên soạn, in ấn lịch và ban cho toàn quốc vào thời Nguyễn có ý nghĩa rất thiết thực đối với nước ta, nhất là phục vụ cho công việc đồng áng hàng ngày, gắn với nền kinh tế trọng nông thuở trước. Sự quan tâm của các hoàng đế thể hiện qua những bài thơ về chủ đề ban sóc đã góp phần chứng thực điều đó.
[1] Giáp thìn: tương ứng với năm 1844. [2] Tân sửu: tương ứng với năm 1841.NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG