Giao thông xanh cho Huế

TTH – Giảm phát thải khí nhà kính, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, có tác động tích cực đến môi trường…, giao thông xanh (GTX) được nhắc đến như một giải pháp hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường tại vùng đất Cố đô Huế.

Phát triển các loại phương tiện phi cơ giới như xe đạp, xích lô… là giải pháp hiệu quả để giảm phát thải khí nhà kính (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19). Ảnh: NGUYỄN PHONG

Nhiều thuận lợi để phát triển giao thông xanh

Trao đổi tại diễn đàn Huế sáng tạo để phát triển bền vững (Hue innovation day 2021), PGS.TS. Trần Anh Tuấn, giảng viên bộ môn Quản lý tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế chia sẻ về GTX như một hình thức bảo vệ môi trường đô thị. Theo ông, GTX là các phương tiện giao thông hạn chế phát thải khí nhà kính như CO2, CO, Nox,… ra môi trường. Có thể kể đến các phương tiện sử dụng sức người, sức kéo của động vật, các năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời) như đi bộ, xe đạp, xích lô,… là phương tiện GTX, vì chúng không thải hoặc thải ít khí nhà kính ra môi trường. Ngoài ra, xe buýt tuy vẫn dùng nhiên liệu xăng dầu là chủ yếu, nhưng vì thấp hơn so với các loại phương tiện khác vì thế cũng được coi là phương tiện GTX.

Hà Lan được xem là vương quốc xe đạp, Quảng Châu (Trung Quốc) đã cấm hoàn toàn việc sử dụng xe máy, nhiều thành phố tại Nhật Bản, Hàn Quốc đã phổ biến mô hình xe đạp cho thuê với giá rẻ, tiện lợi. Tại Việt Nam, Hội An là một dẫn chứng về thành phố đã thành công áp dụng GTX. PGS.TS. Trần Anh Tuấn cho rằng, Huế không thua kém Hội An về những thuận lợi để phát triển GTX đô thị. Huế có những con đường đi bộ ven bờ sông, có nhiều mảng xanh trong đô thị thuận lợi cho việc di chuyển bằng sức người. Mật độ giao thông của thành phố cũng không quá cao, thành phố cũng không quá lớn nên sẽ thuận lợi cho những người muốn di chuyển bằng xe đạp.

Với những thuận lợi đó, PGS.TS. Trần Anh Tuấn không ít lần có những trao đổi với Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh (HueIDS) về việc áp dụng GTX tại Huế. Ông cho rằng, để GTX được áp dụng thành công, việc phát triển giao thông phi cơ giới (xe đạp, xích lô, đi bộ) và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt là điều bắt buộc.

“Mục tiêu của GTX là giảm phát thải khí nhà kính. Vì vậy, việc phát triển giao thông phi cơ giới, giao thông công cộng sẽ làm giảm phát thải, đồng thời giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Bên cạnh đó, Huế cũng nên giữ gìn, phát huy các tour du lịch bằng xe xích lô, xe đạp; vừa giảm phát thải CO2, vừa có thể tạo nên nét đặc trưng của du lịch Cố đô”, PGS.TS. Trần Anh Tuấn phân tích.

Giao thông xanh là giải pháp hiệu quả để giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: HỒ HUY

Không thể một sớm một chiều

Tuy GTX đã thấy những lợi ích về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tại nhiều nơi trên thế giới, nhưng vẫn có nhiều người chưa biết, hoặc chưa hiểu về GTX. Ý thức của người dân về việc sử dụng phương tiện công cộng vẫn còn chưa cao.

“Mô hình giao thông ở Huế khá nhỏ trong khi nhu cầu đi lại tương đối lớn, phương tiện công cộng chủ yếu là xe buýt, vẫn chưa có tàu điện ngầm, do vậy không thật sự lý tưởng cho việc triển khai GTX toàn diện. Trước mắt, cần phải cho người dân biết về GTX, thuyết phục người dân chuyển dần sang phương tiện phi cơ giới,

phương tiện công cộng, dần dần xây dựng được ý thức văn minh, lịch sự của người dân khi tham gia giao thông”, PGS.TS. Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Phát triển GTX đã và đang được xem là mục tiêu dài hạn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do vậy, HueIDS cũng đã có những kế hoạch và lộ trình để dần triển khai các mô hình thí điểm. Đại diện của HueIDS cho biết, trước đây đã từng có tổ chức Vietsoft Pro đề nghị tài trợ 1.000 chiếc xe đạp công cộng, giúp phát triển GTX ở Huế. Tuy nhiên, do tình hình dịch phức tạp trong hai năm qua nên tất cả vẫn đang chỉ dừng ở kế hoạch thực hiện thí điểm. Thời gian tới, có khả năng HueIDS sẽ thực hiện giai đoạn 1 của dự án, với việc áp dụng 100 xe đạp công cộng, phục vụ GTX cho Huế.

Với việc Thừa Thiên Huế đang được xây dựng để trở thành đô thị di sản, hy vọng việc phát triển GTX sẽ sớm được triển khai thực hiện, giúp môi trường thành phố trong lành hơn, ghi dấu ấn trong mắt người dân địa phương cũng như du khách đến thăm vùng đất Cố đô.

ĐĂNG TRÌNH

Nguồn ” Báo thừa thiên huế online “

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *