Nghị quyết 54-NQ/TW (2019) đã khẳng định, đến năm 2030, Huế phải là trung tâm du lịch của Đông Nam Á, đến năm 2045 là của châu Á dựa trên nền tảng chính là văn hóa, di sản. Để văn hóa, di sản phát huy đúng vai trò là “nam châm” hút khách cho du lịch Cố đô, đòi hỏi phải có nhiều thay đổi, cách làm mới, nâng tầm để hướng đến sự khác biệt và duy nhất.
Các dịch vụ, sản phẩm về văn hóa di sản cần nâng tầm và tăng tính trải nghiệm
Khẳng định vai trò
Thông tin từ ngành du lịch Huế, 90% du khách khi đến Huế là chọn tham quan di sản. Nếu không tính lượng khách đến Huế công tác, khách công vụ, có thể thấy, gần như 100% khách đến Huế có mục đích du lịch sẽ tham quan di sản. Văn hóa, di sản luôn là “xương sống”, như “nam châm”, không thể thay thế để thu hút khách của Huế.
Xét về tính hấp dẫn của sản phẩm văn hóa, di sản, trước những ý kiến cho rằng, di sản Huế chưa làm hài lòng khách, lãnh đạo Sở Du lịch thẳng thắn đánh giá, có nhiều điểm đến trong cả nước và khu vực, sản phẩm hấp dẫn nhưng không có chiều sâu. Trong khi đó, với văn hóa di sản Huế, đi vào “lớp” đầu tiên thấy hấp dẫn, vào “lớp” nữa vẫn hài lòng và đến “lớp” 3 – 4, văn hóa di sản Huế vẫn tạo sự bất ngờ và rất hấp dẫn du khách. Chỉ là, các dịch vụ khai thác “chưa tới” mà thôi.
Làm việc với ngành du lịch và các ngành liên quan gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, một câu hỏi cứ đặt ra mãi, tính ra đã 10 năm qua trong quá trình lãnh, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh là du lịch, dịch vụ phát triển chưa ngang tầm. Làm thế nào để thay đổi, trong khi tiềm năng, điểm đến của Huế không thiếu.
Chủ tịch Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, phải khẳng định rằng, du lịch là thế mạnh đặc thù mà trong Nghị quyết 54 đã chỉ rõ. Đối với Huế, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, văn hóa và di sản là thế mạnh riêng có. Những định hướng này đã và đang thực hiện, và giờ làm sao để tốt hơn nữa. Mục tiêu là hình thành những sản phẩm khác biệt, duy nhất, chất lượng và đẳng cấp, thể hiện được chiều sâu văn hóa Huế.
Thiếu tính trải nghiệm
Khi di sản chính thức được khai thác du lịch, hàng trăm công trình di tích lớn nhỏ đã được trùng tu, tôn tạo, tiêu biểu như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh, Duyệt Thị Đường, Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình và nhiều công trình tại các lăng tẩm của các vua, như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định… Những kết quả trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã góp phần hồi sinh diện mạo của di sản Huế, tạo nền tảng cho ngành du lịch phát triển.
Với di sản, việc bảo tồn và phát huy giá trị luôn song hành, hỗ trợ nhau. Nhưng việc khai thác không phải dễ bởi dựa trên nguyên tắc đảm bảo các quy định nghiêm ngặt của bảo tồn, tránh gây hại, xâm lấn.
Lãnh đạo ngành du lịch phân tích, những quy định chặt chẽ của di sản thế giới mà di sản Huế mới khai thác ở mức tham quan, chưa có nhiều trải nghiệm. Đối với du lịch, những dịch vụ có thể cầm nắm, hưởng thụ, trực tiếp trải nghiệm mới được đánh giá là có tính hấp dẫn, tăng mức chi tiêu của du khách.
Các di sản văn hóa phi vật thể luôn được cho là sản phẩm có tính trải nghiệm tốt hơn so với di sản vật thể. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đánh giá, Huế cần nhấn mạnh hơn những giá trị di sản riêng có ở lĩnh vực phi vật thể, đặc biệt là Nhã nhạc, bởi lâu nay khai thác chưa đúng mức, khiến du khách khó tiếp cận với loại hình nghệ thuật này.
Quay trở lại việc mở cửa, khai thác du lịch ở Đại Nội vào ban đêm. Tính trải nghiệm vẫn bị cho là yếu điểm, bởi sau ban ngày, ban đêm cần có sự khác biệt. Ngoài ra, thiếu sự chủ động trong phương án thay thế khi gặp trời mưa, khiến Đại Nội buộc phải dừng hoạt động dù còn ít phút nữa là đến giờ mở cửa khai thác.
Theo ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam – Huế, vì sao giá vé vào các điểm di tích ở Huế không bằng các nước, nhưng vẫn bị đánh giá là chưa tương xứng, phù hợp là do giá trị mang lại cho du khách chưa được cao. Với nhiều du khách, khi vào tham quan Đại Nội dưới cái nắng chói chang của mùa hè được tặng một chai nước lọc, hay gặp mưa lạnh xứ Huế được cho mượn một cái ô cũng đã tạo được sự hài lòng.
Nâng tầm di sản Huế
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ lưu ý với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cần nghiên cứu, xác định sức chịu tải của di sản. Khai thác nhưng phải ưu tiên tính an toàn, gìn giữ di sản, lấy chất lượng bù số lượng.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu, phải làm mới và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách hiệu quả, bền vững để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, góp phần vào xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54. Trọng tâm là tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch cả ngày và đêm ở quần thể di tích cố đô Huế, nhất là khu vực Đại Nội. Từng bước tái hiện không gian văn hoá cung đình, tăng cường các loại hình dịch vụ trong khu vực Đại Nội như tổ chức yến tiệc khi có nhu cầu, trải nghiệm dịch vụ khám chữa bệnh Đông y theo y thuật cung đình…
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin, trung tâm đang hoàn thành quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế. Theo đó, từng bước khôi phục lại cảnh quan, không gian Cố đô. Khôi phục toàn bộ các công trình di tích chính trong khu vực Đại Nội. Mục tiêu đặt ra là quy hoạch cụ thể từng khu vực, vừa bảo tồn và phát huy giá trị bằng các sản phẩm, dịch vụ mới, xứng tầm vai trò, vị thế.
Ông Nhật cũng cho biết thêm, sau khi hoàn thành quy hoạch (trong năm 2020), trung tâm sẽ tổ chức lấy ý kiến từ các chuyên gia, cố vấn đầu ngành để xây dựng sản phẩm phù hợp. Một yếu tố nữa là ngoài những dịch vụ được trung tâm đảm nhận, sẽ kết hợp với doanh nghiệp khai thác để hướng đến quy mô, bài bản.
Một doanh nghiệp góp ý, ở Nhật Bản, tại khu vực Hoàng cung xưa, lực lượng bảo vệ cũng mặc trang phục cung đình; những người phục vụ mặc trang phục quan lại. Điều đó trở thành điểm nhấn thú vị, là nhân vật để du khách chụp ảnh. Những thay đổi dù nhỏ như thế ở di sản Huế, nhưng cần thiết và có thể làm ngay để tạo điểm nhấn mới.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG
Theo: báo TT Huế online