Thúc đẩy thanh toán điện tử, hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này sẽ tạo ra tác động kép: vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng – tài chính. Trong đó, du lịch sẽ là một trong những lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”
Nhiều đột phá
Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thời gian qua, bên cạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng thanh toán, tăng cường công tác an ninh, bảo mật, đảm bảm quyền lợi của khách hang. Song song đó, triển khai ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 trong cung ứng dịch vụ thanh toán.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đẩy mạnh truyền thông phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức TTKDTM.
Thực tế cho tháy, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong 5 tháng đầu năm 2019 đạt trên 64.160 nghìn giao dịch, tương ứng với gần 35.728 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái).
Đến cuối tháng 4/2019, trên toàn quốc có hơn 18.700 ATM, hơn (tăng tương ứng 4,25% so với cùng kỳ năm ngoái), số POS đạt được 266.700 POS và hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công (cơ sở y tế, bệnh viện, trường học…).
Việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên: đến cuối tháng 3/2019 đã tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2018. Phát triển dịch vụ tài khoản cá nhân góp phần thu hút vốn nhàn rỗi từ mọi tầng lớp dân cư và là điều kiện tiên quyết để tạo mở rộng dịch vụ TTKDTM.
Số lượng và giá trị giao dịch thẻ tiếp tục tăng: Đến 31/3/2019, số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt hơn 65 triệu giao dịch (tăng 18,45% so với cùng kỳ năm 2018) với tổng giá trị giao dịch hơn 171 nghìn tỷ đồng (tăng 18,82% so với cùng kỳ năm 2018); Nhiều tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.
Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, tính đến 31/3/2019, số lượng giao dịch tài chính qua kênh Internet đạt hơn 101 triệu giao dịch với giá trị giao dịch khoảng 4.581 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 65,81% và 13,46% so với cùng kỳ năm 2018); số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động đạt hơn 76 triệu giao dịch với giá trị giao dịch hơn 924 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 97,75% và 232,3% so với cùng kỳ năm 2018).
Tác động kép
“Với người tiêu dùng, trong đó có khách du lịch thanh toán điện tử đem lại các tiện ích vượt trội, như: tiết kiệm thời gian, chi phí và độ an toàn cao hơn. Trong khi đó, với các đơn vị bán hàng hóa, dịch vụ, thanh toán điện tử giúp triển khai, cung ứng dịch vụ nhanh chóng; đánh giá, phân loại và mở rộng tập khách hàng nhờ khai thác dữ liệu điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm thiểu rủi ro và chi phí cho việc bảo quản, luân chuyển, xử lý tiền mặt…”, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Nhiều đơn vị đã có hệ thống TTKDTM khá tốt tại Việt Nam
Đồng thời, Chính phủ cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển sang thanh toán điện tử thông qua việc tăng cường tính minh bạch của nền kinh tế; thu hẹp hoạt động kinh tế ngầm; cùng với đó là mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng – tài chính tới mọi người dân.
Như vậy, “có thể thấy thúc đẩy thanh toán điện tử hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra tác động kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ ngân hàng-tài chính”, ông Anh cho biết thêm.
TS Nguyễn Văn Thành, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng: “Từ những lợi ích thấy rõ thì các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã và đang TTKDTM nhiều nhất. Ví như mua bán vé máy bay, làm thủ tục trước chuyến may, mua bán tour online, thanh toán các loại dịch vụ trực tuyến rất dễ dàng”.
Do đó, “trong bối cảnh mà Việt Nam đẩy nhanh quá trình TTKDTM thì du lịch sẽ là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất. Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực này đã có hệ thống quản lý, thanh toán nội bộ khá tốt, nếu kết nối với cơ sở hạ tầng đồng bộ của quốc gia thì mọi thứ sẽ dễ dàng thuận lợi hơn rất nhiều”, chuyên gia này phân tích thêm.
Để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt, hiện NHNN đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số.
Bên cạnh đó, sẽ “xây dựng hạ tầng thanh toán quốc gia, xử lý thanh toán theo thời gian thực, vận hành liên tục 24×7, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong nền kinh tế số, đặc biệt có khả năng kết nối, tích hợp và xử lý thanh toán cho tất cả các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ”.
“Và quan trọng hơn là phải đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng”, ông Anh nhấn mạnh.
Ngày 11/6, tại TP.HCM, dưới sự chỉ đạo nội dung từ Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN), Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Vụ Thanh toán (NHNN) tổ chức Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Lãnh đạo các Bộ, ngành: NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND TP.HCM. |
Phong Vân
Nguồn: báo dulich việt nam