Trong khi suối Ba Trại và suối Hợp Hai mang lại cảm giác xanh ngát, mát lành thì ở Vũng Thùng, một trong các dòng suối của dãy Bạch Mã kỳ vĩ lại hấp dẫn với chiếc hồ bơi tự nhiên rộng lớn, trong vắt, phù hợp để du khách thỏa thích với bộ môn bơi lội.
Thỏa thích bơi lội với dòng suối trong vắt, mát lạnh
Từ khi đưa vào khai thác, những con suối từ dãy Bạch Mã đổ vào hồ Truồi đã tạo thêm sức hút, mang đến nhiều địa điểm tham quan, trải nghiệm đáng nhớ và thú vị cho du khách khi đến vùng đất núi non liền sông đầm Phú Lộc.
Với những du khách yêu thích không gian núi rừng kỳ vĩ với đá, suối, cây cối quyện hoà, suối Hợp Hai là địa điểm phù hợp để trải nghiệm. Ngược lại, với những ai đam mê trekking và bơi lội, Vũng Thùng, dòng suối với lòng suối vô cùng rộng là địa chỉ chẳng thể bỏ qua trong trong mùa hè này.
Sau tầm mươi phút di chuyển bằng thuyền băng qua hồ Truồi, du khách sẽ đến bãi cạn. Vào mùa nước lớn, khu vực tiếp giáp giữa hồ Truồi và suối Vũng Thùng chìm ngập trong nước. Đến mùa khô, các bãi cạn sẽ dần hiện ra, cùng với cỏ non tạo nên thảo nguyên ngát xanh chen lẫn các gốc lũa đã hàng năm trời ngâm mình trong nước.
Theo đại diện Hợp tác xã Dịch vụ du lịch Thanh niên Lộc Hòa, thông thường mùa đi suối Hợp Hai, Vũng Thùng kéo dài từ tháng 5 đến giữa tháng 9. Vào giai đoạn này, suối Vũng Thùng đang vào mùa đẹp nhất với cung đường đi bộ trekking kéo dài tầm 1km, xen với đó là những ngọn núi cao xanh sừng sững.
Mai Nhàn, du khách nữ lần đầu tiên đến Vũng Thùng, chia sẻ: “Bãi cỏ xanh và con đường giữa điệp trùng núi non là một trong những lý do đầu tiên khiến mình chọn Vũng Thùng để thăm thú. Mình yêu màu xanh non của cỏ, sự vắng lặng, tĩnh mịch khó có thể tìm thấy nơi phố thị, cảm giác bình yên của khoảng không gian rộng lớn nơi đây”.
Ngoài bãi cỏ non xanh, cảnh vật hữu tình, cung đường trekking còn đặc biệt thú vị bởi sự xuất hiện của chim chóc, bươm bướm, chuồn chuồn. Vào mùa ươi, nếu may mắn, du khách có thể tận mắt chứng kiến những quả ươi bay xoay tít trong gió.
Di chuyển qua bãi cỏ, vượt thêm trăm mét chi chít các loại đá, đá cuội, du khách sẽ chiêm ngưỡng được Vũng Thùng một cách trọn vẹn nhất. Đập ngay vào mắt là con suối với hồ nước tự nhiên rộng hàng trăm m2. Trải qua bao nhiêu năm tháng mài mòn, các vỉa đá quanh hồ trơn nhẵn, láng bóng. Cùng với thác nước nhỏ tung bọt trắng xóa, toàn bộ khung cảnh đều lóng lánh ánh mặt trời phản chiếu vào mặt nước trong veo, có thể thấy rõ từng hòn sỏi dưới đáy hồ với vô vàn cá nhỏ đang tung tăn bơi lội.
Khác với màu xanh từ những tán cây cổ thụ, từ những tảng đá rêu phong của dòng Hợp Hai, nơi mà ánh Mặt trời khó để lọt những tia sáng xuống lòng suối. Với Vũng Thùng, Mặt trời đã hào phóng gửi món quà tặng là ánh nắng rực rỡ, bao la, chiếu rọi khắp khu vực lòng suối. Ánh sáng ấy biến dòng nước trong vắt nhuộm xanh lơ màu thiên thanh của bầu trời, màu bềnh bồng của những đám mây trắng xốp, màu xanh non rì rào của rừng, của núi. Chúng quyện hòa với nhau, tạo thành một màu xanh ngát đẹp đến nao lòng.
Trần Văn Nhật, một du khách khác, hào hứng: “Mình đã đi rất nhiều con suối khác nhau, cả ở A Lưới, Nam Đông, nhưng có lẽ suối Vũng Thùng là con suối mà mình được thỏa thích bơi lội nhất. Nhảy ùm xuống dòng nước trong vắt, mát rượi sau một đoạn đường không dài, nhưng cũng không quá ngắn trekking, mọi mệt nhọc, vất vả, những muộn phiền, âu lo đều tan biến”.
Là con suối mang vẻ đẹp hoang sơ của chốn núi rừng, Vũng Thùng đang ngày càng được nhiều người biết đến. Trải nghiệm dòng nước mát lành trong khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ của núi rừng này, ngoài chuẩn bị sức khỏe và thể trạng thật tốt, du khách cần giữ gìn vệ sinh chung. Để với những ai có dịp được đến thăm thú con suối này đều sẽ cảm nhận được trọn vẹn khung cảnh thanh bình, yên ả của một Vũng Thùng nằm sâu trong lòng núi.
Bài, ảnh: Tuệ Lâm
Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế online”