Khởi động du lịch cộng đồng, đầm phá

Đến với Ngư Mỹ Thạnh, du khách sẽ được cùng ăn, cùng ở, cùng khám phá và trải nghiệm tour du lịch đầm phá kết hợp với tham quan làng nghề…

Các bạn trẻ thích thú với chèo thuyền SUP trong rừng ngập mặn trên phá Tam Giang

Tất bật “dọn nhà” đón khách

Những ngày trung tuần tháng 4/2022, người dân thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền – một ngôi làng bên chân sóng phá Tam Giang tất bật với công việc “dọn nhà” đón khách du lịch. Các tour tuyến du lịch trải nghiệm đầm phá được HTX Du lịch dịch vụ cộng đồng Tam Giang – Quảng Lợi (gọi là HTX Du lịch) triển khai đón khách dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới.

HTX Du lịch được hình thành từ cuối năm 2021, gồm 30 thành viên, với mục đích khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng đầm phá Tam Giang. Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên các tour du lịch cộng đồng đầm phá bị gián đoạn, chỉ phục vụ số ít khách lẻ. Nay xã hội trở về trạng thái bình thường mới, người dân tích cực hưởng ứng tham gia với mong muốn biến sản phẩm du lịch độc đáo này thu hút khách du lịch.

Vừa sắp đặt ngăn nắp chăn gối trong phòng, ông Hồ Văn Huy phấn khởi: “Được sự hỗ trợ của UBND huyện 30 triệu đồng, gia đình chúng tôi vừa sửa sang lại căn phòng khang trang, đón khách lưu trú qua đêm. Gia đình cũng được HTX hướng dẫn cách thức đón khách, đưa khách đi tham quan trải nghiệm và làm các món ẩm thực phục vụ du khách”.

Cách đó không xa, ông Trần Vọng cũng sửa chữa và vừa sơn xong con thuyền rồng, sẵn sàng chở khách trải nghiệm đầm phá Tam Giang. Thuyền của ông Vọng là một trong 11 chiếc được HTX Du lịch trưng dụng để chở khách tham quan, trải nghiệm đầm phá.

Sản phẩm du lịch trải nghiệm đổ nò

Ông Văn Hữu Sang, Giám đốc HTX Du lịch cho biết, Quảng Điền có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng khi có vùng đầm phá Tam Giang trải dài với diện tích 3.500ha mặt nước; diện tích rừng ngập mặn tập trung gần 50ha chủ yếu ở Quảng Lợi. Về dịch vụ lưu trú, đến nay người dân trong thôn đã hoàn thành 10 phòng homestay sẵn sàng đón khách. Một điểm check-in giữa đầm phá Tam Giang cũng vừa được xây dựng xong, đáp ứng sở thích chụp ảnh, ngắm hoàng hôn cho giới trẻ. Địa phương cũng đang tổ chức vệ sinh môi trường, trang trí lại các điểm đến sẵn sàng đón khách.

Các thành viên trong HTX sẽ kết nối, tổ chức cho du khách các tour tham quan làng bích họa, làng rau, làng nghề mây tre đan, các điểm di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Từ đó, hình thành các tour tuyến du lịch trải nghiệm như gieo cấy lúa, trồng hoặc thu hoạch hoa màu, bủa lưới, thả lừ, đổ nò, bắt trìa, chèo thuyền SUP trên đầm phá… để du khách hiểu biết thêm về đời sống lao động, sinh hoạt và văn hóa của người dân vùng đầm phá.

Thiếu nguồn lực

Anh Thuận, một hãng lữ hành từng gắn bó với sông nước Tam Giang Quảng Điền cho biết, nếu làm bài bản, mô hình du lịch cộng đồng của Ngư Mỹ Thạnh sẽ rất hút khách du lịch. Để khai thác có hiệu quả và phát triển du lịch cộng đồng, sắp tới, HTX cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch cộng đồng dựa trên việc mở rộng các loại hình đào tạo, mở các lớp tập huấn bồi dưỡng về du lịch, kỹ năng nghiệp vụ, thái độ phục vụ khách du lịch, giao tiếp ngoại ngữ kết hợp với việc phổ biến kinh nghiệm và hỗ trợ cho người dân địa phương phát triển du lịch cộng đồng.

Trước đây, các mô hình dịch vụ du lịch ở đây chủ yếu tự phát mạnh ai nấy làm, nhưng đến nay có HTX quản lý nên bài bản hơn; tuy nhiên khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn lực. “Thành viên HTX với cổ đông mỗi người chỉ 1 triệu đồng thì chưa thể làm được gì lớn. Muốn phát triển thêm các loại hình dịch vụ, chúng tôi phải đi vay thêm tiền. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, rất cần những doanh nghiệp cùng về góp sức với Ngư Mỹ Thạnh để phát triển du lịch trong tương lai” – Giám đốc HTX Văn Hữu Sang trăn trở.

Phát triển du lịch đầm phá là một trong những chủ trương và định hướng lớn trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện Quảng Điền trong giai đoạn 2020 – 2025, với quyết tâm tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện chuyển từ nông nghiệp dần sang công nghiệp và dịch vụ du lịch. “Vì vậy, trong giai đoạn này, huyện tiếp tục kêu gọi tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư khai thác du lịch biển và đầm phá. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, kết nối các tour tuyến để thu hút du khách đến với vùng đất giàu tiềm năng văn hóa lịch sử và mến khách Quảng Điền” – Bí thư Huyện ủy Trần Quốc Thắng khẳng định.

Hình thành sản phẩm du lịch đặc thù trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai

Trong chuyến kiểm tra mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu chính quyền các địa phương tập trung rà soát quy hoạch chi tiết, quy hoạch quỹ đất để xúc tiến đầu tư, phát triển hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch. Việc phê duyệt quy hoạch và quản lý tốt công tác quy hoạch sẽ tạo tiền đề cơ bản phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả trên đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. Bên cạnh đó, cần chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng đặc thù, phát triển sản phẩm theo chuỗi, có thương hiệu.

Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có diện tích hơn 22.000ha trải dài 68km thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TP. Huế. Đây là đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á.

 

Bài, ảnh: Thái Bình

Nguồn ” Báo Thừa Thiên Huế Online “

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *